Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lo phá sản vì bị truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt
Nhóm các doanh nghiệp chuyên kinh doanh nhập khẩu ô tô tại Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng và Bộ Tài chính đề nghị xem xét lại lộ trình tính thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Bởi lẽ, việc đưa ra Thông tư sau Luật thuế TTĐB gấp rút khiến cho doanh nghiệp không kịp trở tay, bị động phương án kinh doanh.
- 09-05-2017Chủ tịch VCCI: Đã đến lúc thoái vốn, thoái sức Nhà nước, nhường nguồn lực phát triển kinh tế cho khu vực tư nhân
- 08-05-2017Vụ 20.000 viên thuốc ung thư bị tiêu huỷ vì thủ tục hành chính "nóng" trước thềm hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp
- 08-05-2017VCCI sẽ đề xuất 5 nhóm kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp tại hội nghị với Thủ tướng
Đây là kiến nghị đã được Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp lại gửi lên Thủ tướng nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 17/5.
Cụ thể, đại diện nhóm nhập khẩu ô tô tại Hà Nội cho biết với Luật số 106/2016/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016, trong đó Điều 2 Khoản 2 của Luật quy định việc áp dụng thuế TTĐB mới cho các loại xe có dung tích khác nhau, đối với xe có dung tích từ 3.0 trở lên sẽ khiến cho cách tính thuế TTĐB tăng từ 90 – 150%, áp dụng từ ngày 1/7/2016.
Tuy nhiên, phải đến ngày 1/7/2016 Chính phủ mới ban hành Nghị định 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về việc thi hành Luật. Nghị định này có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành. Muộn hơn nữa, 42 ngày sau, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn doanh nghiệp về cách tính TTĐB mới.
Nhóm doanh nghiệp cho biết, theo cách tính mới, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trước ngày 1/7/2016 nhưng xuất hoá đơn sau ngày 1/7/2016 sẽ phải tính thuế TTĐB theo Luật số 106 và các xe nhập khẩu có dung tích từ 3.0cm3 trở lên đã ban cho khách nếu xuất hoá đơn sau ngày 1/7/2016 sẽ bị áp thuế TTĐB mới tăng từ 9—150%.
Như vậy, các doanh nghiệp xuất hoá đơn bán hàng sau ngày 1/7/2016 phải nộp cộng thêm số tiền thuế TTĐB cho mỗi xe từ 200 triệu đến 2 tỷ tùy theo dung tích xi lanh. Thậm chí, có doanh nghiệp sẽ bị truy thu từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, do đa số cá doanh nghiệp ký hợp đồng bán xe cho khách trước ngày 1/7/2016 nhiều tháng, hoặc nhiều trường hợp hàng về nhưng không kịp làm thủ tục thông quan (có xe phải quy chuẩn về khí thải mất 2- 3 tháng).
Nhóm các doanh nghiệp cũng chỉ ra một trường hợp đặc biệt khác, theo đó, có trường hợp xe còn tồn từ năm 2015 đến nay không bán được nếu truy thu thuế sẽ dẫn đến nguy cơ làm doanh nghiệp mất vốn buộc phải phá sản hay giải thể.
“Nhiều trường hợp hàng đã bán không thể yêu cầu khách hàng trả thêm tiền thuế TTĐB mới. Thực tế, doanh nghiệp càng lớn thì khả năng bị phá sản càng cao”, nhóm doanh nghiệp cho biết.
Nhóm này cũng cho rằng họ rất hoang mang vì cách tính thuế và lộ trình tính thuế như hiện tại. Bởi lẽ, theo thông thường, khi một nghị định và thông tư ra đời, cần ít nhất 45 ngày để doanh nghiệp tính toán và chuẩn bị. Riêng với mặt hàng ô tô thời gian nhập khẩu (nhất là dòng xe xuất xứ từ Mỹ và châu Âu), thậm chí còn cần phải nhiều hơn, với ít nhất là 60 ngày để nhập khẩu.
Do đó, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô kiến nghị Chính phủ và Bộ tài chính xem xét lại vấn đề về lộ trình áp dụng Nghị định kèm thông tư hướng dẫn phải có thời gian tối thiểu là 45 ngày để kịp cho các doanh nghiệp có phương án kinh donah.
Bên cạnh đó, để doanh nghiệp không vướng vào tranh chấp với khách hàng, đồng thuận cao với các cơ quan quản lý, tránh phải chịu thiệt hại thậm chí bị giải thế, nhóm doanh nghiệp này đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét để cho phép doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mở tờ khai trước ngày 1/7/2016 vẫn được tính thuế TTĐB theo biểu thuế cũ sau khi xuất khoá đơn sau ngày 1/7/2016 và chỉ áp dụng thông tư 130 sau 45 ngày kể từ 1/7/2017.