Doanh nghiệp nước ngoài mong đầu tư vào lĩnh vực điện
Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam bày tỏ mong muốn đầu tư vào phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo song lo ngại về giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo còn thấp của Việt Nam.
Cần mở đường cho các dự án năng lượng tái tạo
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 (VBF) với chủ đề Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển bền vững tổ chức ngày 26-6 ở Hà Nội, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nhấn mạnh cần sớm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng tăng so với nhu cầu về năng lượng điện .
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019
Điều này đòi hỏi cơ cấu giá tính đủ giá thành sản xuất, khuyến khích sử dụng hiệu quả cũng như cơ chế khai thác sản xuất điện tư nhân như năng lượng mặt trời trên mái nhà thông qua các hợp đồng mua bán điện trực tiếp hợp lý hơn. Để có được nguồn điện bền vững, Việt Nam cần phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo và tiếp tục nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện. "Các doanh nghiệp thành viên của AmCham là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này và mong muốn hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các mục tiêu về môi trường, y tế, an ninh kinh tế và địa chính trị trong quá trình phát triển năng lượng"- đại diện AmCham bày tỏ.
Ông Peter Rimmer, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) cho rằng hạ tầng lưới điện yếu cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng 12% khiến các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với thách thức lớn về năng lượng. Theo tổng sơ đồ điện hiện tại, tỉ trọng nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng từ 49% vào năm 2020 lên 53,2% vào năm 2030. Điều này sẽ làm gia tăng ô nhiễm, vấn đề nghiêm trọng hiện gặp phải tại nhiều thành phố lớn. Các lựa chọn về năng lượng tái tạo thay thế là hết sức tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, song song với đó, cần cân nhắc đến ưu đãi cho hiệu quả năng lượng và đầu tư từ khu vực tư nhân.
Các nhà đầu tư lo ngại về giá điện FiT (giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo) thấp của Việt Nam và khả năng thanh toán của các Hợp đồng mua bán điện. Các nhà sản xuất chỉ có thể bán cho nhà cung cấp điện độc quyền của nhà nước EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), đồng nghĩa với việc sẽ không nhận được bảo đảm của Chính phủ Việt Nam.
Để mở đường cho các dự án năng lượng tái tạo, Việt Nam cần điều chỉnh giá điện, điều tiết thị trường và cung cấp nhiều hơn các sản phẩm tài chính hỗn hợp cho khu vực tư nhân. BBGV ủng hộ sự chuyển đổi mô hình định giá điện dựa trên cơ chế định giá thị trường. Điều này cũng sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo việc làm - hệ thống truyền tải của các dự án năng lượng mặt trời đang chờ chính phủ phê duyệt và các sửa đổi tham vọng hơn trong tổng sơ đồ điện cũng sẽ xảy ra.
Gỡ vướng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng
Kiến nghị về vị trí cảng biển, sân bay
Theo đại diện AmCham, để duy trì tính bền vững, cơ sở hạ tầng cảng của Việt Nam phải đảm bảo cân bằng sao cho cảng biển và cảng hàng không nằm ở vị trí thuận tiện cho các khu vực dân cư nhưng không quá gần đến mức tạo ra áp lực giao thông ngày càng tăng do xu hướng đô thị hóa nhanh chóng.
Đại diện AmCham cho biết năm 2018, 76% nguồn vốn FDI vào Việt Nam tập trung ở 3 lĩnh vực: Chế tạo, bất động sản và bán lẻ. AmCham mong muốn nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ hỗ trợ nhiều hơn công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của Việt Nam.
Theo Báo cáo Triển vọng Hạ tầng Toàn cầu, Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỉ USD để đạt được các mục tiêu cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Trong khi nguồn ngân sách công chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển này thì trên toàn cầu, hàng ngàn tỉ USD vẫn đang tìm điểm đến cho các khoản đầu tư dài hạn và ổn định. Kết nối nguồn vốn đó với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ giúp tăng tốc độ lưu chuyển hàng hóa và hành khách, nâng cao năng suất, uy tín, từ đó tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
"Huy động nguồn vốn cần thiết cho cơ sở hạ tầng đòi hỏi sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, đổi lại họ sẽ nhận được tỷ suất lợi điều chỉnh theo mức độ rủi ro thị trường. Mặc dù các điều khoản đầu tư này có thể không hấp dẫn như nguồn vốn của các ngân hàng phát triển nhưng trong dài hạn, đây mới là nguồn phong phú và bền vững hơn cả. Các doanh nghiệp thành viên của AmCham hy vọng Chính phủ sẽ thiết lập cơ chế đầu tư theo hình thức Đối tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng"- đại diện AmCham cho biết.
Ông Nobufumi Miura, chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, nhấn mạnh hiện nay, vấn đề nợ công của Việt Nam đã được quản lý đến mức giới hạn cao nhất là 65% so với GDP, do đó, Việt Nam cần thúc đẩy việc đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng của các bên tư nhân. Tuy nhiên, những nhà đầu tư lại đang gặp phải những rủi ro cao trong mô hình PPP - Quan hệ đối tác công-tư hiện tại. Để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào các dự án PPP, Chính phủ cần làm rõ sự phân bố rủi ro giữa Chính phủ và các bên tư nhân, và hỗ trợ toàn diện cho bên tư nhân nhằm đảm bảo sự hoàn vốn hợp lý từ khoản đầu tư. "Chúng tôi tin rằng việc đẩy mạnh thực hiện PPP - Quan hệ đối tác công-tư sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại Việt Nam"- ông Nobufumi Miura khẳng định.
Người lao động