MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp gỗ “tỉnh táo” khi đầu tư FDI từ Trung Quốc gia tăng

22-06-2019 - 12:45 PM | Thị trường

Rất có thể, các DN Trung Quốc mở rộng đầu tư sơ chế gỗ tại Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tranh thủ lợi thế về xuất xứ và né thuế.

Thông tin từ Hội thảo “Tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt Nam: Chuyển dịch đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu” diễn ra mới đây cho thấy, thời gian gần đây, các dự án FDI mới trong ngành gỗ tăng nhanh, đặc biệt trong các tháng đầu của năm 2019.

FDI từ Trung Quốc tăng về lượng, giảm quy mô

Theo Báo cáo nghiên cứu: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam”, trong 5 tháng đầu năm 2019, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49 dự án, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018. Tổng số vốn FDI đầu tư trong 5 tháng 2019 tăng gấp gần 1,2 lần tổng số so với đầu tư FDI của cả năm 2018.

Trong đó, các dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ xếp theo 9 nhóm hoạt động khác nhau, bao gồm chế biến gỗ, dăm gỗ, dịch vụ ngành gỗ, pallet gỗ, phụ trợ ngành gỗ, thương mại gỗ, ván nhân tạo, viên nén và các ngành khác, các dự án FDI tập trung nhiều nhất vào mảng chế biến gỗ . Riêng trong 5 tháng đầu năm, đã có 32 dự án FDI đầu tư vào mảng chế biến gỗ, chiếm trên 60% trong tổng số 49 dự án đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam.

Doanh nghiệp gỗ “tỉnh táo” khi đầu tư FDI từ Trung Quốc gia tăng - Ảnh 1.

Một số nhà máy có vốn đầu tư của Trung Quốc dưới dạng cổ phần, tạo ra các sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam và xuất khẩu đi Mỹ.

Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend cho biết, nhìn chung vốn đầu tư của các dự án FDI vào ngành gỗ tại Việt Nam có quy mô nhỏ, chỉ từ 4-5 triệu USD/mỗi dự án. Riêng các dự án đầu tư vào mảng chế biến gỗ và ván nhân tạo lại có quy mô vốn nhỉnh hơn so với vốn đầu tư vào các mảng khác.Điểm đáng chú ý là, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong danh sách nhóm các nước đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam, tiếp đến là các thị trường như Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong và Nhật Bản. Trong 5 tháng đầu năm, đã có trên 50 triệu USD từ các dự án FDI mới của Trung Quốc đã được đăng kí đầu tư vào Việt Nam, cao hơn 1,7 lần vốn đăng kí của các dự án FDI Trung Quốc cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, quy mô vốn đầu tư trên mỗi dự án chỉ là 2,1 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với con số 4,2 triệu USD là quy mô mỗi dự án trong cùng kỳ năm trước.

Đề cập đến sự bất thường này, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho rằng, đã có sự dịch chuyển đầu tư của Trung Quốc sang các quốc gia xung quanh như Ấn Độ và các nước trong khu vực ASEAN, do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Chính vì thế, các doanh nghiệpnngành gỗ cần hết sức tỉnh táo để xem đâu là cơ hội có thể mở rộng và đâu là rủi ro tiềm ẩn.

“Các doanh nghiệp gỗ trong nước không sợ doanh nghiệp lớn của Trung Quốc dịch chuyển, vì điều đó khá khó khăn khi doanh nghiệp của họ đang sở hữu cả chuỗi sản xuất, nếu dịch chuyển chi phí sẽ lớn. Một số doanh nghiệp Trung Quốc sẽ dịch chuyển với quy mô nhỏ và mức đầu tư không lớn vào Việt Nam nên các doanh nghiệp trong nước có thể lựa chọn phương án điều chỉnh, cân đối sản xuất để vẫn có thể có lãi”, ông Hạnh nói.

Doanh nghiệp cần hết sức tỉnh táo

Phân tích về việc các dự án FDI của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam tăng ồ ạt về số lượng nhưng giảm về quy mô, ông Tô Xuân Phúc cho biết, rất có thể trong bối cảnh Chính phủ Mỹ áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Trung Quốc, các DN Trung Quốc đầu tư các nhà máy nhỏ tại Việt Nam nhằm tranh thủ lợi thế về xuất xứ.

“Rủi ro rất lớn sẽ xảy ra nếu các DN này nhập các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc sau đó sơ chế tại các nhà máy ở Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế. Các DN ngành gỗ Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, không tiếp tay gian lận cho DN FDI Trung Quốc đầu tư để tránh bị vạ lây”, ông Phúc cảnh báo.

Báo cáo nghiên cứu về cơ hội và rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam trước tác động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hiện chưa thống kê các nhà máy của Việt Nam được mua bằng vốn của Trung Quốc dưới dạng cổ phần. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng, rất dễ xảy ra tình trạng các nhà máy của Việt Nam có vốn đầu tư của Trung Quốc dưới dạng cổ phần, tạo ra các sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam và xuất khẩu đi Mỹ. Đây là điều bất bình thường, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những đánh giá về vai trò và mục đích của các dự án đầu tư.

Đứng từ góc độ cơ quan quản lý, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng lưu ý đến các hoạt động đầu tư hợp tác của DN trong ngành gỗ. Theo đó, các cơ quan quản lý luôn ủng hộ các DN làm ăn chân chính, bài bản và tận dụng cơ hội hợp tác, tẩy chay những DN làm ăn không chân chính, chụp giật chạy theo những lợi ích trước mắt.

Đại diện các tổ chức, hiệp hội ngành gỗ cũng kiến nghị, các cơ quan quản lý cần có đánh giá tổng thể về những rủi ro trong các dự án đầu tư FDI đối với những sản phẩm xuất khẩu. Những đánh giá này bao gồm việc mở rộng dự án, các dự án mua cổ phần, mua – bán sáp nhập DN…

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần có các đánh giá tình trạng thực tế về các DN ngoại, đặc biệt các DN của Trung Quốc khi họ thuê máy móc, thiết bị, nhà xưởng và nhân công của Việt Nam để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên