MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ô tô nhỏ vẫn bất lợi

Để bảo đảm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô phải đánh đổi bằng một số quy định siết doanh nghiệp nhỏ.

Liên bộ Giao thông Vận tải - Công Thương vừa có Tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Nhiều điều kiện khó hơn

Theo cơ quan soạn thảo, bản dự thảo lần 2 của liên bộ đáp ứng được mục đích bảo vệ sức khỏe, quyền lợi và an toàn của người tiêu dùng, đồng thời gắn trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh đối với mỗi sản phẩm bán tới người tiêu dùng.


Doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ô tô vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn từ các quy định Ảnh: TẤN THẠNH

Doanh nghiệp nhỏ kinh doanh ô tô vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn từ các quy định Ảnh: TẤN THẠNH

Cụ thể, dự thảo quy định tất cả doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ô tô, kinh doanh ô tô nhập khẩu phải sở hữu hoặc thuê ít nhất một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đáp ứng đủ các điều kiện quy định, chậm nhất vào thời điểm 1-7-2020. Dự thảo cũng quy định các DN kinh doanh nhập khẩu ô tô phải có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi khi có thông báo từ nhà sản xuất. Việc khắc phục lỗi kỹ thuật phải theo đúng hướng dẫn và quy định của nhà sản xuất.

Cơ quan soạn thảo cho rằng dự thảo với những nội dung như trên nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và an toàn môi trường; bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm của các nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc bảo hành, triệu hồi sản phẩm bị lỗi kỹ thuật và thu hồi sản phẩm thải bỏ; thiết lập cơ chế hợp lý và có hiệu quả để hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng tham gia lưu thông trên thị trường.

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật hiện hành, ô tô các loại thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, có yêu cầu rất cao về chất lượng, an toàn cho người sử dụng cũng như cộng đồng khi tham gia lưu thông trên đường. Đồng thời, ô tô còn là tài sản có giá trị lớn đối với phần lớn người tiêu dùng tại Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm công nghệ cao, có cấu trúc phức tạp nên yêu cầu sử dụng, vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo hành ô tô phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà sản xuất.

"Trong trường hợp xe phát sinh các lỗi kỹ thuật, người tiêu dùng cần được bảo đảm quyền yêu cầu đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng triệu hồi để khắc phục lỗi. Tuy nhiên, quy định hiện hành của pháp luật chỉ mới nêu lên nguyên tắc chung về nghĩa vụ mà chưa có cơ chế, chế tài để bảo đảm thực hiện. Đây chính là lý do Chính phủ yêu cầu liên bộ Công Thương - Giao thông Vận tải nghiên cứu và sớm trình dự thảo nghị định này" - cơ quan soạn thảo lý giải.

Dễ gây lãng phí

Giải trình của cơ quan soạn thảo cũng cho thấy một mục tiêu nữa của dự thảo là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế các hành vi gian lận thương mại, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh. "Mục tiêu là khuyến khích các DN đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô nội địa, hướng tới mục tiêu nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ô tô phù hợp với mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa đặt ra trong chiến lược, quy hoạch ngành công nghiệp ô tô" - cơ quan soạn thảo cho biết.

Thực tế, theo một DN nhập khẩu ô tô chính hãng, việc dùng các biện pháp khuyến khích tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ô tô nội địa là rất cần thiết. Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nhấn mạnh cần nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho nền công nghiệp ô tô trong nước phát triển nhằm phục vụ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Song, chính sách xuyên suốt nhằm thúc đẩy ngành sản xuất nội địa lại phải "đánh đổi" bằng việc thu hẹp hơn các quyền kinh doanh của DN nhỏ, DN nhập khẩu không chính hãng. Các quy định tốn nhiều giấy mực tranh cãi giữa 2 "phe" DN lớn và DN nhỏ thời gian qua vẫn cơ bản được giữ nguyên trong bản dự thảo mới nhất.

Một DN nhập khẩu ô tô nguyên chiếc không chính hãng cho biết thông thường, các đại lý bán xe nhập khẩu đã được ủy quyền làm dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng. Do đó, DN trực tiếp nhập khẩu không cần thiết phải sở hữu hoặc thuê một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. "Chi phí đầu tư một cửa hàng trưng bày xe cộng với sở hữu một cơ sở bảo hành bảo dưỡng khoảng 20-50 tỉ đồng. Các DN quy mô nhỏ, DN nhập xe không chính hãng không đủ tiềm lực để làm và có cố làm thì cũng đối mặt với rủi ro" - DN này nhận định.

Một DN nhập khẩu khác nhận định việc quy định về bảo hành, bảo dưỡng là rất cần thiết nhưng quy định hiện hành đã cho phép các DN liên kết với nhau để đầu tư, cho thuê lại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Như vậy, việc quy định từng DN nhập xe phải sở hữu hoặc thuê riêng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng là lãng phí, không cần thiết. Nhất là các DN này thường có doanh số không lớn, nhiều lắm chỉ đạt vài trăm xe mỗi năm thì chắc chắn không hiệu quả khi đầu tư.

Bên cạnh đó, quy định về thực hiện trách nhiệm triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi khi có thông báo từ nhà sản xuất được xem là nhằm bảo đảm quyền lợi cao nhất cho khách hàng nhưng lại "làm khó" DN. "DN nhập khẩu qua trung gian thường không có mối liên hệ với chính hãng nên việc thông báo với Bộ Công Thương và khắc phục lỗi theo hướng dẫn của nhà sản xuất là khó thực hiện được" - đại diện DN nhập khẩu này phân tích.

Như vậy, việc hài hòa các mục tiêu bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh thông thoáng cho DN tiếp tục là bài toán khó, cần xem xét lại.

Theo Thùy Dương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên