Doanh nghiệp “đỏ mắt”… ngóng nguyên liệu sản xuất
Xe hàng không lưu thông được khiến cho nhiều doanh nghiệp không có linh kiện, nguyên liệu để sản xuất.
Không chỉ tiêu thụ nông sản bị ách tắc do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng gặp nhiều khó khăn khi không được cung cấp linh kiện, nguyên liệu kịp thời cho công tác sản xuất.
Không có linh kiện, nguyên liệu sản xuất
Trong tuần qua, ngoài việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn khiến cho nông sản của tỉnh Hải Dương không thể tiêu thụ được dù đã đến kỳ thu hoạch, thì việc không thể nhập được linh, phụ kiện, nguyên liệu sản xuất cũng đã trở thành vấn đề đối với các doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất ở Hải Dương.
Ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam, cho biết, hiện tại, toàn bộ các Nhà cung cấp của Ford Việt Nam đều không thể đi qua các chốt kiểm dịch liên tỉnh và không được phép di chuyển vào tỉnh Hải Dương, kể cả phương án sang tải tại các chốt kiểm dịch.
Việc này gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch sản xuất của Ford Việt Nam vì không có vật tư, phụ tùng để sản xuất, kể cả hàng đã thông quan ở cảng.
Do đó, Ford Việt Nam đề nghị các chốt hỗ trợ và chấp nhận việc lái xe, phụ xe, nhân viên giao hàng xuất trình bổ sung các giấy tờ Ford đã cấp cho nhà cung cấp nhằm đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa và sản xuất như giấy giới thiệu (có các thông tin chi tiết của lô hàng, và cung đường cụ thể với điểm đi, điểm đến) bên cạnh phiếu ghi kết quả xét nghiệm Covid.
Doanh nghiệp này cũng đề nghị cho phép thực hiện việc chuyển tải tại chốt trong một số trường hợp do quy định bị cách ly 14 ngày nếu tới Hải Dương. “Chúng tôi mong muốn các vấn đề này được xử lý sớm để chúng tôi có thể quay lại sản xuất” - ông Dũng nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quản - Giám đốc Công ty TNHH May Thành Trung - cho biết, dù nhà máy của May Thành Trung nằm trong khu vực an toàn của vùng dịch (xã Gia Khánh, huyện Gia Lộc) nhưng việc phong tỏa toàn tỉnh Hải Dương đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất của Công ty.
Do công ty chuyên may gia công các mặt hàng như vest, áo phao, áo dạ, váy, rèm… xuất khẩu sang Anh, Hàn… nên việc không nhập được nguyên liệu về khiến sản xuất bị đình trệ.
“Trước đây, trong điều kiện bình thường chúng tôi có thể sản xuất 10 đơn hàng thì hiện nay do dịch, chúng tôi buộc phải đàm phán với đối tác giãn đơn hàng vì nguyên liệu chỉ có thể cung cấp khoảng 70% so với trước đây nên chỉ có thể nhận 7 đơn hàng, còn 3 đơn hàng phải điều tiết, để sản xuất sau. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng muốn hợp tác luôn cũng đã thông báo, để thời gian sau xem xét lại, cũng có thể gây ảnh hưởng đến kế hoạch của Công ty” - ông Quản nói.
Vướng mắc trong quản lý công nhân phải ra vào vùng dịch hằng ngày
Theo ông Quản, điều đáng mừng với May Thành Trung là dù các huyện của tỉnh đều đã có dịch nhưng toàn bộ công nhân của Công ty vẫn đến xưởng làm việc đầy đủ và phải chịu sự kiểm soát ngặt nghèo trong quản lý công nhân tại xưởng cũng như ra vào qua các chốt kiểm dịch. Ngoài ra, do dịch cũng gây tốn kém hơn trong chi phí sản xuất như phải giãn cách công nhân, tốn thêm phòng ốc, điện trong khi đó năng suất lại không tăng nhưng “cũng là may mắn khi chúng tôi không thiếu ai do Covid” - ông Quản nói.
Đại diện Ford Việt Nam cho hay, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ford Việt Nam vẫn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ duy trì sản xuất kinh doanh một cách an toàn nhất. Công ty đã cho tất cả các nhân viên làm việc tại Nhà máy (đặt tại TP Hải Dương) xét nghiệm Covid-19 trước khi sản xuất để đảm bảo an toàn cho nhân viên cũng như cộng đồng. Ngoài ra, tất cả các nhân viên Ford Việt Nam có hộ khẩu tại vùng phong tỏa (Cẩm Giàng, Chí Linh) đều được yêu cầu tạm thời không đến Nhà máy.
Công ty thường bố trí xe trung chuyển để đưa công nhân viên đi làm, xe được khử khuẩn thường xuyên. Nhân viên được yêu cầu làm khảo sát Covid-19 trước khi rời khỏi nhà và được kiểm tra thân nhiệt trước khi lên xe. Công nhân viên chỉ được phép đến làm việc tại nhà máy, không được đi ra khỏi cổng nếu không được phép của Lãnh đạo nhà máy.
Vị này cũng cho biết, hiện Ford Việt nam có 30 nhân viên có địa chỉ thường trú tại Hà Nội hàng ngày phải đi làm tại Nhà máy. Người lao động vẫn phải đi về nhà vào buổi tối và quay trở lại làm việc tại Nhà máy vào sáng hôm sau. Trong khi đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của UBND TP Hà Nội đã có quy định, tất cả người dân sinh sống trên địa bàn thành phố đã đi từ vùng có dịch Covid-19 về Hà Nội phải tự cách ly y tế và liên hệ ngay với cơ quan y tế tại địa phương để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2.
“Hà Nội chưa có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp phải đi đi về về như một số công nhân viên của Ford Việt Nam. Do vậy, chúng tôi mong muốn UBND TP Hà Nội và Sở Y tế Hà Nội có hướng dẫn cụ thể hơn về các trường hợp này để chúng tôi vừa đảm bảo sản xuất an toàn vừa thực hiện đúng các quy định của các địa phương liên quan đến phòng chống dịch” - vị đại diện này nói.
Pháp luật Việt Nam