MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp dệt may nhận định sẽ còn tiếp tục khó khăn sang năm 2024

Doanh nghiệp dệt may vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn do sự suy giảm của nền kinh tế thế giới, khủng hoảng địa chính trị lan rộng, hành vi người tiêu dùng thay đổi và cả cạnh tranh về giá từ các quốc gia đối thủ…

Thời điểm này các doanh nghiệp dệt may nhận định, những khó khăn trong năm nay và các năm trước sẽ còn kéo dài đến năm 2024, đòi hỏi DN phải cân nhắc thận trọng khi xây dựng kế hoạch SXKD. Trước mắt, các DN dệt may tiếp tục bám sát và phát triển thị trường, đổi mới phương thức quản trị; nâng cao năng suất, trình độ, kỷ luật lao động; mạnh dạn chuyển đổi và sản xuất những mặt hàng mới,…

Doanh nghiệp dệt may nhận định sẽ còn tiếp tục khó khăn sang năm 2024 - Ảnh 1.

Nhiều DN dệt may xác định lại sản phẩm thế mạnh để nắm bắt cơ hội xoay chiều trong khó khăn

Trước đây, mặt hàng sơ mi chiếm 60% tỷ trọng sản xuất của Tổng Công ty May 10, nhưng hiện nay sản phẩm này chỉ chiếm 39%. Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, thế mạnh của May 10 là sơ mi nhưng năm 2023 mặt hàng này lại thiệt hại nặng nhất. Để ổn định SXKD, May 10 phải làm đơn hàng quần, áo polo, áo T-shirt ở xí nghiệp sơ mi.

“Thực tế nhiều DN dệt may cắt giảm tối đa chi phí từ điện, nước, bộ phận văn phòng, thiết kế… làm việc 2 ngày/tuần, các bộ phận IT và kế toán 2 tuần đến công ty 1 lần. Tại Mỹ hiện có xu thế làm việc từ xa, nên không dùng sản phẩm thời trang công sở như áo sơ mi khi đi làm. Với những xu thế này đã thực sự ảnh hưởng tới sức mua và thật khó kích cầu tiêu dùng. Điều này đặt May 10 vào tình thế phải xác định lại sản phẩm thế mạnh để nắm bắt cơ hội xoay chiều trong khó khăn”, ông Việt cho biết.

Trong 8 tháng năm 2023, doanh thu hợp nhất của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ mới chỉ đạt 3.231 tỷ đồng, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 72% kế hoạch năm 2023. Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho hay, với sản phẩm chủ yếu là các loại sợi và sản phẩm may, Hòa Thọ dự báo tình hình thị trường sẽ vẫn còn thấp trong nửa đầu năm 2024.

“DN dệt may Hoà Thọ có kế hoạch sẽ không mở rộng đầu tư sản xuất, chỉ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai, bao gồm Nhà máy may Triệu Phong giai đoạn 3; cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi. DN tăng đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và Phát triển của ngành May”, ông Trị cho biết.

Đánh giá tình hình SXKD toàn Tập đoàn qua 3 quý năm 2023, ông Cao Hữu Hiếu, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết, các DN bị tác động tiêu cực bởi tổng cầu dệt may thế giới giảm do các thị trường nhập khẩu dệt may chính suy giảm tăng trưởng. Cùng với đó, DN sản xuất kinh doanh còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao với chi phí năng lượng, giá điện tăng 3% từ tháng 5/2023, tỷ giá tăng gần 3% kể từ cuối quý II; lãi suất VND ở mức cao trong 6 tháng đầu năm.

“Xuất khẩu dệt may tháng 9 tuy có giảm nhưng xuất sang thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 2% và 11% so với cùng kỳ. Ngành khăn-gia dụng tiếp tục duy trì được lợi thế về giá nguyên liệu và thị trường đầu ra, nhưng đa số các đơn vị ngành may còn non tải trong quý IV/2023. Tình hình này đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính lẫn phương thức sản xuất kinh doanh… Đơn hàng giảm số lượng nhỏ lẻ, yêu cầu cao, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn, giãn thời gian giao hàng, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả SXKD năm 2023”, ông Hiếu cho hay.

Nhận thấy dệt may Việt Nam đứng trước thách thức lớn khi Trung Quốc mở cửa, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, với chính sách “thúc đẩy” hoạt động sản xuất sau đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước. Trong khi đó, các DN dệt may của quốc gia này có quy mô sản xuất đứng top 1 thế giới, do đó khi cầu suy giảm, nguồn cung dồi dào hơn Việt Nam khó có thể cạnh tranh. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu cũng đang hiện rõ, bởi quy mô đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh.

Doanh nghiệp dệt may nhận định sẽ còn tiếp tục khó khăn sang năm 2024 - Ảnh 2.

Đa số các đơn vị ngành may còn non tải trong quý IV/2023

Phán đoán tổng thể thị trường dệt may 2024 có nhiều khả năng cải thiện, tuy nhiên Chủ tịch Vinatex cho rằng, mức độ cải thiện nhỏ, tổng cầu dự kiến vẫn thấp hơn 2022 từ 5%-7%. Nhiều khả năng đơn giá có thể tăng hơn trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên.

Mặc dù vậy, ông Lê Tiến Trường cũng chỉ ra những cơ hội mới cho ngành như sự dịch chuyển nguồn sợi từ Trung Quốc, đầu tư FDI tăng cường sản xuất vải ở Việt Nam từ sợi trong nước; các sản phẩm chuyên dụng, cao cấp, kể cả nguồn nguyên liệu cao cấp dự báo khả năng tăng trưởng theo thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nội địa.

“Để thực hiện kế hoạch sản xuất, các DN, đơn vị thuộc ngành may cần tiếp cận khách hàng với sản phẩm đặc thù mới. Nâng cao năng suất lao động, linh hoạt bố trí sản xuất, cơ cấu lại hệ thống sản xuất, hạn chế mở rộng để tái cấu trúc sản xuất. Ngành sợi dự báo tần suất cao hơn cho đơn vị, hợp lực tài chính, cải thiện chất lượng liên tục, phấn đấu tạo ra những sản phẩm khác biệt… Trong quá trình thực hiện, Tập đoàn sẽ tăng cường hỗ trợ các DN đơn vị trực thuộc”, ông Trường nói.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên