Doanh nghiệp 'âm' lao động sau thời gian giãn cách
Đợt dịch lần thứ 4 kéo dài đẩy hàng chục nghìn doanh nghiệp khu vực phía Nam phải tạm ngưng hoạt động. Một số người lao động về quê, số khác thuộc F0, F1 đang phải cách ly, điều trị… Do đó, khi tái sản xuất doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động.
- 20-09-2021Từ các dự án xây cầu ở Mỹ, Thuỵ Điển, Trung Quốc đến cầu 8.900 tỷ đồng nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên: Tác động kinh tế mang lại là gì?
- 20-09-2021Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không phải cứ có ca F0 là đóng cửa toàn bộ nhà máy!
- 20-09-2021Thế khó khi doanh nghiệp đầu tư vào KCN: 'Luật Đầu tư cho phép miễn giảm thuế, nhưng Luật Thuế lại không'
“Khát” lao động
Bình Dương có 50.000 doanh nghiệp (DN) với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Dịch bệnh khiến hàng chục nghìn DN ở Bình Dương phải tạm đóng cửa và chỉ còn hơn 3.000 nhà máy sản xuất theo 2 phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 địa điểm”.
Đến ngày 15/9, sau khi Bình Dương công bố trở về trạng thái bình thường mới, nới lỏng giãn cách “vùng xanh”, các DN bắt đầu đăng ký hoạt động trở lại (hơn 1.000 DN) nhưng phải đối mặt với tình trạng “âm” lao động.
“Theo quy định, công ty chúng tôi được phép hoạt động trở lại với mô hình “3 xanh” (nhà máy, công nhân, nhà trọ). Tuy nhiên, trong số hơn 500 lao động vốn có trước đây hiện một số đã về quê, một số còn bị cách ly, phong tỏa. Do đó, chúng tôi đang đối mặt với việc thiếu lao động khi tái hoạt động. Tuyển dụng thời điểm này rất khó vì điều kiện thông hành”, ông Phạm Thanh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Sông Thủ, nói.
"Nhằm động viên người lao động trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 bị mất việc làm, bị ngừng việc, không đi khỏi nơi cư trú, tỉnh Bình Dương đã quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các đối tượng này, không phân biệt công nhân hay lao động tự do. Đây cũng là chính sách tích cực để giữ chân lao động thay cho doanh nghiệp". Ông Phạm Văn Tuyên,
Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương
Lực lượng lao động mỏng nên năng suất không cao, không vận hành đầy đủ các chuyền sản xuất. “Do đó, chúng tôi muốn tuyển thêm người nhưng xem ra rất khó vì nhiều lao động không chịu ở hẳn trong nhà xưởng, yêu cầu có 2 mũi vắc-xin cũng chưa nhiều người đáp ứng”, ông Lê Văn An, Giám đốc Công ty An Hạ, nói.
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, với thị trường lao động hiện nay, DN phải hạ thấp tiêu chuẩn tuyển chọn, có như vậy mới đủ người làm.
Cần đủ vắc-xin và lập trạm y tế
Ông Tuyên cho biết, thời gian tới, thị trường lao động tại địa phương theo xu hướng cầu lớn hơn cung và cần ít nhất 40.000 lao động phục vụ sản xuất; nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, DN có thể cần tới 60.000 lao động do phải đáp ứng các đơn hàng sản xuất phục vụ nhu cầu mua sắm dịp lễ tết. Thu hút nhiều nhân lực nhất vẫn là ngành chế biến, chế tạo, chủ yếu trong các lĩnh vực thực phẩm, may mặc, da giày, điện tử…
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, thông tin, các DN ngành lương thực đã đáp ứng được quy định thẻ xanh, thẻ vàng, sẵn sàng tâm thế mở cửa sản xuất thời gian tới. Tuy nhiên, cái khó khi tái khởi động là trong thời gian thực hiện “tại chỗ” vừa qua, tất cả DN đều mất đi 20% lực lượng lao động. Việc tập hợp lao động hiện nay cũng khó do mỗi tỉnh có quy định thời gian giãn cách khác nhau.
“Trong thời điểm cuối năm lượng hàng sản xuất của ngành lương thực tăng gấp 2-3 lần nên rất cần nguồn lao động để phục vụ nhu cầu. Đồng thời tài chính của DN đã kiệt quệ, cần được sự hỗ trợ của Nhà nước về vay vốn mới với lãi suất giảm, miễn giảm thuế”, bà Chi đề xuất.
Theo ông Trần Minh Tú, Giám đốc điều hành Nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn (TPHCM), bất cập hiện nay là lượng vắc-xin chỉ phân bổ cho lượng công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, còn lại đều đưa về địa phương.
“Đưa vắc-xin về địa phương thì lực lượng lao động mà DN cần lại không được tiêm, lực lượng không cần thì lại được tiêm. Nếu được có thể phân bổ vắc-xin về DN từ 30-40%, DN sẽ chọn lựa lực lượng lao động quan trọng nhất để tiêm ngừa, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho những đơn hàng quốc tế”, ông Tú nói.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết, ngoài việc duy trì xuyên suốt trạm y tế lưu động với hơn 100 trạm ở các địa phương, Bình Dương triển khai thành lập trạm y tế lưu động ngay trong DN, cụm, khu công nghiệp.
“Việc thành lập trạm y tế ngay trong DN nhằm tránh gãy chuỗi sản xuất, bóc tách F0 (nếu có) không để xảy ra tình trạng phải đóng cửa nhà máy khi phát hiện ca F0”, ông Thao nói.
Tiền phong