MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lên phương án chuẩn bị áp dụng chuẩn báo cáo IFRS

16-12-2021 - 15:20 PM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp lên phương án chuẩn bị áp dụng chuẩn báo cáo IFRS

Chỉ còn một tháng nữa, giai đoạn áp dụng tự nguyện IFRS từ năm 2022 đến hết năm 2025 tại Việt Nam sẽ chính thức đi vào hiệu lực.

Sau Quyết định số 480/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020 - tầm nhìn 2030, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 345/QĐ-BTC cụ thể hóa về lộ trình lập và trình bày chuẩn mực báo cáo tài chính theo IFRS.

Trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, IFRS trở thành "ngôn ngữ kinh doanh quốc tế". Áp dụng IFRS giúp đảm bảo tính thống nhất toàn cầu của chuẩn mực Báo cáo tài chính (BCTC). Thông tin báo cáo tài chính của doanh nghiệp có độ tin cậy cao hơn, tăng khả năng so sánh và tính minh bạch của hoạt động BCTC và là cơ sở để nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế đưa ra các quyết định kinh doanh.

Nhằm cung cấp đến cộng đồng doanh nghiệp các cập nhật, hướng dẫn mới nhất về lộ trình chuyển đổi IFRS, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam (Deloitte Việt Nam) phối hợp cùng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính (BTC), Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) tổ chức hội thảo trực tuyến " Chuyển đổi IFRS – Thời điểm vàng để doanh nghiệp bứt phá". Sự kiện nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi từ mô hình báo cáo tài chính Việt Nam VAS sang chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế IFRS, đồng thời cập nhật định hướng, kế hoạch tương lai từ đại diện cấp cao thuộc các tổ chức, cơ quan quản lý và hoạch định chính sách liên quan.

Ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán & Đảm bảo, Deloitte Việt Nam, nhận xét: "Chuyển đổi áp dụng IFRS là một trong những mục tiêu quan trọng, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại, đồng thời giúp nắm bắt nhiều cơ hội tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới. Sự sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi này sẽ mang đến tác động tích cực và lan tỏa mạnh mẽ trong chính doanh nghiệp nhờ vào sự phối hợp hành động của tập thể nhân viên. Deloitte Việt Nam tự hào đồng hành và nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hà Nội, ACCA, VACPA và các hội nghề nghiệp trong khảo sát về tính sẵn sàng áp dụng IFRS đối với doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2020 và 2021. Deloitte Việt Nam cũng vinh dự khi được JICA lựa chọn là đối tác hỗ trợ kỹ thuật cho dự án thúc đẩy áp dụng IFRS tại Việt Nam từ 2021 đến 2023".

Phát biểu tại sự kiện, bà Trần Anh Đào, Phó TGĐ Sở GDCK TP.HCM cho biết: "Việc chuẩn bị sẵn sàng và đưa vào áp dụng IFRS là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam tận dụng được cơ hội mới, thúc đẩy tính công khai minh bạch, phục vụ tốt nhất cho nhà đầu tư, góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Được thực hiện với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt và có lộ trình chuẩn bị phù hợp, đây là năm thứ hai Deloitte Việt Nam cùng chúng tôi thực hiện khảo sát này. Một cách tích cực, mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp đã gia tăng theo thời gian, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn và nhiều rào cản khi áp dụng trong thực tế."

Chia sẻ cụ thể về kết quả khảo sát, ông Bùi Văn Trịnh cho biết, nếu như năm 2020, cuộc khảo sát nhằm giúp doanh nghiệp xác định mình có thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định 345/QĐ-BTC hay không, thì kết quả khảo sát 2021 giúp doanh nghiệp đo lường mức độ sẵn sàng trong áp dụng IFRS dựa trên 12 tiêu chí chia thành 4 nhóm: Chiến lược, Nhân sự, Quy trình & Hệ thống.

Doanh nghiệp lên phương án chuẩn bị áp dụng chuẩn báo cáo IFRS  - Ảnh 1.

Theo ông Trịnh, đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát (từ gần 500 lên hơn 700 doanh nghiệp) cũng như thay đổi về nhóm đối tượng tham gia theo ngành nghề, loại hình doanh nghiệp và quy mô vốn chủ sở hữu. Kết quả đánh giá chung dường như khá tích cực khi điểm số trung bình về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp giao động trong khoảng 3.5 – 3.6 đối với từng nhóm tiêu chí, cao vượt ngưỡng so với điểm số trung bình 2.5.

Trong số các loại hình doanh nghiệp tham gia khảo sát, các nhóm tự đánh giá có mức độ sẵn sàng cao nhất là: Doanh nghiệp khác với vốn chủ sở hữu trên 500 tỷ đồng, Doanh nghiệp nhà nước chưa niêm yết với Vốn chủ sở hữu dưới 500 tỷ đồng và Doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn chưa niêm yết – Vốn chủ sở hữu dưới 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhóm doanh nghiệp chưa sẵn sàng nhất và rất cần sự trợ giúp của các cơ quan quản lý là nhóm Doanh nghiệp niêm yết với Vốn chủ sở hữu dưới 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra 5 thử thách lớn nhất liên quan đến việc chuyển đổi sang IFRS đối với các doanh nghiệp: Thiếu nhân lực hoặc năng lực đội ngũ kế toán chưa đảm bảo, Hệ thống IT chưa hiệu quả và cần nâng cấp, Thiếu hướng dẫn từ cơ quan quản lý về việc áp dụng IFRS, Chuẩn mực IFRS phức tạp và thay đổi thường xuyên, Nhiều sự khác biệt giữa VAS – IFRS – Quy định về thuế.

Cũng theo đại diện Deloitte Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang trên lộ trình chuẩn bị kịch bản cho việc chuyển đổi sang IFRS. Với việc ra mắt chuỗi ấn phẩm "Chuyển đổi từ VAS sang IFRS" Deloitte Việt Nam kỳ vọng giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản của mình thông qua các hướng dẫn, tư vấn cụ thể từ phương pháp tiếp cận, các vấn đề cần ưu tiên cho tới lộ trình chi tiết, kiểm soát và đánh giá trong quá trình chuyển đổi áp dụng IFRS.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên