MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp đã được giảm lãi suất cho vay

21-07-2021 - 11:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó do dịch Covid-19, giúp mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp.

Hơn 1 tuần sau khi 16 ngân hàng (NH) thương mại đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do Covid-19, mặt bằng cho lãi suất vay đã giảm đáng kể. Mức giảm phổ biến từ 0,5 - 2 điểm %.

Giảm lãi vay tối đa 2%/năm

NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết từ nay đến cuối năm 2021 sẽ giảm lãi suất cho vay bình quân 1 điểm % với dư nợ hiện hữu, một số nhóm khách hàng khó khăn sẽ được giảm tối đa 2 điểm % so với lãi suất hiện hành. NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết tổng số tiền lãi và phí NH hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm nay trên 2.000 tỉ đồng và cả năm lên tới trên 6.000 tỉ đồng. Trong đó, đợt này VietinBank giảm lãi vay tối đa 1 điểm % cho các khoản dư nợ hiện hữu và giải ngân mới.

Doanh nghiệp đã được giảm lãi suất cho vay - Ảnh 1.

Các ngân hàng thương mại đang tích cực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc NH Tiên Phong (TPBank), cho hay lãi suất cho vay bình quân toàn danh mục cả ngắn và trung - dài hạn của NH đã giảm khoảng gần 3 điểm % so với năm trước. Ở đợt giảm lãi suất lần này, TPBank sẽ giảm từ 0,5 - 1,2 điểm % cho DN gặp khó bởi dịch với tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất khoảng 18.188 tỉ đồng. Gần 26.300 tỉ đồng dư nợ của các khách hàng cá nhân cũng được xem xét giảm lãi suất 1 điểm %.

Trong khi đó, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng từ nay đến hết năm 2021. Khách hàng cá nhân và DN sẽ được giảm tối đa 1 điểm % tùy thuộc vào ngành, lĩnh vực cụ thể, mục đích vay vốn. Không áp dụng với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản… Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong năm 2021 dự kiến lên tới 6.100 tỉ đồng.

Người vay bớt áp lực tài chính

Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, nhiều khách hàng đang vay vốn tại các NH thương mại đã nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất cho vay. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ ông vừa nhận được thông báo từ NH giảm lãi suất cho khoản vay vốn lưu động của công ty về 6,1%/năm so với mức 6,6%/năm trước đó. Mức lãi suất này ở thời điểm hiện tại là hợp lý trong bối cảnh các DN đang chịu tác động của dịch Covid-19. "Ngành thực phẩm vẫn hoạt động tốt trong dịch nhưng khó khăn là giá bán không tăng trong khi hàng loạt chi phí đầu vào vẫn nhích lên, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Do đó, lãi vay giảm thêm sẽ giúp DN giảm bớt chi phí tài chính" - ông Trương Chí Thiện nói.

Một số DN khác cho biết cũng nhận được thông báo giảm lãi suất cho vay của NH thương mại. Tuy nhiên, DN kỳ vọng được giải ngân thêm vốn lưu động để duy trì hoạt động của công ty. Ông Giang Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Viet Princes, cho biết 2 khoản vay cá nhân của ông tại Vietcombank và Techcombank được giảm 0,5 điểm %, trong khi một số khoản vay của công ty tại các NH khác thì không được giảm bởi đã được gia hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc.

Du lịch là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ năm ngoái đến nay, qua các đợt dịch Covid-19 bùng phát. Do đó, các DN trong ngành mong muốn lãi suất cho vay có thể giảm thêm hoặc hỗ trợ DN tiếp cận được nguồn vốn lưu động để cầm cự công ty qua dịch. Theo ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Du lịch Kiwi Travel, công ty ông đang vay vốn lưu động tại NH TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với lãi suất 9,07%/năm. Sau khi nghe thông tin giảm lãi suất, ông đã liên hệ NH để hỏi về việc giảm lãi suất và đang chờ trả lời. "Hiện nguồn thu của DN gần như không có. Chúng tôi kỳ vọng được hỗ trợ lãi suất ở mức thấp nhất có thể để giảm bớt chi phí mà DN đang gồng gánh. Nếu giảm về mức khoảng 7%/năm thì quá tốt" - ông Huy nói.

Nới chỉ tiêu tín dụng 2%-6%

Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, NH Nhà nước cũng đã chấp thuận tăng hạn mức tín dụng năm 2021 cho một số NH thương mại. Theo đó, chỉ tiêu tín dụng được nới thêm từ 2%-6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng NH. Tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới khoảng 11%, cao hơn mức 9% theo hạn mức lần đầu.


Lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm mạnh

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực tính toán sơ lược, nếu phải giảm 1 điểm % lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế, tức khoảng 9,6 triệu tỉ đồng, lợi nhuận của ngành NH có thể giảm khoảng 96.000 tỉ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020.

Hiện lãi suất huy động khó giảm thêm do không còn dư địa và nỗi lo tiền nhàn rỗi sẽ chảy mạnh sang các kênh đầu tư khác, các NH cũng phải rất cân nhắc trước quyết định giảm lãi vay. "Lợi nhuận những quý đầu năm 2021 hay cả năm 2020 của ngành NH chưa phản ánh đúng hiệu quả hoạt động. Bởi những con số lợi nhuận này có một phần đến từ việc cơ cấu nợ, giãn nợ và hoãn trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01, Thông tư 03 của NH Nhà nước. Do đó, rất có thể nợ xấu sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm nay do có độ trễ đặc thù" - TS Cấn Văn Lực nhận định.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên