MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận tín dụng và tìm kiếm khách hàng

“Hiện hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang gặp hai khó khăn lớn nhất đó là việc tiếp cận tín dụng và tìm kiếm khách hàng”, đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”. Sự kiện được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 26/10 ở Hà Nội

Tại hội thảo các đại biểu cho rằng, tiềm năng, cơ hội để phát triển hoạt động xuất khẩu cho doanh nghiệp là rất lớn, khi nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn không ít những thách thức đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu: về năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hóa, các quy định cần tuân thủ của các thị truờng xuất nhập khẩu; khó khăn của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các thị trường mới khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh…

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI nêu thực tế: "Hai khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải đó là việc tiếp cận tín dụng là 55,6% và tìm kiếm khách hàng 55,1%. Đây cũng chính là hai vấn đề quan trọng cần tháo gỡ để có thể thúc đấy hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Bên cạnh đó cần chú trọng nâng cao năng lực của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu".

Doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận tín dụng và tìm kiếm khách hàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến của các chuyên gia dự báo, thời gian tới tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm trong ngắn hạn, hồi phục trong trung hạn, nhưng tốc độ sẽ rất chậm, thương mại và quy mô thị trường hàng hóa thế giới tăng trưởng theo từng khu vực.

Do đó, trước yêu cầu mới hiện nay, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, trở thành mục tiêu phát triển của tất cả các quốc gia và nước ta cần phải bắt kịp được xu thế này. Việc các doanh nghiệp cần đảm bảo hài hòa các mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là vấn đề cần phải thực hiện và hướng tới.

Cùng đó, tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công thương, Bộ Công thương cho rằng: "Cần phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển xuất khẩu bền vững. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần liên hệ chặt chẽ và trao đổi thông tin thường xuyên của Hiệp hội ngành hàng, tích cực chủ động tham gia vào quy trình hoạch định chính sách phát triển xuất khẩu bền vững. Đồng thời chủ động cập nhật các chính sách ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ từ phía Nhà nước nhất là ưu đãi về đầu tư tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng đào tạo nguồn nhân lực để từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu".

Theo Nguyễn Hằng

VOV

Trở lên trên