Doanh nghiệp dè dặt nhập hàng bán Tết
Trong khi doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng thực phẩm, trái cây... nhập từ nước ngoài về bán Tết thì các nhà bán lẻ lại muốn chủ động nhập để giảm chi phí trung gian
- 12-12-2020Nhấp nhổm trữ hàng tết
Ngày 11-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Hùng - chủ một công ty chuyên nhập khẩu các loại quà tặng phong thủy, một số thực phẩm và thực phẩm chế biến theo hướng organic từ Nga - cho biết hiện một số mặt hàng nhập cho mùa Tết 2021 đã về tới TP HCM, số còn lại đang trên đường về. "Dịch Covid-19 khiến mọi thứ đình trệ, thậm chí đảo lộn nên chúng tôi không dám nhập nhiều như mọi năm mà chỉ tính toán số lượng vừa phải để hạn chế rủi ro" - ông Hùng chia sẻ.
Chỉ nhập hàng phổ biến
Theo ông Hùng, hiện chi phí vận chuyển đã tăng nhưng doanh nghiệp (DN) chấp nhận giảm lợi nhuận, giữ nguyên giá bán sỉ cho các đại lý, cũng như để chào bán vào một số siêu thị. "Đơn cử như món patê gan ngỗng nhập khẩu từ Nga, công ty tôi đóng container về Việt Nam và bán sỉ với giá chỉ bằng một nửa giá bán lẻ trên mạng nên tiêu thụ rất tốt. Tình hình chung là người tiêu dùng đang rất quan tâm đến giá cả hàng hóa nên sản phẩm có giá càng cạnh tranh càng dễ bán" - ông Hùng nêu thực tế và dự báo những mặt hàng nhập khẩu ở phân khúc trung bình khá trở xuống sẽ có nhiều lợi thế hơn dòng cao cấp trong Tết này.
Quyết định giảm đến 50% lượng trái cây nhập về bán từ nay đến Tết, một công ty chuyên về nhập khẩu rau quả ở Bình Thuận cho hay mặc dù nguồn hàng dồi dào, giá cả tương đương năm rồi nhưng sức mua trong nước quá chậm nên DN không dám mạo hiểm. "Nhu cầu tiêu thụ trái cây ngoại dịp Tết luôn có nhưng chắc chắn sẽ giảm trong Tết này nên không chỉ DN chúng tôi mà nhiều công ty khác cũng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Năm nay, chúng tôi chỉ tập trung nhập một số loại trái cây phổ biến và dễ bán như táo, lê, nho..." - đại diện DN này nói thêm.
Cua khổng lồ và các mặt hàng hải sản sẽ được đẩy mạnh nhập khẩu để tiêu thụ trong dịp Tết. Ảnh: AN NA
Ông Phạm Thiện Hoàng, Giám đốc Công ty Phạm Hoàng Trang (sở hữu chuỗi cửa hàng GreenSpace Store), cho biết Tết là mùa tiêu thụ các loại trái cây tươi như táo, cherry ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nước xuất khẩu lớn như Mỹ, Úc, New Zealand... đều gặp khó về nguồn cung vì chi phí nhân công tại vườn cao gấp 2-3 lần và tình trạng thiếu chuyến bay, thiếu container rỗng... khiến giá bán cao hơn năm rồi khá nhiều. "Cũng vì thiếu trái cây tươi nên Tết năm nay dự báo sẽ bùng nổ của các loại hạt như hạt dẻ cười, hạnh nhân, óc chó, hồ đào... Đây là những loại thực phẩm lành mạnh, nhiều dinh dưỡng và giá bán không quá cao, khoảng 300.000 - 400.000 đồng/kg, nhập khẩu đa dạng từ nhiều nước. Ngoài ra, các loại trái cây sấy khô tự nhiên như: nho, mận, mơ... nhập khẩu cũng được tung ra thị trường để thay thế cho những loại mứt Tết vốn nhiều đường" - ông Phạm Thiện Hoàng dự báo.
Nỗ lực giữ giá
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, mặc dù trải qua một năm đầy biến động bởi dịch Covid-19 nhưng Tết vẫn là dịp đặc biệt. "So với Tết năm trước, ý định chi tiêu cho Tết này của người tiêu dùng Việt Nam có phần cao hơn trong nhóm có thu nhập cao (hơn 23,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình), giữ nguyên ở nhóm thu nhập trung bình (hơn 7,5-23,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình) và giảm khoảng 15% trong nhóm thu nhập thấp (7,5 triệu đồng/tháng/hộ gia đình trở xuống)" - báo cáo của Ipsos nhấn mạnh.
Công ty này cũng nhận định do việc du lịch nước ngoài gặp khó khăn nên năm nay có khoảng 50% gia đình về quê ăn Tết theo truyền thống. Đây là cơ hội gia tăng mua sắm tiêu dùng cho các sản phẩm ăn uống (bánh kẹo, trái cây sấy khô và các loại hạt). Đặc biệt, việc tặng quà Tết vẫn được người dân duy trì, bất chấp dịch Covid-19. Báo cáo của một số công ty nghiên cứu thị trường khác cũng khẳng định người tiêu dùng Việt Nam vẫn duy trì việc chi tiêu Tết nhưng nhu cầu chắc chắn sẽ có sụt giảm so với mọi năm.
Dựa vào khảo sát và tư vấn của các công ty nghiên cứu thị trường, hầu hết DN bán lẻ đã quyết định đẩy mạnh giảm giá để hỗ trợ khách hàng, đồng thời tăng doanh số mùa Tết. Một trong những giải pháp đang được các nhà bán lẻ tính tới là chủ động nhập khẩu một số mặt hàng để giảm chi phí trung gian, bảo đảm mức giá cạnh tranh nhất. Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), dù có tỉ lệ hàng Việt đang kinh doanh trong hệ thống lên đến hơn 95% nhưng nhà bán lẻ này vẫn đang tích cực nhập khẩu một số mặt hàng để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng, phòng hờ thiếu hụt nguồn cung nội địa. "Chẳng hạn, thời điểm nguồn cung thịt heo trong nước giảm mạnh, siêu thị phải tìm thêm nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu để thay thế. Hay như mặt hàng trái cây, dù hàng nội địa phong phú, tiêu thụ tốt nhưng người tiêu dùng vẫn có nhu cầu với hàng nhập khẩu, nhất là trái cây ôn đới" - một đại diện của Saigon Co.op thông tin.
Tương tự, hệ thống MM Mega Market cũng có kế hoạch đẩy mạnh nhập hàng bán Tết để giảm chi phí, giảm giá bán. Hiện tại, hệ thống này đang gấp rút thực hiện các thủ tục để nhập khẩu trực tiếp một số loại thực phẩm, trái cây tươi. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến thủ tục nhập khẩu bị ảnh hưởng, khả năng sẽ không kịp để đưa hàng về Việt Nam theo đúng thời hạn. "Dù trực tiếp nhập hay phân phối qua nhà cung cấp, chúng tôi cũng cố gắng giữ giá hàng Tết 2021 tương đương với Tết năm ngoái. Siêu thị cũng đang tích cực liên hệ với các bên, làm việc với nhà cung cấp để thuyết phục họ đồng hành, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong một cái Tết quá đặc biệt này" - đại diện MM Mega Market tiết lộ.
Tăng cường nhập hải sản ngoại
Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, công ty đang tăng lượng hàng dự trữ để phục vụ Giáng sinh, Tết dương lịch và sau đó là Tết nguyên đán. "Hải sản là mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong dịp này, nhất là khi một số người dân đã ngán những món Tết như thịt, giò, chả, bánh, mứt... Dịch bệnh ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nhưng không phải tất cả. Với hải sản cao cấp nhập khẩu tươi sống, chúng tôi chế biến cho khách mang đi với giá cả rẻ hơn rất nhiều so với nhà hàng nên lượng bán ra vẫn tăng. Tết này, DN sẽ nhập thêm sản phẩm mới là cua Úc khổng lồ (từ 4-10 kg/con) để phục vụ thị trường. Tùy theo nhân lực, chúng tôi sẽ mở xuyên Tết khoảng 50% cửa hàng để phục vụ người tiêu dùng" - ông Trường cho biết.
Người lao động