Doanh nghiệp công nghệ số và mục tiêu chuyển đổi số quốc gia
Để chuyển đổi số thực chất, hiệu quả, đối với những doanh nghiệp công nghệ số cần nỗ lực hơn nữa khi đóng vai trò nòng cốt để đem tới các sản phẩm, dịch vụ số cho người sử dụng.
- 13-08-2022Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - Bài cuối: Cần hợp sức từ mọi nguồn lực
- 13-08-2022Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện - Bài 2: Nền tảng công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Những con số khiêm tốn…
Báo cáo kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao mặc dù có tăng theo từng năm. Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%, 7 tháng đầu năm 2022 mới đạt gần 18%.
Theo thống kê, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2022. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 DN, tăng gần 3500 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp công nghệ số trên 1000 dân.
Con số trên vẫn thực sự khiêm tốn đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế số của Chính phủ đặt ra. Thực tế thấy rằng, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa nhiều, một số dịch vụ công trực tuyến còn mang tính hình thức, chưa đem lại hiệu quả mong muốn.
Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được tiến độ đề ra. Công tác đào tạo về ứng cụng CNTT ở nhiều nơi vẫn chưa được chú trọng; nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng được nhu cầu; nguồn lực triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số còn hạn chế.
Đặc biệt, trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/8, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, nhiều đơn vị đã giao phó trách nhiệm đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng cho đội ngũ chuyên trách, chưa có sự phối hợp thực chất nên xử lý vi phạm chưa hiệu quả, chưa kịp thời, dẫn đến nhiều loại tội phạm nguy hiểm trên không gian mạng, ảnh hưởng tới quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp (Ảnh: người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên)
Theo các chuyên gia, để huy động mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số, phát huy hiệu quả các dữ liệu số phục vụ cho phát triển KT-XH, cần nâng cao nhận thức toàn diện về tầm quan trọng của chuyển đổi số từ cơ quan nhà nước, người dân cho đến doanh nghiệp và đổi mới phương thức làm việc dựa trên công nghệ số.
Ông An Ngọc Thao, Phó Tổng thư ký Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) cho rằng, xã hội đang chuyển đổi số, bộ ngành chuyển đổi số, tuy nhiên một số doanh nghiệp chưa coi chuyển đổi số là việc cần kíp, cấp bách bởi còn “miếng cơm manh áo”, cho rằng chuyển đổi số chưa ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của mình. Chính vì thế, doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về câu chuyện chuyển đổi số.
Vai trò của doanh nghiệp công nghệ số
Để chuyển đổi số thực chất, hiệu quả, đối với những doanh nghiệp công nghệ số cần nỗ lực hơn nữa khi đóng vai trò nòng cốt để đem tới các sản phẩm, dịch vụ số cho người sử dụng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Việt Long, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số cho rằng, chuyển đổi số hiện nay không chỉ là câu chuyện áp dụng các dịch vụ giải pháp số, mà chuyển đổi số là một quá trình để đưa toàn bộ việc số hóa tài liệu để tối ưu hóa nguồn lực của doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng của quá trình chuyển đổi số là thiết kế ra những sản phẩm mới, dịch vụ mới và mô hình kinh doanh mới để phát triển kinh doanh, tăng trải nghiệm cho người dùng. Bởi vậy, các giải pháp công nghệ chỉ là một công cụ.
Trước đây, công nghệ thông tin được coi là ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian dài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công nghệ thông tin là hạ tầng nền tảng để phát triển các ngành kinh tế khác. Do đó, các doanh nghiệp công nghệ trong giai đoạn vừa qua đều nỗ lực, sáng tạo, phát triển ra các sản phẩm phục vụ các ngành kinh tế khác. Các doanh nghiệp này trong thời gian qua đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ để giúp các cơ quan, tổ chức đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ.
EVN ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới điện (Ảnh: dientungaynay)
Ngoài việc chuyển đổi số cho chính các doanh nghiệp công nghệ, mục tiêu của chuyển đổi số chính là cho các khách hàng, là nỗ lực mà các doanh nghiệp công nghệ hướng đến. Việc kết nối các doanh nghiệp công nghệ với nhau là cần thiết để tạo ra một hệ sinh thái số. Theo đó, doanh nghiệp lớn làm ra các nền tảng số, doanh nghiệp nhỏ làm ra các dịch vụ số, các giải pháp số để tích hợp với nhau, tạo ra một bộ giải pháp hoàn chỉnh cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp tạo ra Big Data để tối ưu hóa trong kinh doanh, phát triển khách hàng, chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Ông Hà Thái Bảo, Phó TGĐ công ty VNPT-IT cho hay, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Chính phủ, doanh nghiệp phải tự chuyển đổi mình thành một doanh nghiệp số, hoạt động trên môi trường số; đưa vào áp dụng các công nghệ mới nhất và làm chủ những công nghệ này để đảm bảo các an toàn bảo mật cũng như an ninh mạng.
>>> Doanh nghiệp cần động lực để chuyển đổi số
Có thể thấy, các doanh nghiệp công nghệ số là trọng tâm, nòng cốt tạo nên các sản phẩm, dịch vụ nền tảng số để giúp người dân, doanh nghiệp sử dụng hiệu quả hơn trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số quốc gia sẽ cần nhiều hơn nữa sự đồng hành của các Hiệp hội, các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ đơn giản, dễ sử dụng.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra mục tiêu gia tăng vị thế trên Bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc lần lượt lên top 70 vào năm 2025 và Top 50 vào năm 2030. Cùng với đó, kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP cả nước và năng suất lao động hàng năm tăng trưởng ở mức hơn 8%.
Để đạt được những mục tiêu này, chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ tiếp tục cần được người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh trong thời gian tới. Như lời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nói: “Chuyển đổi số phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật; người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, không đánh trống bỏ dùi”.
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trên thế giới cho việc ban hành các chương trình chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được đặc biệt quan tâm phát triển khi được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi số từ nguồn ngân sách nhà nước.
Diễn đàn doanh nghiệp