MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Nhật Bản "hiến kế" để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho rằng nhiệm vụ cấp bách hiện nay của nền kinh tế 90 triệu dân là phải phát triển bằng được ngành công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế.

JCCI gần đây đã chia sẻ những quan điểm với Chính phủ Việt Nam về vấn đề phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo tổ chức này, để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế bền vững nhưng không rơi vào cái bẫy của các nước đang phát triển mà nhiều quốc gia đã mắc phải, việc thúc đẩy ngành công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế là nhiệm vụ cấp bách.

"Cần tăng cường kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp FDI thông qua những chính sách phù hợp với các khu vực trọng điểm", ông Koji Ito, Chủ tịch JCCI nói. Song hành với công việc này, ông Koji cho rằng cần tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế. Ông nhấn mạnh đây là việc làm hết sức cần thiết.

Chìa khoá cho sự đột phá được phía Nhật Bản đưa ra khá lý thuyết, bởi nó đã được nhắc đến rất nhiều lần từ các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước.

"Đương nhiên là vấn đề nâng cao năng lực khoa học, kỹ thuật sản xuất, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Việt Nam và yếu tố nền tảng là xây dựng chuỗi giá trị công nghiệp. Đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ để hướng tới tăng cường năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao tỷ lệ nội địa hoá", ông Koji cho biết.

Cụ thể hoá "lý thuyết" đột phá này, ông Koji cho biết trước mắt Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp Nhật cần mở rộng khuôn khổ hợp tác của "chương trình đào tạo kỹ thuật viên Việt Nam" và triển khai một cách chắc chắn việc đào tạo đội ngũ kỹ sư thiết kế, kỹ sư máy, nhân viên bảo dưỡng người Việt.

Tuy nhiên, để làm được điều này, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật gợi ý rằng cần phải nới lỏng quy định về điều kiện cấp visa cho người nước ngoài, mời các nhân viên kỹ thuật có tuổi nghề cao đến Việt Nam với tư cách là "người truyền kinh nghiệm" để đào tạo. "Đây là biện pháp rất hiệu quả", ông Koji nhận xét.

Bên cạnh đó, để đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao tính tự chủ trong khoa học, kỹ thuật sản xuất, ông Koji nhấn mạnh đến yếu tố thời gian. Và trong lúc chờ đợi kết quả, ông đề xuất đối với các lĩnh vực trọng điểm, cần tiến hành các chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ Nhật Bản và từ đó, sẽ bắt tay sản xuất tại Việt Nam cũng như nâng cao năng suất, đẩy nhanh đào tạo nhân lực.

Một điểm quan trọng khác, Chủ tịch JCCI cho biết hiện quy mô sản xuất sản phẩm cuối cùng vẫn còn nhỏ. Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra lời kêu gọi đầu tư với những chính sách ưu đãi như là những biện pháp có khả năng tìm kiếm lợi ích từ quy mô sản xuất đối với lĩnh vực đang trong tình trạng doanh nghiệp không thể nào đưa được ra quyết định đầu tư.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên