Doanh nghiệp ô tô 'bất ngờ' khi VAMA 'kêu cứu' Thủ tướng
Trong khi các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) gửi đơn kiến nghị xin Chính phủ và các Bộ ngành tháo gỡ khó khăn vì cho rằng Nghị định 116 có những quy định khắt khe thì nhiều doanh nghiệp nội địa lại ủng hộ.
- 15-08-2017Hai doanh nghiệp ô tô nợ thuế trên 757 tỉ đồng
- 14-08-2017Vì sao doanh nghiệp ô tô tháo chạy khỏi thị trường?
- 02-06-2017Doanh nghiệp ô tô Indonesia khuyên doanh nghiệp Việt Nam nên tự cứu lấy mình, đừng trông chờ người khác
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành xin được gặp để trình bày trực tiếp với Thủ tướng những vướng mắc cũng như các đề xuất liên quan đến Nghị định 116.
Trước đó, Nghị định 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) quy định các điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ôtô được Thủ tướng ký ban hành ngày 17/10 cũng đã “đóng cửa” với các doanh nghiệp kinh doanh ô tô đã qua sử dụng.
VAMA hiện có 17 doanh nghiệp (DN) thành viên. Trong đó, chiếm thị phần lớn nhất tính đến thời điểm này là Trường Hải (Thaco), Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam, Honda Việt Nam và GM Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi đa số các thành viên VAMA không đồng tình với Nghị định 116 thì Thaco lại cho rằng nghị định này giúp các DN trong nước và DN FDI cạnh tranh công bằng hơn, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo đơn kiến nghị của VAMA do Chủ tịch Toru Kinoshita ký, hoạt động kinh doanh của các thành viên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các quy định mới của Nghị định 116. Trước hết là yêu cầu: “Khi tiến hành kiểm tra, thử nghiệm, DN nhập khẩu ô tô phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng các giấy tờ sau: Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài”.
VAMA cho hay, Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia. Hay như ở một số nước khác, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp giấy này nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam. Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Cục Đăng kiểm Việt Nam) có thể sẽ không chấp thuận do sự khác biệt vì một số lý do như: vị trí người lái (tay lái bên trái/bên phải), tiêu chuẩn khí thải (ở các nước châu Âu hiện đã là Euro 6), hay các đặc điểm kỹ thuật khác giữa các xe bán ở các thị trường khác nhau.
Ngoài ra, VAMA rất lo ngại thời điểm Nghị định 116 có hiệu lực sẽ xảy ra trường hợp nhiều xe nhập khẩu của các thành viên nhập từ các quốc gia nêu trên đã được đặt hàng từ trước đó và vận chuyển về Việt Nam thì bị ùn tắc lại ở cảng.
VAMA kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho các nhà nhập khẩu thêm lựa chọn được làm thủ tục kiểm tra, thử nghiệm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công Việt Nam (HTC) tỏ ra khá bất ngờ trước phản ứng của các thành viên VAMA về Nghị định 116.
Ông Đức cho rằng, Nghị định không nhắc đến hay có sự phân biệt đối xử nào giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp vốn trong nước mà chỉ đề cập đến xe nhập khẩu (CBU) và xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD). Mục đích của nghị định là tạo sự công bằng giữa xe CBU và xe CKD, do đó yêu cầu cung cấp Giấy chứng nhận kiểu loại do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp đối với xe nhập khẩu CBU và thử nghiệm, chứng nhận theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các linh kiện, chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận và tổng thành của ô tô CKD là hợp lý.
“Đối với ô tô nhập khẩu, không thể thực hiện việc kiểm tra chất lượng đối với linh kiện lắp đặt trên xe giống như xe sản xuất, lắp ráp vì đó là chiếc xe hoàn chỉnh đã được nhập về Việt Nam, không thể tháo rời ra để kiểm tra, đánh giá chất lượng từng linh kiện được” – ông Đức phân tích.
Theo vị Tổng giám đốc HTC, nếu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia thì nhà sản xuất đó hoàn toàn có thể thông qua một đơn vị thẩm định khác tại nước ngoài có đầy đủ chức năng và năng lực để đánh giá và cung cấp giấy này.
Về thời gian thực hiện, Nghị định được ký ban hành và có hiệu lực từ 17/10/2017. Tuy nhiên, đối với các CBU sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết 31/12/2017, do đó các doanh nghiệp có đủ thời gian từ giờ đến hết tháng 12 để chủ động lên kế hoạch và có phương án xử lý các tồn đọng đối với xe CBU trong năm 2017.
Theo ông Bùi Kim Kha, Phó Chủ tịch VAMA, việc kiểm tra chất lượng từng lô xe CBU rất cần thiết. Ông Kha cho rằng nếu không làm thế sẽ không thể kiểm soát được chất lượng của các lô xe tiếp theo đó.
Cũng theo ông Kha, việc chạy thử xe sau khi sản xuất, lắp ráp cũng rất quan trọng, đảm bảo cho xe đạt chất lượng trước khi xuất xưởng. Ngoài ra, việc đầu tư làm đường thử mới hoặc mở rộng quy mô đường thử thể hiện việc gắn bó lâu dài của doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong tình hình thuế nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp sẽ hướng đến nhập khẩu nguyên chiếc hơn là chú trọng sản xuất, lắp ráp, ảnh hưởng đến công việc của người lao động, nguồn thu của ngân sách.
“Để có thời gian cho các DN trong nước chuẩn bị, Nghị định có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với DN đang hoạt động và áp dụng sau 18 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (áp dụng từ ngày 18/4/2019)”, ông Kha dẫn chứng.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cũng bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng cơ quan nhà nước đã "rất vất vả" xây dựng chính sách, nhưng Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) lại không ủng hộ.
Theo bà Hằng, trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã duy trì chính sách thuế bảo hộ ô tô rất cao, còn thuế nhập khẩu thì ngày một xuống thấp. Vì thế, nếu không đặt ra điều kiện về tỉ lệ nội địa hóa thì doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nguyên liệu, linh phụ kiện để hưởng ưu đãi thuế.
Thử nghiệm một mẫu xe tốn hơn 200 triệu đồng
Nghị định 116 quy định rất khắt khe về việc kiểm tra từng lô xe nhập khẩu, mỗi lô xe phải chọn 1 mẫu để kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật. “Việc thử nghiệm một mẫu xe có thể kéo dài tới 2 tháng và chi phí lên tới 10.000USD (tương đương hơn 200 triệu đồng) cho việc thử khí thải Euro 4, bao gồm: 3.000km chạy rà, chi phí thử nghiệm khí thải, báo cáo thử nghiệm, cấp chứng nhận. Trong thời gian này, các xe khác trong cùng lô xe nhập khẩu sẽ buộc phải lưu kho ở cảng, DN tốn thêm hàng trăm triệu đồng tiền phí thuê kho bãi” – đơn của VAMA phân tích.
Một yêu cầu khác cũng khiến các liên doanh lắp ráp này đau đầu, đó là: “DN sản xuất, lắp ráp ô tô phải có đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800m, với tối thiểu 400m đường thẳng trước ngày 17/4/2019”. Theo VAMA, hầu hết các thành viên của họ đã hoạt động tại Việt Nam hơn 20 năm. Với yêu cầu mới này, nhiều thành viên của họ sẽ phải đối mặt với khó khăn để tìm thêm đất và đầu tư cho việc xây dựng đường thử mới hay mở rộng đường thử.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, mục tiêu đề ra tỉ lệ nội địa hóa đối với công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2005 là 40%, 2010 là 60%. Thế nhưng, đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam (TMV) đạt 37% với riêng dòng xe Innova. Từ đầu năm 2017, hàng loạt hãng xe đã chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu nhiều dòng như: Ford Everest, Honda Civic, Mitsubishi Pajero Sport, Toyota Fortuner...
Tiền phong