MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn và câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

04-10-2023 - 15:10 PM | Doanh nghiệp

“Chính bà con nông dân là người mang lại kết quả sản xuất tư nhân cho chúng tôi và chúng tôi cũng phải suy nghĩ phục vụ lại bà con ngày một tốt hơn. Đây mới là một mối quan hệ hữu cơ bền vững”, ông Ngô Văn Đông - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền - chia sẻ.

Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn và câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 1.

Đứng trên mảnh ruộng vàng ươm mùa lúa chín, anh Bùi Văn Ra (ngụ tại ấp Phước Cường, xã Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) vui mừng khi cây lúa của mình trĩu hạt, ra thêm nhiều nhánh mới. Lượng giống, phân bón rải ít hơn, nhưng lúa vẫn đứng vững, khỏe mạnh, năng suất vượt hơn mọi năm. Trước đây, mỗi nhánh lúa trên cánh đồng của người nông dân này chỉ cho ra 3-4 hạt.

Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn và câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 2.

Đó là kết quả của chương trình Canh tác lúa thông minh, được khởi xướng bởi công ty Cổ phần (CTCP) phân bón Bình Điền từ vụ hè thu 2016. Dự án nhận được sự phối hợp từ Trung tâm khuyến nông Quốc gia và trung tâm khuyến nông 13 tỉnh thành dễ bị tác động bởi xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giúp xây dựng và và chuyển giao quy trình canh tác lúa phù hợp, hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quy trình canh tác này được phát triển trên nền kỹ thuật “1 phải, 6 giảm”. Trong đó, “1 phải” là sử dụng giống xác nhận, còn “6 giảm” bao gồm: giảm bón thừa phân đạm, giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm phát thải khí nhà kính. Điểm đặc biệt trong quá trình canh tác ở mô hình là khuyến cáo nông dân nên sạ thưa với lượng giống từ 80 đến 120 kg/ha. Trong khi trước đây, theo tập quán cũ, bà con sử dụng lượng giống khoảng 150-200 kg/ha.

Tổng chi phí chương trình đã thực hiện khoảng 15 tỷ đồng, bình quân trong 7 vụ lúa (từ 2016 - 2022) khoảng 2 tỷ đồng/vụ và xây dựng chương trình tại Kiên Giang năm 2019 khoảng 1 tỷ đồng.

Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn và câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 3.

Sau 8 năm, với các biện pháp công trình và phi công trình, chương trình đã đạt được những thành công nhất định: 200-870 kg/ha tăng năng suất, 3,1-5,8 triệu đồng/ha tăng lợi nhuận, 1-1,5 triệu đồng giảm chi phí (tất cả so với đối chứng bình quân).

Thành công này đạt được nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 yếu tố Doanh nghiệp - Nông dân - Nhà nước. Trong đó, người nông dân là yếu tố tiên quyết. “Đây là mối quan hệ hữu cơ và bền vững trong hoạt động kinh doanh nông nghiệp”, ông Ngô Văn Đông - TGĐ CTCP Phân bón Bình Điền - nhận xét. Tuy nhiên, theo ông Đông, việc xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân là chuyện không dễ dàng. Đặc biệt hơn khi Bình Điền lại là một đơn vị cung cấp phân bón cho hoạt động nông nghiệp.

“Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn thì làm sao mà có lợi nhuận?” Đó là câu hỏi mà ông Đông nhận được kể từ khi bắt đầu chương trình Canh tác lúa thông minh.

“Tôi và những thành viên trong dự án lại nghĩ khác. Lợi nhuận hình thành từ liên kết hộ nông dân - doanh nghiệp, liên kết càng bền vững thì việc kinh doanh càng hiệu quả. Chính bà con nông dân là người mang lại kết quả sản xuất tư nhân cho chúng tôi và chúng tôi cũng phải suy nghĩ phục vụ lại bà con nông dân ngày một tốt hơn”, ông Đông chia sẻ.

Giám đốc, kỹ sư xắn quần đi ra ruộng, giúp nông dân trở thành chuyên gia về nông nghiệp

“Cái khó là làm người nông dân tin vào tính khả thi và hiệu quả kinh tế của dự án, từ đó chuyển đổi mô hình canh tác, bởi nông nghiệp là một ngành mang tính truyền thống khá cao”, ông Đông chia sẻ.

Chính vì thế, không ngồi bàn giấy để đề ra quy trình, từ tổng giám đốc, kỹ sư dự án cho đến nhân viên phòng ban đều bước ra đồng cùng nông dân. Những ngày cùng bà con ngồi trên ghe đi xuyên kênh, rạch để thăm ruộng đã giúp nhóm thực hiện dự án hiểu hơn về tình hình sản xuất nông nghiệp cũng như là tâm tư của người làm ra hạt gạo.

Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn và câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 4.

Ngoài ra, bằng cách phối hợp với những người có tiếng nói sát với nhà nông nhất như các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường, viện, Bình Điền từng bước tháo gỡ khoảng cách giữa người nông dân và doanh nghiệp. Công ty đưa ra cam kết, sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm với nông dân khi họ chấp thuận tham gia dự án.

Theo ông Đông, đối với những phương thức canh tác mới thì các chính sách hỗ trợ ưu đãi, cam kết là điều kiện để nông dân mạnh dạn hơn trong việc áp dụng. Vì những khoản hỗ trợ đó sẽ phần nào bù đắp được những rủi ro trong quá trình chuyển đổi.

“Trong quá trình làm việc với nông dân, tôi nhận ra bà con mình rất đam mê đồng ruộng. Đó cũng là động lực để Bình Điền tiếp tục dự án Canh tác lúa thông minh”, ông Đông chia sẻ.

Bằng sự kiên trì, tinh thần cam kết, chịu trách nhiệm, Bình Điền dần tạo ra một cộng đồng mà trong đó người nông dân trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hình ảnh người nông dân ngồi ở nhà cầm trên tay một chiếc smartphone, lên ứng dụng để theo dõi mực nước, độ mặn, các yếu tố môi trường bất lợi cho đồng ruộng, trở nên quen thuộc ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia dự án. Việc tích hợp KH&CN vào quá trình canh tác giúp người nông dân tiết kiệm thời gian ra đồng và luôn chủ động được thời điểm thích hợp để bơm nước vào ruộng, đặc biệt giúp tránh bơm nhầm nước mặn vào như trước đây.

Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn và câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 5.

Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn và câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 6.

Bình Điền đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) vào canh tác lúa tại các vùng đất phèn mặn nhằm nâng cao giá trị và lợi nhuận cho người sản xuất, góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các yếu tố môi trường nước như: độ mặn, pH...

Còn trên cánh đồng, các thiết bị đo cảm biến canh tác ướt - khô xen kẽ sẽ giúp người dân tự động giám sát bề mặt ruộng. Khi nước trong ruộng cao, nông dân có thể chủ động bơm tát tháo nước ra bên ngoài và ngược lại.

Bên cạnh đó, chương trình đã thực hiện nhiều chương trình để tăng hiệu quả đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân: tập huấn cán bộ kỹ thuật, nông dân đầu vụ; thăm đồng trong vụ kết hợp tư vấn trên đồng; tổ chức hội thảo tổng kết cuối vụ.

Ngoài ra, dự án còn có các video về kỹ thuật canh tác từ các vấn đề chủ yếu trong canh tác lúa thực tế, tổ chức cho nông dân tham quan, học tập các mô hình canh tác nông nghiệp Phillippine và Thái Lan đồng thời tập huấn, đào tạo cán bộ kỹ thuật tỉnh.

Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn và câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 7.

“Đặt lợi ích của nông dân lên trên lợi ích doanh nghiệp”

Theo Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, ĐBSCL là 1 trong 3 vùng châu thổ được xếp trong nhóm cực kỳ nguy cấp do diễn biến khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô và mưa bão. Vào đỉnh điểm mùa khô năm 2016, ĐBSCL bị thiệt hại gần 250.000 ha lúa (số liệu được công bố bởi Viện kinh tế nông nghiệp – Bộ kế hoạch và đầu tư). Đây cũng là lần đầu tiên nước mặn xâm nhập các cửa sông Cửu Long vào sâu trong đất liền, có nơi đến 80 km.

Ngày 14/12/2020, theo Báo cáo Kinh tế thường niên đầu tiên về Đồng bằng sông Cửu Long do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Trường chính sách công và quản lý Fulbright thực hiện, số dân miền Tây đến TP. HCM, Đông Nam Bộ... trong giai đoạn 2009-2019 là hơn 1,3 triệu người. ĐBSCL cũng là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư cao nhất.

Về kinh tế, ĐBSCL đang gánh vác sứ mệnh an ninh lương thực. Vùng đồng bằng lớn nhất cả nước có diện tích canh tác trên 3,8 triệu ha, hàng năm cung ứng trên 50% sản lượng gạo cả nước và hơn 90% sản lượng lúa xuất khẩu.

Thực tế trên cho thấy sinh kế của 17 triệu dân vùng ĐBSCL đang bấp bênh. “Nông nghiệp ở vùng này nên thay đổi để ‘thuận thiên’ chứ không ngăn chặn hoàn toàn được”, ông Ngô Văn Đông chia sẻ.

Thời điểm đó, Chính phủ và các cơ quan ban ngành đã thực hiện nhiều giải pháp: Xây dựng công trình ngăn nước mặn, trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất. Đồng thời, nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn để cung cấp các giải pháp về kỹ thuật canh tác trong các điều kiện bất lợi được tổ chức. Trực tiếp nằm trong hệ sinh thái nông nghiệp, CTCP Bình Điền cũng góp sức vào công cuộc tìm ra giải pháp giúp bà con ở ĐBSCL chủ động thích ứng với các vấn đề biến đổi khí hậu.

Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn và câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 8.

“Sau mỗi vụ làm sơ kết, tổng kết, thì cảm xúc của anh em trong dự án Canh tác lúa thông minh lại dâng trào vì sung sướng. Từ lúc làm mô hình đến giờ, với cơ sở khoa học và tinh thần làm việc nghiêm túc, năng suất trên cánh đồng luôn tăng chứ chưa giảm so với đối chứng ban đầu. Chúng tôi biết được quy trình canh tác của Bình Điền đang được bà con nông dân ứng dụng tốt trên đồng ruộng, mang lại hiệu quả kinh tế và cải thiện đời sống của họ trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng”.

Gần đây nhất, ở vụ Đông - Xuân 2021 - 2022 và vụ Hè - Thu 2022, chương trình Canh tác lúa thông minh của Bình Điền giúp nông dân giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận khoảng 300 kg thóc/ha/vụ, lợi nhuận tăng 5,3 triệu đồng/ha. Với hiệu quả mang lại, tháng 3/2023, Bộ NN&PTNT đã công nhận quy trình canh tác lúa thông minh là đây tiến bộ kỹ thuật và khuyến cáo sử dụng cho vùng lúa ĐBSCL. Chương trình cũng được Bộ đưa vào đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh tại ĐBSCL.

Theo ông Đông, Canh tác lúa thông minh là một chương trình mở, trong đó Bình Điền chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Vì thế, công ty luôn mong muốn có nhiều doanh nghiệp vào cuộc để phát triển, cải tiến và chia sẻ để quy trình được áp dụng trên diện rộng vì mục tiêu chung hướng đến bà con nông dân.

Hiện doanh nghiệp đang có kế hoạch nhân rộng mô hình trên diện tích 4 triệu ha lúa tại vùng ĐBSCL và các vùng canh tác lúa khác tại khu vực Miền Đông, Cao nguyên, Miền Trung, các tỉnh phía Bắc và các nước lân cận trong hệ thống sông Mekong. Năm 2023, Bình Điền cũng đã lần đầu triển khai chương trình canh tác lúa thông minh tại đất nước Campuchia, giúp nông dân tăng năng suất khoảng 1 tấn/ha.

“Đối với Bình Điền, xây dựng được chất lượng sản phẩm và quy trình canh tác tốt là trách nhiệm xã hội lớn nhất. Chúng tôi muốn cùng nông dân tạo nên mối quan hệ hữu cơ, cùng nhau phát triển. Tôi nghĩ đó là lợi ích tốt nhất cho bà con nông dân và doanh nghiệp”, ông Ngô Văn Đông chia sẻ.

"Giải thưởng thành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do báo Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.

Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.

Rất mong giải thưởng có thể nhận thêm nhiều sự quan tâm cũng như đóng góp của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

Doanh nghiệp phân bón khuyến cáo nông dân bón ít hơn và câu chuyện phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Ảnh 10.

Theo Phùng Tiên

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên