Doanh nghiệp khốn đốn vì giá xăng dầu tăng mạnh
Giá xăng dầu tăng ở ngưỡng cao nhất trong 7 năm qua đã khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất.
- 31-10-2021Thu từ thuế TNCN trên địa bàn Hà Nội đạt gần 26,6 nghìn tỷ đồng trong 10 tháng
- 31-10-2021Đại biểu Quốc hội đề xuất gói kích cầu hạ tầng 10% GDP
- 31-10-2021Điểm lại loạt công trình trọng điểm trên địa bàn TP HCM trong 10 tháng
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, lĩnh vực giao thông vận tải sẽ chịu tác động rất lớn khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay. Lĩnh vực này đã và đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19, giá xăng dầu lại tăng như vậy khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải gặp khó khăn kép.
Doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiêm Giám đốc HTX Vận tải Thăng Long, cho biết các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua. Thua lỗ do xe "trùm mền" thời gian dài vì dịch Covid-19, nay thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để các đơn vị vận tải hoạt động lại vì chi phí xăng, dầu chiếm tới 35%-40% chi phí hoạt động.
Doanh nghiệp vận tải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 và tăng giá xăng dầu
"Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15%-20% vì lượng khách giảm sút, chủ yếu sử dụng xe cá nhân. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng nữa thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng" - ông Liên nói.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc, dịch bệnh đã làm cho các DN taxi cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. "Giá xăng dầu tăng, khách đi xe ít khiến họ không có thu nhập, sẽ bỏ việc" - ông Hùng nói và cho rằng hiện vẫn đang trong thời kỳ dịch bệnh, DN chỉ được hoạt động 50% số lượng phương tiện, doanh thu chỉ đạt 15%-20% so với trước dịch, trong khi vẫn phải trả gốc, trả lãi ngân hàng và nhiều chi phí khác. Giá xăng dầu tăng mạnh buộc DN phải điều chỉnh giá cước, nếu không sẽ phải bù lỗ trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ việc điều chỉnh giá cước cũng không dễ, do người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng. Cùng với đó, việc DN phải tăng giá cước khiến lượng khách sẽ càng ít hơn.
Để tồn tại, DN sẽ phải tự điều chỉnh lại quy mô, tiết giảm bộ máy, chi phí. Nhà nước có thể hỗ trợ DN bằng cách giảm hoặc miễn thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu. "Hiện trên thị trường có 2 loại xăng là A95 (RON95) và E5 (RON92). Trong đó, E5 là loại xăng bảo vệ môi trường, DN hay người dân sử dụng loại xăng này thì không được thu thêm thuế bảo vệ môi trường nữa" - ông Hùng đề xuất.
Cần giảm thuế thu qua xăng
Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc DN vận tải hành khách Hà Sơn - Hải Vân (Lào Cai), cho biết việc điều chỉnh tăng giá nhiên liệu trong giai đoạn hiện nay gây nhiều khó khăn cho DN vận tải. Theo ông, ở giai đoạn bình thường, chi phí nhiên liệu của Hà Sơn - Hải Vân khoảng hơn 4 tỉ đồng/tháng. Đến nay, khi tăng giá xăng dầu, mỗi tháng DN sẽ mất thêm khoảng 400 triệu đồng. Giá xăng dầu tăng tác động rất lớn đến kết quả kinh doanh, khó khăn thêm chồng chất.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 35%-40% cơ cấu giá thành vận tải. Nhà nước hiện không quản lý giá cước vận tải mà để DN tự quyết định, không loại trừ khi giá nhiên liệu tăng, DN sẽ tăng giá cước.
Hiện nhu cầu đi lại đang rất thấp, giá xăng dầu tăng, DN vận tải muốn cân đối thu chi sẽ phải điều chỉnh, đưa ra giá cước mới phù hợp với đầu vào. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách.
Liên quan cơ chế, chính sách giảm thuế, phí hỗ trợ tác động tăng giá xăng dầu cho người dân, DN, ông Quyền cho rằng việc giảm thuế, phí để hỗ trợ DN cũng khó thực hiện vì sẽ tác động dây chuyền đến nhiều lĩnh vực. Ví dụ nếu giảm mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ (phí BOT) sẽ liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng chính sách thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
"Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường thu qua mỗi lít xăng dầu. Hiện mức thu loại thuế này đang khá lớn, từ 3.800 - 4.000 đồng/lít. Để giảm mức ảnh hưởng đến nền kinh tế, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ nên xem xét điều chỉnh giảm thu loại thuế này. Cách này sẽ ít gây xáo trộn, tác động dây chuyền đến các lĩnh vực có liên quan" - ông Quyền đề xuất.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, không chỉ hoạt động vận tải mà hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp của việc tăng giá xăng dầu. "Hiện có 2 công cụ để giảm bớt sự tăng giá là quỹ bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng 2 chính sách này hợp lý thì sẽ giảm được tỉ lệ tăng của giá xăng dầu" - ông phân tích.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu bởi hiện nay giá xăng dầu tăng rất nhanh. “Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, thuế bảo vệ môi trường cần phải được sử dụng để điều tiết khi giá xăng dầu tiếp tục tăng” - ông Ngân đề xuất.
Người lao động