MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nhà nước: Nợ nần chồng chất, lợi nhuận giảm

Dù nắm giữ nhiều nguồn lực nhưng trong năm 2016, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt lợi nhuận và số tiền nộp ngân sách nhà nước giảm.

Nhiều tồn tại chưa được giải quyết

Theo Báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016 của Bộ Tài chính vừa được công bố cách đây ít ngày, hết năm 2016, cả nước có 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó có 7 tập đoàn (TĐ); 67 tổng công ty (TCT), trừ TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) đang tái cơ cấu; 17 Cty TNHH MTV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con; 492 DN độc lập thuộc các bộ ngành, địa phương.

Qua báo cáo tài chính của các DNNN, Bộ Tài chính đánh giá, năm 2016, các DNNN gặp không ít khó khăn, đặc biệt một số lĩnh vực như bất động sản, dầu khí (do giá dầu giảm sâu), nông sản. Tuy nhiên, đóng góp của DNNN vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đóng góp ngân sách, cung ứng dịch vụ công ích… vẫn đảm bảo. Dù vậy, theo Bộ Tài chính, các DNNN vẫn đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn từ việc triển khai các hợp đồng tập trung, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; nợ tồn đọng lớn, đặc biệt là xử lý các khoản tồn đọng về tài chính, thoái vốn khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp và tái cơ cấu.

Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế tại DNNN, như: Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; Nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn vẫn còn xảy ra. Tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng…

Cùng đó, cơ chế quản lý, giám sát và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN chưa thật rõ ràng và phù hợp. Nhiều DNNN chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, giám sát. Cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Tài sản, vốn tăng, nhưng hiệu quả giảm

Tổng tài sản của 583 DN 100% vốn nhà nước là hơn 3 triệu tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của các DN trên cũng đạt hơn 1,39 triệu tỷ đồng. Tuy nắm giữ số tài sản và vốn lớn như vậy, cùng nhiều lợi thế về kinh doanh, như thế độc quyền, được giao khai thác và chế biến khoáng sản, tài nguyên của đất nước, nhưng năm 2016 doanh thu của những DNNN trên lại giảm. Cụ thể, tổng doanh thu của 583 DN chỉ đạt hơn 1,51 triệu tỷ đồng (giảm 1% so với năm 2015), trong đó, doanh thu giảm mạnh nhất là từ 7 TĐ, với mức giảm 2%; 67 TCT giảm 1% (trong đó nhiều đơn vị giảm mạnh như TCT Sông Đà giảm 41%, TCT Xăng dầu Quân đội giảm 42%...).

Lợi nhuận trước thuế của các DNNN lớn cũng giảm tới 14% (chỉ đạt hơn 139,6 tỷ đồng). Trong đó, riêng 7 TĐ nhà nước lợi nhuận giảm tới 25%. Bộ Tài chính dẫn giải, riêng lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí (PVN) giảm tới 38% do giá dầu giảm và tăng tỷ lệ dầu trả cho đối tác trong liên danh Vietsovpetro. Trong khi đó, cùng năm Vinachem lỗ hơn 335 tỷ đồng do đầu tư vào 4 dự án đều lỗ, gồm: Đạm Ninh Bình, Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, DAP-Vinachem; DAP số 2-Vinachem (đây là 4 trong 12 dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương đang được xử lý).

Từ các con số trên, Bộ Tài chính tính toán, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 của 91 TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 10% (giảm 2% so với năm liền trước); tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân năm của khối DN này là 4,5% (giảm 1% so với năm 2015).

Tài sản, vốn tăng, nhưng doanh thu và lợi nhuận giảm nên số tiền nộp ngân sách nhà nước của các DNNN cũng giảm. Cụ thể, trong năm, các DN này đã nộp ngân sách 251.845 tỷ đồng (chiếm hơn 24,8% tổng thu ngân sách nhà nước), giảm tới 7% so với năm 2015. Trong đó, 7 TĐ dẫn đầu về giảm tiền đóng góp cho ngân sách, khi giảm tới 12%, TCT giảm 4%.

Nợ nần vẫn chồng chất

Năm 2016, tổng số nợ của các TĐ, TCT là hơn 1,53 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm liền trước (trong đó nợ nước ngoài 265.298 tỷ đồng). Với một số DN nợ lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN);  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Vinacomin nợ 100.729 tỷ đồng (công ty mẹ nợ 64.510 tỷ đồng); TCT Đầu tư và Phát triển Công nghiệp nợ 44.196 tỷ đồng (công ty mẹ nợ 33.898 tỷ đồng); TĐ Hóa chất nợ 37.471 tỷ đồng (Công ty mẹ: 8.500 tỷ đồng); VNPT nợ 25.848 tỷ đồng (công ty mẹ nợ 19.117 tỷ đồng)… Đáng chú ý, trường hợp của TCT Giấy Việt Nam có khoản nợ quá hạn 2.736 tỷ đồng đầu tư cho dự án Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam.

Nếu xét về làm ăn thua lỗ, lỗ lũy kế hợp nhất có 17 TĐ, TCT tới năm 2016 là hơn 12.504 tỷ đồng. Trong đó, TCT Hàng hải lỗ lũy kế lớn nhất với hơn 5.000 tỷ đồng, tiếp theo là TCT viễn thông toàn cầu Gtel lỗ hơn 3.900 tỷ đồng, TĐ Hóa chất lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, TCT Lương thực miền Nam hơn 976 tỷ đồng…

Một số DNNN có lỗ phát sinh lớn trong năm 2016, như TĐ Hóa chất lỗ phát sinh trong năm hơn 335 tỷ đồng (Cty mẹ của TĐ này lỗ hơn 650 tỷ đồng), TCT viễn thông toàn cầu Gtel lỗ hơn 949 tỷ đồng, TCT Lương thực miền Nam lỗ hơn 13,7 tỷ đồng…

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ bình quân của các TĐ, TCT hơn 1,2 lần. Trong đó có 18 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần (đặc biệt có đơn vị lớn hơn cả chục lần), như: TCT XNK Vạn Xuân hơn 39 lần, Cty Duyên Hải hơn 22 lần, TCT Xăng dầu Quân đội hơn 11 lần, TCT 319 hơn 9 lần, TCT Thái Sơn hơn 9 lần, TCT Đông Bắc hơn 7 lần…

Dù có số nợ lớn như vậy, nhưng các TĐ, TCT vẫn dành hơn 433.918 tỷ đồng đầu tư tài chính. Trong đó, có 267.521 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (tăng 10% so với năm 2015) và chiếm 9% tổng tài sản; có 166.397 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn (tăng 5% so với thực hiện năm 2015) và bằng 6% tổng tài sản các đơn vị.

Qua các chỉ số trên, Bộ Tài chính đánh giá, dù theo quy định, việc huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu, nhưng vẫn còn 18/91 TĐ, TCT có mức huy động vốn vượt quá mức trần cho phép.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, năm 2016, các tập đoàn, tổng công ty vẫn còn 334.481 tỷ đồng phải thu, tăng 3% so với thực hiện năm trước đó. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 15.914 tỷ đồng. Với các công ty mẹ, tổng nợ phải thu là 461.913 tỷ đồng, trong đó có 11.396 tỷ đồng khó đòi (tăng 10%). Ngoài ra, các DN này vẫn còn số hàng tồn kho 190.852 tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2015).

Theo Lê Hữu Việt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên