Doanh nghiệp kêu khó nhập khẩu xe ô tô
Không chỉ kêu khó vì không xin được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu và việc kiểm tra theo lô tốn kém, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu ô tô đang khóc dở, chết dở vì không còn quỹ đất để mở đường thử xe.
- 13-06-2018VAMA: Hoàn toàn không thể nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản!
- 13-06-2018Thuế thu nhập cá nhân đóng 1-2 triệu đồng/năm, sao lại mua được nhà, ô tô?
- 08-06-201890% nhà cung cấp linh kiện ô tô tại Việt Nam là doanh nghiệp FDI
Bên cạnh các kiến nghị liên quan đến giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (VTA), thủ tục thông quan hàng hóa, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và lắp ráp ô tô đang gặp khó khăn lớn đối với quy định về đường thử.
Nhiều doanh nghiệp như Honda Việt Nam không còn quỹ đất để mở rộng đường thử nghiệm ô tô. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Cụ thể, Toyota Việt Nam (TMV) đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành không hồi tố hoặc cần cho thêm thời gian thực hiện đối với yêu cầu đường thử vì TMV vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) theo quy định đền bù mới. Cụ thể, theo TMV, doanh nghiệp (DN) phải tự thỏa thuận trong việc GPMB, trong khi địa phương không cưỡng chế, do vậy đến tháng 4/2019 chưa thể hoàn thành xong đường thử.
Honda Việt Nam cũng cho hay, có một số nội dung chưa phù hợp trong quy định về đường thử như chiều dài và chiều rộng đường mấp mô hiện nay chỉ 15m và 2,8m, trong khi Nghị định 116 yêu cầu phải 25m và 3,5m.
Trả lời về vấn đề này, Đoàn công tác liên ngành hỗ trợ DN thực hiện Nghị định 116 đề nghị Honda Việt Nam xem xét thực hiện đúng quy định về chiều dài đường thử mấp mô, còn chiều rộng đoàn ghi nhận không phù hợp với xe con, chỉ cần 2,8m là đủ.
Theo đại diện Công ty Hino Motors Việt Nam, tại công ty, hiện đường thử là chạy trong nhà máy khoảng 120m đường thẳng, không có các loại đường quy định như trong Nghị định 116 do diện tích hiện nay chỉ có khoảng 2ha. Nguyên nhân bởi nhà máy của họ xây dựng từ năm 1997, vì vậy Hino đề xuất không hồi tố với các đơn vị đã đầu tư và hoạt động lâu năm như doanh nghiệp này bởi chi phí tăng cao, hiện không còn quỹ đất để mở rộng đầu tư.
Trường hợp không nhận được sự đồng ý, Hino Motors Việt Nam đề nghị cho phép công ty được đi thuê và thực hiện kiểm tra xác suất theo tỷ lệ % như 100 xe kiểm tra 2 hoặc 3 xe, hoặc 3 tháng kiểm tra với 1 lượng xe nhất định.
Cty TNHH Ford Việt Nam cũng cho biết, đường thử xe hiện nay của họ đã đáp ứng quy định của Ford toàn cầu nhưng có một số điểm chưa đáp ứng Nghị định 116. Do vậy, công ty kiến nghị cho phép áp dụng theo quy định của Ford toàn cầu.
Cty General Motors Việt Nam (GM Việt Nam) cũng kêu khó vì không còn quỹ đất để mở rộng đường thử. Doanh nghiệp này cho biết đã liên hệ để thuê đường thử nhưng tốn kém nhiều chi phí và không đảm bảo an toàn khi di chuyển xe từ nhà máy đến nơi thử.
Cũng gặp khó khăn về quỹ đất, Cty TNHH ô tô Isuzu Việt Nam cho biết, đã đề nghị Mercedes-Benz Việt Nam (nằm kế bên) cho sử dụng chung đường thử nhưng bị từ chối vì lý do an toàn. Do đó, DN này kiến nghị cho hoãn quy định về đường thử đến cuối 2019.
Kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam mở cơ sở thử nghiệm ở phía Nam
Các doanh nghiệp có nhà máy ở khu vực phía Nam cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành trực tuyến đối với lô hàng lớn. Chẳng hạn, Cty TNHH ô tô Mitsubishi Việt Nam cho rằng, hiện nay thủ tục kiểm tra chuyên ngành trực tuyến đối với lô hàng lớn mất rất nhiều thời gian. Do đó, quy định lô hàng quá 30 ngày chưa xong thủ tục sẽ bị xử phạt cần được xem xét lại.
Phúc đáp vấn đề này, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, do hệ thống một cửa quốc gia hiện chưa hỗ trợ chức năng thông báo về việc kéo dài thời gian kiểm tra, do đó, khuyến cáo các DN chủ động liên hệ với cơ quan kiểm tra chuyên ngành đề nghị xác nhận và nộp cho cơ quan hải quan để tránh bị xử phạt.
Đáng chú ý, Cty TNHH Á Châu (nhà nhập khẩu Audi) còn cho rằng, VTA của châu Âu bao gồm kiểu loại xe với nhiều biến thể tùy chọn (option) khác nhau, khi về Việt Nam mỗi biến thể tùy chọn phải lấy mẫu đi thử nghiệm nên phải thử nhiều mẫu.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam giải thích, việc lấy mẫu này được thực hiện cho từng kiểu loại đối với từng lô hàng. Nguyên tắc xác định ô tô cùng kiểu loại được quy định rõ trong Phụ lục 2 của Thông tư 03, đề nghị DN nghiêm chỉnh thực hiện.
Nhà nhập khẩu Audi Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét mở cơ sở thử nghiệm ở phía Nam để thuận lợi cho các DN. Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết Cục Đăng kiểm Việt Nam đang có kế hoạch triển khai xây dựng thêm trung tâm thử nghiệm khí thải tại miền Nam nhằm đáp ứng kịp thời hơn của DN.
Tại khu vực miền Trung, Cty ô tô Chu Lai – Trường Hải cũng nêu khó khăn khi VTA và xe nhập khẩu thực tế về Việt Nam có một số điểm khác nhau liên quan đến hiển thị số trên bảng điều khiển, ga điều hòa, bảo vệ người đi bộ.
Đoàn liên ngành cho biết sẽ xem xét các kiến nghị trên, chấp thuận cho từng trường hợp cụ thể nếu thỏa mãn quy định của Nghị định 116, hỗ trợ tối đa cho các DN nhập khẩu.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cộng dồn từ đầu năm đến hết tháng 5/2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 10% trong khi xe nhập khẩu giảm 46% so với cùng kì năm ngoái. Nguyên nhân chính bởi vướng mắc Nghị định 116 nên xe nhập khó về Việt Nam.
Toyota Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2018, công ty này bán được 4.752 xe, nhưng hầu hết là xe lắp ráp trong nước. Những mẫu xe NK nguyên chiếc của hãng như Toyota Fortuner, Yaris, Hilux, Lexus… rơi vào "điểm chết doanh số" vì các đại lý đã hết hàng, trong khi hàng mới vẫn chưa về.
Trong khi đó, tổng doanh số bán ô tô NK của Mitsubishi như Pajero Sport, Triton, Mirage… cộng lại trong tháng qua còn chưa bằng lượng tiêu thụ của riêng mẫu Mitsubishi Outlander (209 xe) đang được hãng xe Nhật Bản lắp ráp tại nhà máy ở tỉnh Bình Dương.
Như vậy, với số liệu này cho thấy lượng xe NK đã tăng nhưng xe lắp ráp vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường.
Tiền phong