Do đại dịch Covid-19, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã làm những việc "chưa bao giờ làm"
Tính đến gần cuối tháng 3, tổng sản lượng khẩu trang vải phòng dịch trong cộng đồng được các đơn vị thành viên Vinatex sản xuất từ đầu tháng 2/2020 đã đạt hơn 38 triệu chiếc.
Thông tin được bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, trong 2 tháng xảy ra đại dịch Covid-19, Vinatex đã sản xuất những mặt hàng chưa bao giờ làm như khẩu trang phòng dịch, quần áo dành cho bệnh viện và y bác sĩ.
Tính đến gần cuối tháng 3, tổng sản lượng khẩu trang vải phòng dịch trong cộng đồng được các đơn vị thành viên Vinatex sản xuất từ đầu tháng 2/2020 đã đạt hơn 38 triệu chiếc, trong đó khẩu trang từ vải dệt thoi đã cung ứng ra thị trường 5 triệu sản phẩm (Tổng công ty CP May Việt Tiến là 2 triệu chiếc, Công ty CP Dệt lụa Nam Định là 3 triệu chiếc).
Trong các tháng tiếp theo, sản lượng khẩu trang vải phòng dịch của Vinatex dự kiến sẽ đạt từ 28-30 triệu chiếc/tháng.
Những sản phẩm mới vừa kịp thời phục vụ xã hội nhưng cũng là một phần bù đắp thiếu hụt đơn hàng trong thời gian khó khăn của ngành dệt may.
"Hầu hết doanh nghiệp thiếu từ 30-50% việc làm trong tháng 4, tháng 5"
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU tổng giá trị hàng hoá đạt giá trị trên 16 tỷ USD, trong đó nhóm hàng chủ lực là dệt may, giày dép. Tuy nhiên, những tác động của đại dịch Covid-19 khiến nhóm ngành này đang chịu áp lực lớn nếu không có những giải pháp hữu hiệu, kịp thời.
Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, Tập đoàn Dệt May Việt Nam dự báo, nếu dịch không sớm kiểm soát, chắc chắn các doanh nghiệp với trên 90% sản lượng cho xuất khẩu của Vinatex sẽ không khỏi ảnh hưởng. Trước mắt, hầu hết các doanh nghiệp sẽ thiếu từ 30-50% việc làm trong tháng 4 và tháng 5/2020.
Quỹ chi lương mỗi tháng của doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn khi các đơn hàng bị hủy hoặc tạm hoãn từ nửa cuối tháng 3/2020. Lượng nhân sự với hơn 120.000 người, áp lực chi trả lương mà không có việc làm sẽ khiến doanh nghiệp dệt may sẽ cạn vốn.
Việc duy trì hoạt động để doanh nghiệp không phá sản, người lao động có thu nhập, có việc làm là một thách thức được đặt ra cho Vinatex lúc này.
Dệt may gặp nhiều khó khăn về sản xuất, kinh doanh do dịch Covid-19.
Chia sẻ về những phương án vượt "bão" Covid-19, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn cho hay, hiện nay Vinatex đang tập trung giải quyết các đơn hàng chưa bị hủy, tìm kiếm phục vụ thị trường nội địa, sản xất các mặt hàng phòng chống dịch.
"Trên tinh thần không sa thải người lao động, Vinatex thực hiện giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, kêu gọi tinh thần đoàn kết, chung tay của người lao động để doanh nghiệp vượt qua thách thức đại dịch bởi doanh nghiệp tồn tại thì người lao động còn việc làm, còn nguồn sống. Bên cạnh đó, tập trung cao độ cho việc bảo toàn sức khỏe của người lao động trong dịch", Phó TGĐ tập đoàn cho biết.
Việc giữ liên lạc thường xuyên và chặt chẽ với khách hàng để kêu gọi khách hàng chia sẻ khó khăn, tiếp tục thanh toán những khoản trong khả năng, tiếp tục đặt hàng khi đại dịch qua đi, đồng thời kêu gọi cổ đông chia sẻ giải pháp tài chính cũng là những biện pháp mà Tập đoàn đang triển khai để duy trì hoạt động.
Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
"Đề nghị có cơ chế cho vay không lãi để doanh nghiệp bù thêm cho người lao động"
Theo vị lãnh đạo Vinatex, hiện tại, các doanh nghiệp đang được nhận sự hỗ trợ từ những chính sách kịp thời, nhân văn của Chính phủ như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hay hỗ trợ tiền lương cho người lao động. Điều này có ý nghĩa với sự sống còn của doanh nghiệp, bởi giảm được áp lực bất cứ dòng tiền ra nào lúc này đều vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, các tiêu chí bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cần được làm rõ, bởi với doanh nghiệp dệt may, mức độ giãn, giảm thuế ảnh hưởng không lớn vì dệt may làm xuất khẩu không có thuế giá trị gia tăng (VAT).
Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 thì đã tạm nộp hàng quý, số còn lại chưa nộp chỉ là 1 quý; trong khi quý I/2020 thì không có lợi nhuận nên thực chất chiểu theo chính sách này thì DN dệt may cũng không được giảm. Tiền thuê đất tỷ trọng trong chi phí thấp, nên cũng không tác động được đáng kể khi được gia hạn nộp.
Phó TGĐ Tập đoàn Vinatex cho rằng, với doanh nghiệp dệt may thì quan trọng nhất là hoãn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp vì chi phí này lên tới 34% của quỹ lương, mà quỹ lương chiếm 60% chi phí doanh nghiệp may. Nên tỷ trọng chi đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp lên tới 20% tổng chi phí toàn doanh nghiệp.
Do vậy, với các thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất mà doanh nghiệp dệt may nào đã nộp cho năm 2019 nên được trừ vào các phí cần đóng như Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn của năm 2020.
Ngoài ra, theo Phó TGĐ Phạm Nguyên Hạnh, chính sách hỗ trợ 1,8 triệu đồng cho người thiếu việc làm phải nghỉ cần có hướng dẫn ngay cách làm như thế nào để được nhận.
"Nếu trước khi chính thức xét ai được hưởng, cần cho tất cả chậm nộp thuế, phí trong 6 tháng trong lúc chờ đánh giá. Đề nghị có cơ chế cho vay không lãi để doanh nghiệp bù thêm cho người lao động (thiếu việc phải nghỉ) đủ số lương tối thiểu vùng. Như vậy, ngoài phần 1,8 triệu đồng đã được hỗ trợ thì vay như thế nào, thủ tục ra sao và làm với ai?", bà Nguyên Hạnh khuyến nghị.
Tổ quốc
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19