MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Doanh nghiệp đầu tư tài chính nhiều hơn để hưởng chênh lệch lãi suất'

17-08-2021 - 11:28 AM | Doanh nghiệp

Đó là chia sẻ của ông Phan Lê Thành Long tại buổi tọa đàm “Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ tư đến nền kinh tế & TTCK Việt Nam”.

 Doanh nghiệp đầu tư tài chính nhiều hơn để hưởng chênh lệch lãi suất  - Ảnh 1.

Buổi tọa đàm “Ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ tư đến nền kinh tế & TTCK Việt Nam” (Ảnh chụp màn hình)

Tại buổi tọa đàm, ông Phan Lê Thành Long đánh giá các doanh nghiệp tại các tỉnh khu vực phía Nam gặp nhiều khó khăn, tình trạng đứt gãy cung ứng bắt đầu xảy ra.

“Những doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất ‘3 tại chỗ’ cũng khó giải quyết được vấn đề khi không có nguyên liệu để làm. Đặc biệt, ‘3 tại chỗ’ sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp khi phải chịu sức ép về chi phí, người lao động cũng chịu nhiều áp lực về mặt tâm lý”, ông Long nói.

Vị chuyên gia này nhận định, phải tới đầu tháng 10/2021, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng hơn thì nền kinh tế sản xuất mới có thể phục hồi.

Trong bối cảnh này, ông Phan Lê Thành Long cho biết có một số doanh nghiệp không kinh doanh, dừng kinh doanh hoặc thanh lý các hoạt động kinh doanh và “ôm tiền” lên thị trường chứng khoán.

Thống kê cho thấy, tỉ trọng doanh thu tài chính của nhiều doanh nghiệp trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng rất cao.

Giải thích về vấn đề này, ông Long cho biết giai đoạn hiện nay là giai đoạn hưởng chênh lệch lãi suất để kiếm lời khi lãi suất đầu vào của ngân hàng thấp còn lãi suất đầu ra lại chưa giảm được.

"Các doanh nghiệp hiện vẫn phải chịu lãi suất vay lên tới 10 - 11%/năm, trong khi lãi suất cơ bản rất thấp, lãi suất trái phiếu chính phủ chỉ khoảng hơn 2%/năm", ông Long nói.

Trong tình trạng thị trường kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho rằng thị trường tài chính sẽ là một ‘cứu cánh’, mang lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.

Vị chuyên gia này tỏ ra khá tích cực với một số nhóm ngành như chứng khoán, cảng biển & vận tải biển, công nghệ thông tin và bất động sản.

Đối với ngành chứng khoán, ông Long cho biết nên lựa chọn những doanh nghiệp có chỉ số P/B thấp (khoảng 1.x). Bên cạnh nền lãi suất thấp và số lượng tài khoản mở mới hàng tháng tăng mạnh, các công ty chứng khoán hiện nay còn ứng dụng công nghệ hiện đại.

Theo ông Long, triển vọng của ngành chứng khoán vẫn 'sáng' từ nay cho tới giữa năm 2022, song cần lựa chọn những công ty có tiềm năng tăng trưởng về cả lợi nhuận và thị phần.

Đối với ngành cảng biển & vận tải biển, ông Long lưu ý nhà đầu tư thận trọng với những doanh nghiệp có nền tảng không tốt như lỗ lũy kế lớn hay ban lãnh đạo liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó tăng mạnh./.

Theo Đồng Tiến

Viettimes

Trở lên trên