Doanh nghiệp ‘khát’ lao động sau Tết - Bài 1: Lương cao, đãi ngộ lớn vẫn thiếu công nhân
Mặc dù các doanh nghiệp liên tiếp đưa ra các thông báo tuyển dụng lao động với mức lương cao và nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn nhưng tại nhiều tỉnh, thành phố vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp “khát” lao động.
- 14-02-2022Nhiều chính sách thỏa đáng “hút” người lao động trở lại TP.HCM sau Tết
- 12-02-2022NÓNG: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lên tiếng về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
- 11-02-2022Những con số "nóng" về nhu cầu lao động sau Tết
Nhiều việc làm lương cao, chính sách đãi ngộ hấp dẫn
Theo khảo sát của PV Nhadaut.vn, tại các khu công nghiệp (KCN) ở Hà Nội, doanh nghiệp đua nhau tung ra các thông báo tuyển dụng công nhân với số lượng lớn. Kèm theo số lượng, các doanh nghiệp cũng “niêm yết” tỉ mỉ về mức lương, các chính sách đãi ngộ...
Sau Tết Nguyên đán, tại các Bảng tuyển dụng trước cổng các KCN ở Hà Nội xuất hiện rất nhiều thông báo tuyển dụng với thông tin hấp dẫn, đã thu hút đông đảo lao động nam, nữ đến theo dõi để chọn cho mình một công việc phù hợp.
Hà Nội cùng bạn tìm việc xuyên Tết, chị Phạm Thị T. (áo đỏ, quê Cao Bằng) cho biết, năm vừa rồi làm công nhân tại một công ty thuộc KCN Quang Minh (Hà Nội) nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải nghỉ việc, giờ đang tìm công việc mới. Ảnh: Trọng Hiếu
ỞTại bảng tuyển dụng ở KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), các thông báo tuyển dụng được dán dày đặc, quảng cáo những công việc với mức lương hấp dẫn, thu nhập từ 10 triệu đồng trở lên, cùng chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
Chị Nguyễn Thu H. (Kim Chung, Đông Anh) cho biết, công việc hiện tại của chị tuy thu nhập tốt nhưng nhiều áp lực nên muốn tìm một công việc mới phù hợp hơn, có thời gian chăm lo con nhỏ. “Từ sau Tết đến giờ xuất hiện rất nhiều thông báo tuyển dụng với mức lương hấp dẫn, công việc đỡ vất vả hơn nên tôi đang cân nhắc chuyển việc”, chị H. nói.
Sắp ra trường, bạn Nguyễn Minh T. (quê ở Nghệ An) cho biết, được bạn bè giới thiệu ra KCN Thăng Long để tìm việc. “Với một người mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, em thấy làm công nhân tại đây có thu nhập khá tốt, giúp em trang trải được cuộc sống”, T. chia sẻ.
Theo một số người lao động đến tìm việc ở KCN Thăng Long, so với những KCN khác thì đây là nơi có nhiều cơ hội công việc với mức lương cũng như chế độ đãi ngộ vào loại tốt nhất Hà Nội hiện nay.
Tại các KCN khác như KCN Đông Anh, KCN Quang Minh (Đông Anh, Hà Nội), nhiều doanh nghiệp đặt thông báo tuyển dụng ở ngay trước cổng và các khu vực khác xung quanh công ty.
Ở Hà Nội cùng bạn tìm việc xuyên Tết, chị Phạm Thị T. (quê ở Cao Bằng) cho biết, năm vừa rồi làm công nhân tại một công ty thuộc KCN Quang Minh (Hà Nội). “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công, chúng tôi là công nhân thời vụ nên thuộc đối tượng nghỉ việc đầu tiên. Giờ tìm công việc mới tại đây, chúng tôi chỉ mong sao công việc ổn định, mức lương phù hợp và được làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập", chị T. nói.
Theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, từ ngày mùng 7 Tết đã có khoảng 90% doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất với hơn 96% số công nhân lao động trở lại làm việc, tập trung ở các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp và chế xuất, ngành dệt may, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng tại các công ty ở KCN cũng tăng trở lại, có nhiều công ty tuyển hàng trăm công nhân.
Ông Tạ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội cho biết, trong 2 ngày 7- 8/2/2022, khoảng 30 công ty đăng ký tuyển dụng hơn 700 lao động. Doanh nghiệp cần người chủ yếu là cơ khí, may mặc, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe... với mức lương dao động 7 - 15 triệu đồng. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong tháng 2 vẫn còn tăng, thị trường lao động chưa thể trở lại sôi động ngay sau kỳ nghỉ Tết kéo dài.
Doanh nghiệp FDI tại Nghệ An thông báo tuyển dụng người lao động. Ảnh: Văn Dũng
Doanh nghiệp tại Nghệ An gặp khó khi tuyển lao động
Tại Nghệ An, nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang đưa ra nhiều chính sách để thu hút lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng sự dịch chuyển của lao động đi các tỉnh phía Bắc và phía Nam dẫn đến việc tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.
Trong những ngày đầu năm, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã bắt đầu làm việc trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo ghi nhận tình hình tuyển dụng lao động tại Nghệ An vẫn khá im ắng. Nhiều doanh nghiệp công khai tuyển công nhân với mức thu nhập cao hơn thu nhập trong vùng nhưng số lượng người lao động đến nộp hồ sơ vẫn còn hạn chế.
Tại KCN VSIP Nghệ An, Công ty TNHH may An Nam Matsuoka (100% vốn FDI) đang cần tuyển dụng hơn 1.000 lao động trong những tháng đầu năm để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Mức lương từ 5,5 - 7 triệu đồng (chưa bao gồm tiền tăng ca) và được hưởng tất cả các chế độ của Luật Lao động. Thế nhưng, đến hiện tại, người lao động đến nộp hồ sơ, phỏng vấn vẫn còn hạn chế.
Bà Ngô Thị Kim, Quản lý Văn phòng Công ty TNHH may An Nam Matsuoka cho biết, hiện tại phía công ty đang cần tuyển số lượng lao động tương đối lớn (khoảng hơn 1.000 lao động). Hiện, công ty đang xúc tiến để tuyển đủ số lượng lao động phục vụ sản xuất kinh doanh. “Công ty chúng tôi cũng đang quảng bá để thu hút lao động bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, liên hệ đến các Trung tâm Giới thiệu việc làm, các huyện, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hay trang chủ của công ty...”, bà Kim nói.
Một doanh nghiệp khác ở Nghệ An cũng đang thiếu hàng nghìn lao động như Nhà máy may An Hưng (ở huyện Yên Thành) của CTCP Tập đoàn An Hưng. Ông Trần Tiến Mạnh, Trợ lý Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn An Hưng cho biết, hiện tại nhà máy đang rất thiếu lao động. “Để chạy hết công suất, công ty chúng tôi cần khoảng 8.000 lao động. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ tuyển được hơn 2.000 lao động, dù lương bình quân khá cao từ 6,5 triệu đồng”, ông Mạnh nói.
Theo ông Mạnh, công ty có nhiều chính sách hấp dẫn hỗ trợ người giới thiệu và công nhân mới vào làm việc tại công ty như: Hỗ trợ 500 nghìn đồng/hồ sơ cho người giới thiệu được công nhân có tay nghề may vào làm việc tại công ty; hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hồ sơ cho người giới thiệu được Tổ phó, Tổ trưởng, Quản đốc sản xuất vào làm việc tại công ty; hỗ trợ 2 triệu đồng cho công nhân cũ có tay nghề may và có thâm niên làm việc tại công ty từ 2 tháng trở lên quay lại làm công nhân may tại công ty; công nhân có tay nghề gia nhập công ty được thưởng 3 triệu đồng; công nhân chưa có tay nghề được đào tạo miễn phí...
Lý giải về tình hình thiếu lao động, ông Mạnh nhận định, thứ nhất là do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi làm của người lao động. Thứ hai là một số lao động vào công ty chỉ tìm hiểu môi trường làm việc của nhà máy xong rồi nghỉ. Thứ ba là thời điểm sau Tết, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam đã lắng xuống nên sự dịch chuyển của lao động vào phía Nam là rất lớn.
Các doanh nghiệp trong KCN VSIP Nghệ An đăng thông báo tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Ảnh: Văn Dũng
Ngại trở lại làm việc vì tâm lý sợ dịch COVID-19
Trao đổi với Nhadautu.vn về việc nguồn lao động trong KCN VSIP, một lãnh đạo của Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho hay, VSIP Nghệ An hiện có 28 khách hàng, trong đó có 12 khách hàng là doanh nghiệp FDI, còn lại là doanh nghiệp trong nước.
Theo vị lãnh đạo này, dự kiến nhu cầu lao động trong KCN VSIP Nghệ An khi hoạt động hết công suất cần khoảng 35.000 – 40.000 lao động, trong khi đó, tổng số lao động hiện tại hơn 13.400 người. Hiện nay, các khách hàng đang tuyển theo nhu cầu công suất hoạt động, dự kiến trong năm nay các doanh nghiệp trong KCN cần khoảng 5.000 lao động.
“Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng của dịch bệnh (đang cách ly do dính F1, FO…) nên mới chỉ có khoảng 80% số lượng công nhân quay lại làm việc”, vị lãnh đạo này cho biết thêm.
Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cho biết, hiện tại lao động tại các doanh nghiệp trong KCN đã trở lại đi làm bình thường. Tuy nhiên, những tuần đầu tiên của năm, dịch bệnh bùng phát mạnh trong cộng đồng đã ảnh hưởng đến việc đi làm của lao động, cũng như việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.
Theo ông Trị, tâm lý của người lao động đang sợ dịch cũng như sự dịch chuyển lao động đi các tỉnh phía Bắc, phía Nam nên dẫn đến số lượng lao động chưa được đảm bảo. Điển hình, tại KCN VSIP, Công ty TNHH Luxshare-ICT có 5.250 lao động, sau Tết mới chỉ có 4.150 lao động quay trở lại làm việc; hay Công ty TNHH Sangwoo Việt Nam có 1.458 lao động, mới có 1.344 lao động quay trở lại làm việc; CTCP may Minh Anh - Kim Liên có 3.063 lao động, chỉ có 2.614 lao động qua trở lại là việc... Bên cạnh đó, mức lương ở Nghệ An cũng chưa phải là hấp dẫn, dẫn đến một số lao động dịch chuyển ra Bắc hoặc vào Nam để kiếm việc làm có mức thu nhập cao hơn là điều khó tránh khỏi.
Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cho rằng, các doanh nghiệp muốn thu hút và giữ chân được lao động thì phải đặt ra mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn, bởi với người lao động quan trọng nhất vẫn là điều kiện làm việc tốt và thu nhập cao, ổn định.
(Còn nữa)
Nhà đầu tư