MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nhỏ và vừa như…“cá nằm trên thớt”

“Nạn công chức chèn ép doanh nghiệp (DN), người dân gần như ngày càng tăng… khiến DN nhỏ và vừa như “cá nằm trên thớt”. Có Hiệp hội, nhưng khi hội viên khác đứng ra bảo vệ cho hội viên yếu thế hơn, thì bị “đánh” tơi bời”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa tại hội thảo “Dự thảo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa- dưới góc nhìn của cộng đồng DN”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 11/7.

Theo ông Đệ, nhiều năm nay, do nhu cầu phát triển nóng, nhiều địa phương dành nhiều đặc quyền, đặc lợi cho DN lớn. “Một tay nâng đỡ DN lớn, nhưng tay kia kéo các DN nhỏ và vừa. Đó là chính sách không phù hợp, giữa một ông khổng lồ và một ông bủng bẻo. DN nhỏ và vừa, mà cũng được giao đất sạch, ưu đãi thuế… như DN lớn thì đã giàu to rồi”- ông Đệ nói.

Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hoá cũng cho rằng, một số địa phương có hiện tượng “bao thầu” cho các DN lớn, nên DN nhỏ và vừa “đói” và “đụng vào các anh này kinh lắm, vì có quan hệ từ T.Ư đến địa phương”.

“DN to, anh dùng vốn của anh thì chẳng sao, nhưng họ cũng ăn vào ngân sách. Đó là tiền thuế của người dân, của chúng tôi đóng lên, như dâng mâng xôi, mâm chè cho họ, rồi quay ra bóp chết DN nhỏ vì nguy hiểm”.

Ông Đệ cũng cho rằng, vấn đề công chức ở địa phương có xu hướng chèn ép DN ngày càng gia tăng. Dẫn câu chuyện bảo vệ hội viên khi khi bị Sở Xây dựng Thanh Hoá chậm cấp giấy phép xây dựng cho một DN địa phương, ông cho biết: “DN nhỏ và vừa chẳng khác gì “cá nằm trên thớt”. Có Hiệp hội, nhưng khi hội viên khác đứng ra bảo vệ cho hội viên yếu thế hơn, thì bị “đánh tơi bời”.

Theo ông Đệ, sau khi Hiệp hội DN Thanh Hoá có ý kiến về vấn đề trên với Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hoá, lập tức gần như ông bị “trả đũa”. “Nhiều anh em hội viên nói với tôi, anh mà còn bị đánh thì chúng tôi không biết thế nào. Không biết anh Giám đốc Sở Xây dựng có ai bao che mà hành xử như vậy”- ông Đệ chia sẻ.

Nói về tinh thần đồng hành với DN, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hoá cho rằng: “Chính phủ ở trên nói là vậy, nhưng xuống dưới địa phương lại khác. Tinh thần của Luật là thế, nhưng đội ngũ thực thi công chức không thay đổi, thì Luật chỉ là Luật mà thôi…Ở địa phương ông Giám đốc Sở to lắm, không thể ngồi với mấy anh DN được đâu. Quan ra quan, dân ra dân, đừng hòng có lẫn lộn mà đồng hành”.

Sau khi ông Đệ phản ánh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI sẽ thành lập một nhóm công tác về làm việc với Thanh Hoá vấn đề ông Đệ phản ánh, và báo cáo lên Thủ tướng.

Dứt khoát không để “xin -cho”

Nói về Dự thảo Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, ông Lộc cho rằng, thời gian qua Chính phủ cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN vừ và nhỏ, tuy nhiên các chương trình trên còn tản mạn, nguồn lực hạn chế, tính hỗ trợ chưa cao, ít có hiệu quả.

“Lần này, Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa ra đời sẽ tạo nên khung khổ pháp lý, là công cụ quan trọng, thúc đẩy sự hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Đây cũng sẽ là động lực để đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp như Chính phủ đã đề ra”- ông Lộc nói.

Theo Chủ tịch VCCI, xây dựng Luật DN nhỏ và vừa phải thúc đẩy được phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy DN có phát triển và kinh doanh bài bản hơn.

Về phương thức hỗ trợ, theo ông Lộc, cần hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hỗ trợ, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, dứt khoát không có cơ chế “xin-cho”.

Thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp tới DN, không đẻ thêm bộ phận chuyên trách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, như: Không quy định ngân hàng nào phải có chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa, mà ngân hàng nào cũng phải có chương trình này…

Tuy nhiên, theo nhiều DN, số DN nhỏ và vừa chiếm tới 98% số DN ở Việt Nam, nên cần nguồn lực rất lớn, nên các nhà làm luật phải tính toán “liệu cơm gắp mắm”. Đồng thời, nhiều DN cũng kiến nghị, rất sợ nghe từ “hỗ trợ”, vì khi đi “xin” được hỗ trợ, thì cũng mất số tiền gần bằng phần hỗ trợ rồi.

Theo Phạm Anh

Tiền phong

Trở lên trên