MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam

Đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như du lịch, thương mại, đầu tư, năng lượng, logistics, công nghệ, lao động và các lĩnh vực khác.

Chiều 11/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự và phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Saudi Arabia. Đây sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư lớn nhất giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong những năm đây, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước.

Phó Thủ tướng đánh giá Việt Nam và Saudi Arabia là hai nền kinh tế phát triển năng động ở khu vực Đông Nam Á và Trung Đông và đều đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 10/1999), quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa 2 nước không ngừng được củng cố và phát triển.

Saudi Arabia hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 32,4% so với năm 2021 - con số rất ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Saudi Arabia đã và đang triển khai hiệu quả nhiều dự án đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng và thép..., tiêu biểu là dự án tiên phong Zamil Steel (sản xuất thép) với câu chuyện thành công trên 25 năm và vẫn đang tiếp diễn.

Phó Thủ tướng tin tưởng với nền tảng quan hệ hữu nghị rất tốt đẹp, với nhiều điểm tương đồng, có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, quan hệ kinh tế Việt Nam - Saudi Arabia sẽ có những bước phát triển đột phá trong thời gian tới.

Đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hải Phòng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Riyadh - Ảnh: VGP/Hải Minh

Thông tin về tình hình gần đây của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Từ năm 2019 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân 10% năm; năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có kim ngạch ngoại thương lớn nhất toàn cầu.

Việt Nam cũng là điểm sáng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiện có hơn 37.000 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 450 tỷ USD; đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới.

Thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều chính sách để phát triển quan hệ với các quốc gia khu vực Trung Đông - châu Phi, khai mở thị trường Hồi giáo Halal, tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế với các quốc gia Hồi giáo trên thế giới nói chung, cũng như các quốc gia Hồi giáo tại khu vực Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia.

Mới đây, Việt Nam đã cho phép công dân tất cả các quốc gia, trong đó có công dân Saudi Arabia, đều có thể xin thị thực điện tử (e-visa) để nhập cảnh Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân. Phó Thủ tướng cho rằng đây là "đòn bẩy" quan trọng mở ra những cơ hội mới cho hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Saudi Arabia trong thời gian tới.

Đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam - Ảnh 2.

Một doanh nghiệp Saudi Arabia giới thiệu sản phẩm tại diễn đàn. Ảnh: LV

Theo Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy, bất chấp những bất ổn toàn cầu sau khủng hoảng COVID-19, Việt Nam và Saudi Arabia đều đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là trong năm 2022.

Cụ thể, GDP của Saudi Arabia đã đạt mức 1.000 tỷ USD và trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong nhóm G20 với mức tăng trưởng 8,7%, trong khi Việt Nam lần đầu tiên đạt mức GDP hơn 400 tỷ USD, tăng 8,02%, và tiếp tục nằm trong tốp 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Trong 24 năm qua, Saudi Arabia và Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác bền chặt, trở thành những đối tác khu vực quan trọng của nhau. Hai nước cũng thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và đa phương.

Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2022, tăng 32,4% so với năm trước.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm đến thị trường Việt Nam và một số doanh nghiệp lớn như Zamil Steel, ACWA Power, SABIC đã và đang kinh doanh, đầu tư thành công tại Việt Nam. Quỹ Phát triển Saudi Arabia cũng đã tài trợ tổng số tiền 164 triệu USD cho 12 dự án tại Việt Nam.

Hiện Phái đoàn Phòng Thương mại Riyadh đang có chuyến thăm Việt Nam. Đây là đoàn doanh nghiệp Saudi Arabia lớn nhất từ trước đến nay sang Việt Nam với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như du lịch, thương mại, đầu tư, năng lượng, logistics, công nghệ, lao động và các lĩnh vực khác.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, Phó Thủ tướng gợi ý các đại biểu tham dự Diễn đàn tập trung trao đổi về các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả "4 trụ cột hợp tác và 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm" giữa hai nước.

Bốn trụ cột hợp tác, theo Phó Thủ tướng, gồm: Nâng cao kim ngạch thương mại, đặc biệt là kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal; Khuyến khích đầu tư vào thị trường của nhau trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, công nghiệp nặng và công nghiệp thực phẩm; Đẩy mạnh hợp tác về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hạ tầng số và viễn thông; Tạo động lực mới cho hợp tác du lịch và lao động theo hướng bền vững, hiệu quả, chất lượng cao.

Trong khi đó, ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý và chính sách (như ký kết các hiệp định mới) nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh tế giữa hai nước; Tăng cường chia sẻ thông tin về thị trường, cơ hội hợp tác; các tập quán kinh doanh và quy định pháp luật trong đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước; Tổ chức có hiệu quả các hoạt động kết nối địa phương, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương, doanh nghiệp tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá về thương mại, đầu tư, du lịch… tại mỗi nước.

 

Theo Pha Lê

Phụ nữ thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên