MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp đường không lo cạnh tranh khi đủ lực

19-01-2018 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Hội nhập ATIGA, Việt Nam bước tiếp đến ngưỡng cửa phải xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường, trong khi nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước than khó và muốn kéo dài bảo hộ thì một số đơn vị khác đã tìm được lối đi riêng, xem thách thức là cơ hội để mở rộng ngành đường với chiến lược: Đường không chỉ sản xuất từ mía mà còn từ đường thô, mở rộng kênh phân phối…

Đủ lực không lo cạnh tranh

Hiện với hàng rào hạn ngạch và thuế nhập khẩu, mặt hàng đường nếu có hạn ngạch sẽ được hưởng thuế suất ở mức 5% khi nhập khẩu từ các nước ASEAN, mức 25% và 40% lần lượt cho đường thô hay đường trắng từ bên ngoài ASEAN. Còn nếu không có hạn ngạch, thuế suất thuế nhập khẩu đường sẽ là 80% đối với đường thô và 85% đối với đường trắng. Hội nhập ATIGA, Việt Nam bước tiếp đến ngưỡng cửa phải xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường và thuế nhập khẩu đường chỉ còn 0 - 5%. Điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh đối với ngành đường trong nước.

Trong khi đó, ATIGA được ký kết từ năm 2009. Nhưng để chuẩn bị cho việc thực thi này, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cũng thừa nhận, trong thời gian qua các doanh nghiệp mía đường trong nước chưa thực sự nỗ lực và quyết liệt hội nhập. Việc tái cơ cấu của các nhà máy còn chậm, mới chỉ có một số doanh nghiệp đa dạng hóa các sản phẩm sau đường như: CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS), CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (Mã: SBT, vừa nhận sáp nhập Đường Biên Hòa)

Điệp khúc than khó của nhiều doanh nghiệp mía đường không phải mới mà đã tồn tại trong thời gian dài và được chống đỡ một phần nhờ chính sách bảo hộ trong nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu thì đối với ngành mía đường cũng không thể ngoại lệ, nhưng đây vừa là thách thức vừa là cơ hội.

Khi đã hội nhập, ngành mía đường trong nước sẽ có điều kiện hơn để hợp tác, trao đổi về khoa học công nghệ, thị trường, giá cả của sân chơi chung với các nước để phát triển. Mặt khác, khi đã cùng sân chơi bình đẳng thì phải chấp nhận có xuất, nhập nên đòi hỏi các doanh nghiệp ngành đường trong nước phải nỗ lực, cố gắng để làm sao phát huy được lợi thế so sánh, giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, về sinh an toàn thực phẩm để cạnh tranh được với hàng hóa các nước.

Hội nhập ATIGA, ngành mía đường vẫn có thể hưởng lợi nếu doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái cấu trúc và có sự chuẩn bị tốt để chiếm lĩnh thị phần ở cả nội địa lẫn xuất khẩu. Theo kế hoạch đã công bố 5 năm của SBT, từ nay đến năm 2020, công ty sẽ tăng 5 - 10% thị phần đường trong nước. Giới phân tích đánh giá, mục tiêu này của SBT là khả thi. Tuy nhiên, theo quan sát thì đến nay, có thể thấy SBT đang có các động thái để bứt phá mạnh về thị phần từ năm 2018 và mục tiêu chiến lược 2020 có thể sẽ thay đổi.

Cơ hội mở rộng thị phần

Thị trường của các nhà máy nhỏ lẻ hiện chủ yếu là bán lẻ hoặc cung cấp cho khách hàng tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, những khách hàng này thường không nhập đường Thái với số lượng lớn được do chi phí vận chuyển, kho bãi… Vì vậy, Công ty chứng khoán FPTS đưa ra dự báo, SBT đang nhắm tới thị phần này. Đáng chú ý là khi thị trường chung trong nước tiếp tục tăng. Tổng mức tiêu thụ đường trong nước những năm gần đây khoảng 1,6 triệu tấn/năm.

Dự kiến đến năm 2020, mức tiêu thụ đường cả nước là 2 triệu tấn/năm, tăng 25% so với hiện nay, nhờ vào sự gia tăng dân số và mức tiêu thụ bình quân đường/người. Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng với CAGR (tốc độ tăng trưởng kép) 1,12%/năm (theo IMF), tiêu thụ đường bình quân/người tăng trưởng với CAGR 1,7%/năm (theo OECD). Có nhiều nguyên nhân khiến mức tiêu thụ đường bình quân/người tăng lên. Nhưng một trong những nguyên nhân chính là giá đường thấp sẽ kích thích tiêu dùng đường nhiều hơn.

Mới đây, TTC Sugar đã bắt tay với Tập đoàn Kido thông qua việc ký kết hợp tác. Từ năm 2018, KIDO sẽ phân phối một số sản phẩm của TTC Sugar. Giai đoạn 1, TTC chịu trách nhiệm sản xuất, cung ứng đường Biên Hòa Daily (gồm 2 loại túi 1kg và 0,5kg) để KIDO phân phối trên hệ thống hơn 200 nhà phân phối và 450.000 điểm bán lẻ, cam kết doanh số bán hàng hằng năm. TTC tiếp tục phân phối các sản phẩm khác ở tất cả các kênh. Giai đoạn 2, dưới sự bảo trợ, nhượng quyền của TTC, hai bên sẽ phát triển thêm các dòng sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Hiện nay, ngành đường TTC có hơn 200.000 điểm bán trên 63 tỉnh thành toàn quốc. Sự hợp tác này sẽ nhanh chóng mở rộng hệ thống phân phối thêm hơn 400.000 điểm bán, bao gồm các điểm bán hiện hữu của KIDO. Đây có thể xem là lợi thế trong mục tiêu đưa đường Biên Hòa Daily hiện diện đến từng điểm bán lẻ các khu vực ba miền Bắc, Trung, Nam. Hiện SBT đã có kế hoạch nâng công suất đường luyện từ đường thô thông qua việc đầu tư hai nhà máy tại Tây Ninh và Biên Hòa.

Công ty đã phê duyệt chủ trương đầu tư trên với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản phẩm từ mía sang tập trung vào đường thô để sản xuất đường nhằm thích ứng trong quá trình hội nhập và cạnh tranh. Sau khi đầu tư, công suất sản xuất đường tối thiểu tại nhà máy Tây Ninh đạt 300.000 tấn/năm và Biên Hòa là 180.000 tấn/năm, hướng đến toàn bộ đều là đường luyện từ đường thô. Có thể nói, hội nhập ATIGA cũng là cơ hội cho TTC mở rộng ngành đường với mục tiêu lên 1 triệu tấn đường/năm (công suất hiện nay đạt hơn 650.000 tấn đường/năm).

Sáp nhập BHS là sự kết hợp giữa hai mảnh ghép có thể tạo thêm giá trị gia tăng cho SBT. Việc sáp nhập BHS cũng góp phần nâng tổng thị phần nội địa của SBT với hệ thống bán lẻ gồm 94 nhà phân phối trên 53 tỉnh thành và 20 Brandshop gắn liền với thương hiệu đường Biên Hòa lâu năm. SBT tận dụng khách hàng của BHS và ngược lại để bán chéo sản phẩm. Mỗi công ty mạnh về một mảng sản phẩm đường khác nhau, TTCS mạnh về RE cho khách hàng doanh nghiệp, BHS với sản phẩm đa dạng và phong phú cho người tiêu dùng. Từ đó, có thể bán chéo sản phẩm của BHS cho khách hàng của mình. Ngược lại, BHS lấy đường từ hệ thống TTCS bán thêm cho khách hàng của BHS.

Như vậy, ngoài kênh phân phối chủ lực bán sỉ doanh nghiệp truyền thống, TTC đã chú tâm mở rộng đi sâu vào thị trường bán lẻ để tiếp cận khách hàng nhanh hơn so với các sản phẩm khác.

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên