Doanh nghiệp châu Âu quan tâm đầu tư kinh tế xanh tại miền Trung
Tại hội thảo “EuroCham gặp gỡ các tỉnh khu vực miền Trung”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết nhiều doanh nghiệp châu Âu mong muốn đầu tư các dự án kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại các tỉnh miền Trung.
- 04-06-2022Bình Định trở thành điểm sáng đầu tư mới của miền Trung
- 04-06-2022Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 về Chỉ số Phục hồi COVID-19
- 04-06-2022Chữa bệnh "có tiền mà không tiêu được"
Môi trường đầu tư tiềm năng
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo "EuroCham gặp gỡ các tỉnh khu vực miền Trung".
Tại hội thảo, lãnh đạo ba địa phương ở miền Trung cho biết, định hướng phát triển dài hạn của các tỉnh là tập trung vào hướng xanh, bền vững với nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư châu Âu đầu tư vào các lĩnh vực để thúc đẩy nền kinh tế xanh.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, hiện, châu Âu là một trong những thị trường trọng điểm mà thành phố tập trung kêu gọi đầu tư. Đến hết quý II/2022, có khoảng 140 dự án FDI của các nước khu vực châu Âu đang đầu tư tại Đà Nẵng với tổng số khoảng 480 triệu USD. Riêng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có 92 dự án với tổng vốn đầu tư là 99 triệu USD.
Các dự án chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực: dịch vụ ăn uống (nhà hàng, sản xuất thực phẩm), giáo dục, dịch vụ tư vấn, sản xuất phần mềm, khách sạn, linh kiện điện tử (ô-tô, máy tính...).
Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã tổ chức nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với các nước châu Âu như: Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Ý... và thu hút nhiều doanh nghiệp hai bên tham dự.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, châu Âu là một trong những thị trường trọng điểm mà thành phố tập trung kêu gọi đầu tư. Ảnh: Nguyễn Tri.
Hiện, có 35 doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố, đóng góp tích cực cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.
"Thời gian tới, thành phố hy vọng sẽ đón nhận được nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu trong các lĩnh vực mũi nhọn mà thành phố đang định hướng phát triển. Chính quyền thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư châu Âu thiết lập và triển khai dự án đạt hiệu quả tại Đà Nẵng", ông Minh chia sẻ.
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, kinh tế- xã hội của Thừa Thiên Huế vẫn nằm trong tốp tăng trưởng của cả nước. GRDP năm 2021 gấp đôi mức bình quân chung của cả nước; các chỉ số về công nghiệp, thu nộp ngân sách, kinh ngạch xuất nhập khẩu đều có mức tăng trưởng tốt.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 116 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký là trên 4 tỷ USD; trong đó 15 dự án đang hoạt động đến từ các doanh nghiệp châu Âu, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 230 triệu USD…
"Thời gian tới, tỉnh sẽ đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, hướng tới kinh tế xanh và bền vững, phát triển mô hình kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn", ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Còn theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn có 38 dự án của các doanh nghiệp châu Âu với tổng vốn đầu tư 395 triệu USD. "Đa số nhà đầu tư Châu Âu đang đầu tư trên địa bàn đều đúng theo định hướng phát triển xanh - sạch - bảo vệ môi trường", ông Bửu nói.
Hội thảo “EuroCham gặp gỡ các tỉnh khu vực miền Trung” với sự tham dự của TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nguyễn Tri.
Nhiều ưu đãi với các nhà đầu tư "xanh"
Tại hội thảo, bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành EuroCham cho biết, nỗ lực thu hút nhà đầu tư trên lĩnh vực kinh tế xanh, để hướng tới phát triển xanh và bền vững là xu thế tất yếu trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
"Chúng tôi cũng có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và muốn đầu tư vào các lĩnh vực, ngành theo hướng phát triển xanh, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến các cơ chế, chính sách ưu đãi của doanh nghiệp đầu tư theo hướng này", bà Delphine cho biết.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, trong định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng xây dựng mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh.
"Hiện, Khu công nghiệp Hoà Khánh cơ bản đã được lấp đầy và đang được chuyển hướng phát triển thành Khu công nghiệp sinh thái. Ngành du lịch thành phố cũng khuyến khích du lịch xanh. Chúng tôi cũng đang có nhiều dự án về môi trường đang muốn mời gọi các nhà đầu tư châu Âu – nơi tiên phong phát triển công nghệ xanh", ông Minh nói.
Trong năm 2022, Quảng Nam là địa phương đăng cai năm du lịch quốc gia với chủ đề "Quảng Nam – Điểm đến du lịch xanh" và là tỉnh đầu tiên ban hành bộ tiêu chí xanh cho các doanh nghiệp du lịch. UBND tỉnh cũng chú trọng phát triển khu công nghiệp sinh thái và đang xin ý kiến của Trung ương về bộ tiêu chí, quan tâm đến phát triển đô thị xanh.
Tỉnh Quảng Nam có 478 ngàn ha rừng tự nhiên, đứng đầu toàn quốc về rừng tự nhiên và đang thực hiện các thủ tục để bắt đầu kinh doanh tín chỉ carbon.
"UBND tỉnh có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất cho các doanh nghiệp, đồng thời, dư địa về logictis, nhân lực, giao thông cũng có những lợi thế nhất định. Tôi cũng đề nghị EuroCham và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu quan tâm đầu tư để hỗ trợ địa phương phát triển theo hướng xanh hơn, bền vững hơn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.
Hiện nay, kinh tế xanh và phát triển bền vững là xu thế trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Ảnh: Nguyễn Tri.
Với chiến lược phát triển kinh tế xanh, Thừa Thiên Huế không chọn cách phát triển bằng mọi giá, mà tập trung gắn với bảo vệ môi trường, ưu tiên kinh tế tuần hoàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài chính sách hỗ trợ giống với các địa phương trên cả nước như: ưu đãi thuế, hạ tầng, thuê đất…, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực liên quan đến môi trường sẽ được tỉnh hỗ trợ hạ tầng tối đa 30%.
"Hiện, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều phải đảm bảo các quy định chặt chẽ liên quan đến môi trường. Địa phương còn mong muốn tạo ra một số khu công nghiệp độc lập với mức phát thải về 0 (net zero theo thỏa thuận COP 26) để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư "xanh", ông Phương nói.
Bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành EuroCham hoan nghênh các định hướng phát triển hài hoà, cân bằng giữa kinh tế - văn hoá – xã hội với bảo vệ môi trường mà các địa phương miền Trung theo đuổi.
"Hoạt động kinh tế đang trở lại và từng bước khởi sắc, đây là cơ hội để Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng bắt lấy những cơ hội để thu hút các nhà đầu tư đến từ châu Âu. Qua đây, chúng tôi hy vọng có thể tăng cường kết nối, quảng bá hình ảnh các tỉnh, thành miền Trung đến với các tổ chức, doanh nghiệp châu Âu", bà Delphine chia sẻ.
Nhà đầu tư