MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp BĐS: Mỗi ngày “mở mắt” phải trả hàng chục tỷ tiền lãi, riêng Novaland có chi phí lãi vay thấp "kỳ lạ"

19-02-2023 - 09:14 AM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp BĐS: Mỗi ngày “mở mắt” phải trả hàng chục tỷ tiền lãi, riêng Novaland có chi phí lãi vay thấp "kỳ lạ"

Ghi nhận tình hình trả lãi vay của các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, cá biệt có đơn vị chi phí lãi vay “ngốn” đến 83% lợi nhuận gộp tạo ra từ hoạt động kinh doanh.

Khép lại năm 2022, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dòng vốn siết chặt, lãi vay cao… hầu hết chỉ số kinh doanh các doanh nghiệp đều sụt giảm. Với tính chất sử dụng đòn bẩy tài chính cao, nhóm công ty bất động sản (BĐS) có thể nói là đối tượng “tổn thương” nhiều nhất hiện nay.

Ghi nhận tình hình trả lãi vay của các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán, cá biệt có đơn vị chi phí lãi vay “ngốn” đến 83% lợi nhuận gộp tạo ra từ hoạt động kinh doanh.

Chi phí lãi vay ghi nhận trên BCTC công ty là khoản chi phí phát sinh khi doanh nghiệp đi vay các khoản vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm: Lãi tiền vay ngắn hạn, dài hạn; Chi phí tài chính của tài sản thuê tài chính...

Khi mặt bằng lãi suất cao hơn trước, chi phí lãi vay năm 2022 của nhiều doanh nghiệp mạnh so với cùng kỳ. Mặt khác, nguồn thu từ hoạt động truyền thống cũng đang giảm mạnh khi thị trường chùng xuống.

Doanh nghiệp BĐS: Mỗi ngày “mở mắt” phải trả hàng chục tỷ tiền lãi, riêng Novaland có chi phí lãi vay thấp kỳ lạ - Ảnh 1.

Điểm qua một số “ông lớn” BĐS đang phải trả lãi vay bao nhiêu tiền trong năm qua, đầu tiên phải kể đến Vingroup (VIC) . Với quy mô lớn nhất thị trường, Vingroup cũng đang là doanh nghiệp có chi phí lãi vay dẫn đầu toàn thị trường chứng khoán với hơn 11.000 tỷ đồng.

Đơn vị thành viên là Vinhomes (VHM) – công ty con của Vingroup – xếp thứ hai nhóm doanh nghiệp BĐS dẫn đầu về chi phí lãi vay ghi nhận trong năm với lần lượt 2.219 tỷ và 1.577 tỷ. Dù vậy, so với lợi nhuận gộp từ bán hàng hoá và dịch vụ tạo ra trong năm, chi phí lãi vay chỉ chiếm tỷ trọng 7%.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng dư nợ vay dài và ngắn hạn của VHM vào mức 36.177 tỷ đồng.

Dù quy mô không lớn, song CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) “cá biệt” khi chi phí lãi vay “ngốn” đến 83% số lợi nhuận gộp tạo ra trong năm.

Được biết, tổng dư nợ vay của CII tính đến cuối năm vào mức 14.582 tỷ đồng, tương ứng cán cân nợ/vốn chủ sở hữu vào mức 1,75 (tức nợ gấp gần 2 lần vốn). Tổng chi phí lãi vay CII ghi nhận phải trả trong năm qua là 1.120 tỷ đồng.

Becamex (BCM) bình quân mỗi ngày trả lãi hơn 2,5 tỷ. Chi phí lãi vay trong năm qua của doanh nghiệp dẫn đầu về mảng khu công nghiệp là 877 tỷ đồng – tương đương 32% lợi nhuận gộp thu về trong năm.

Tập đoàn được chú ý thời gian qua là Novaland (NVL) có chi phí lãi vay ghi nhận vào kết quả kinh doanh thấp hơn hẳn so với rất nhiều doanh nghiệp khác trên sàn, với 842 tỷ .

Tuy nhiên, theo bảng lưu chuyển tiền tệ, Novaland đã chi trả hơn 6.100 tỷ đồng tiền lãi tính đến ngày 31/12/2022. Tức mỗi ngày, doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn đã trả gần 17 tỷ đồng, chỉ sau Vingroup.

Khoản chênh lệch lớn này có thể đến từ việc phần lớn lãi vay đã được vốn hóa trong giá trị xây dựng cơ bản dở dang. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng vay ngắn hạn và dài hạn của Novaland xấp xỉ 65.000 tỷ đồng.

Chi phí lãi vay phải trả chiếm trên 20% lợi nhuận gộp còn có Gelex (GEX). Với dư nợ tính đến ngày 31/12/2022 vào mức 16.842 tỷ, GEX ghi nhận chi phí lãi năm qua là 1.374 tỷ đồng – tương đương mỗi ngày phải chịu lãi gần 4 tỷ đồng.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên