Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Có giấy phép nhưng dự trữ, nhập khẩu luôn thiếu
Cây xăng thuộc Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu Hải Dương
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cùng với việc tăng nhanh bất thường số doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nghiễm nhiên được "hợp thức hoá" các điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu nếu chiếu theo Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Từ đây, tình trạng lộn xộn đã diễn ra, DN đầu mối nhưng dự trữ và nhập khẩu… luôn thiếu.
- 02-01-2023Sức mạnh nội sinh đưa Việt Nam vượt lên thách thức mới
- 02-01-2023Quảng Trị quyết tâm trở thành địa phương giàu, mạnh từ biển
- 02-01-2023Khởi công dự án đường bộ cao tốc hơn 12.400 tỉ đồng qua Bình Định
Trong các báo cáo của một số đơn vị thuộc ngành Công Thương, có nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại việc cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trong giai đoạn vừa qua.
Việc kiểm tra cấp phép được đánh giá là cần thiết đối với những DN đầu mối tư nhân có đầu tư ngoài ngành nhiều và cả với 300 thương nhân phân phối. Thương nhân là trung gian song thực tế lại rất có "quyền lực" chi phối nguồn cung, thậm chí có thể lũng đoạn thị trường. Một lượng lớn nguồn xăng dầu lậu, xăng giả, kém chất lượng đã được các đường dây làm giả, buôn lậu "phân phối" ra thị trường thông qua các thương nhân phân phối. Đây cũng là lý do khiến nhiều đầu mối, thương nhân phân phối gia tăng tài sản chóng mặt với doanh thu lên tới cả chục nghìn tỷ đồng mỗi năm trong một thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là lợi nhuận của các DN này luôn rất thấp, thậm chí luôn trong tình trạng thua lỗ.
Trong số DN đầu mối xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Công Thương và Quản lý thị trường vào kiểm tra tình hình hoạt động trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm quy định về dự trữ, vi phạm về hệ thống đại lý, hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn ra tràn lan với những DN đầu mối tư nhân mới được cấp phép. Cụ thể như: Công ty TNHH Petro Bình Minh; Công ty TNHH Trung Linh Phát; Công ty TNHH Hải Linh; Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu Hải Dương; Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam; Công ty Cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh; Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu; Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu.
Điển hình trong số này là trường hợp Công ty TNHH Petro Bình Minh. Vốn là thương nhân đầu mối nhưng điểm lạ là DN này bị phát hiện duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định. Trong một báo cáo của lực lượng kiểm tra, hồi tháng 10/2021, tồn kho dầu DO của đơn vị này chỉ ở mức 1.173m3 và tháng 11/2021 đạt 4.380m3, thấp hơn mức dự trữ tối thiểu 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm 2020 lên tới 6.028,71m3.
Không chỉ dự trữ thiếu, Công ty TNHH Petro Bình Minh còn bị phát hiện nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân giao hằng năm. Điểm bất thường là trong hai năm 2020, DN này “được" miễn, không bị phân giao nhập khẩu xăng dầu. Trong khi các DN khác đều bị phân giao hạn mức nhập khẩu. Càng kỳ lạ hơn, sang năm 2021, DN này cũng không thực hiện việc nhập khẩu xăng dầu theo công văn của Bộ Công Thương.
“Chúng tôi từ khi được cấp phép luôn được phân giao hạn mức, trong khi lượng xăng dầu nhập khẩu của Công ty TNHH Petro Bình Minh năm 2021 bằng 0 mà chả sao. Nếu các DN đầu mối nào cũng được “miễn" nhập khẩu thế này thì thật sự nhẹ gánh, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn như năm 2022”, một lãnh đạo DN đầu mối bức xúc nói với PV Tiền Phong.
Trong danh sách các DN đầu mối vi phạm quy định đáng chú ý có Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu Hải Dương. DN này qua thanh tra bị phát hiện không dự trữ xăng dầu ở mức tối thiểu theo quy định.
Cùng với đó, dù là thương nhân đầu mối nhưng Công ty Cổ phần Vật tư - Xăng dầu Hải Dương duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu theo quy định. Cụ thể: tồn kho xăng các loại trong 11 tháng liên tiếp năm 2021 đều thấp hơn mức dự trữ tối thiểu 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm 2020 là 4.183,3 m3. Mức dự trữ dầu DO tháng 4, tháng 6 và tháng 12 năm 2021 cũng thấp hơn mức dự trữ tối thiểu 30 ngày tiêu thụ bình quân của năm 2020 là 9.881 m3. DN này còn không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Một trường hợp đầu mối khác bị phát hiện có vi phạm là Công ty TNHH Trung Linh Phát. Là đầu mối nhưng Công ty TNHH Trung Linh Phát cũng có tên trong danh sách các DN nhập khẩu dầu Diesel thấp hơn hạn mức nhập khẩu dầu được Bộ Công Thương phân giao năm 2021 tại Công văn số 8266 ngày 22/12/2021. Công ty này cũng không gửi đăng ký điều chỉnh về Bộ Công Thương khi có sự thay đổi trong hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân.
Tiền Phong