MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp quân đội làm kinh tế chỉ là “gen” bổ sung, “gen” trội là bảo vệ

Phát ngôn gần đây của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm khẳng định chủ trương quân đội sẽ không làm kinh tế để tập trung vào phát triển nền quốc phòng chuyên nghiệp và hiện đại đã nhận được sự ủng hộ lớn từ dư luận.

Tuy nhiên, tham dự buổi Tọa đàm “Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài” tổ chức mới đây tại Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định: “Việc này cần phải nói rõ bởi có một số người nhận thức không đầy đủ”. Vậy nên hiểu thế nào cho đúng?

Cần công bố DN quân đội đã làm được gì

Khẳng định quan hệ kinh tế - quốc phòng đã có trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp 2013, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, về lý luận, chúng ta luôn gắn nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước là một. Đây có thể coi là con chim có hai cánh, một cánh là xây dựng phát triển, một cánh là bảo vệ. Hai mặt đó bổ sung cho nhau.

Hiện nay đang thời kỳ hòa bình, xây dựng phát triển trở thành trung tâm, nhưng vẫn bên cạnh còn có bảo vệ. Với tinh thần như vậy Đảng đã có quan niệm đưa quan hệ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế vào hai văn kiện có ý nghĩa chiến lược, một là cương lĩnh của Đảng nêu “kết hợp chặt chẽ cương lĩnh với quốc phòng an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trên từng địa bàn”; hai là điều 68 của Hiến pháp năm 2013 nêu: “Kết hợp quốc phòng an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng an ninh”.

Theo tôi có 4 mục tiêu mà quân đội sản xuất làm kinh tế: Đầu tiên là gia tăng sức mạnh bản thân quân đội, đặc biệt là gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; tiếp theo là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, trong đó có nền kinh tế quốc phòng để từ đó xây dựng nền công nghiệp quốc phòng không phụ thuộc vào bên ngoài; thứ ba là góp phần tận dụng tiềm lực tiềm năng của đất nước về mọi mặt, ở đó bao gồm tiềm năng con người, tiềm năng vật chất và tiềm năng trí tuệ; cuối cùng là từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam thông qua nền công nghiệp - kinh tế quốc phòng.

Tuy nhiên, phải xác định rõ, làm kinh tế chỉ là “gen” bổ sung, “gen” trội vẫn là phải là bảo vệ. Đồng thời doanh nghiệp (DN) quân đội phải xác định sản xuất là chính, kinh doanh hạn chế hơn; và xác định ý thức chính trị phải đề cao hơn lợi ích kinh tế. Một điều đặc biệt quan trọng là quân đội phải gánh vác những nhiệm vụ chính trị xã hội mà các DN dân sự không thể làm được.

Ngoài ra, do tính đa dạng của quân đội nên không thể áp dụng cơ chế thị trường một cách thuần khiết trong hoạt động kinh tế của quân đội vì có những đặc thù, nếu áp dụng nguyên si của dân sự sẽ dễ dẫn tới hiểu lầm không đúng bản chất. Quân đội cũng phải đấu tranh chống tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh tế một cách mạnh mẽ, dữ dội hơn DN dân sự nhiều lần vì tai tiếng của quân đội có thể làm mâu thuẫn nội bộ và ảnh hưởng tới an nguy quốc gia. Cuối cùng, quân đội làm kinh tế phải góp phần hội nhập kinh tế quốc tế.

Quân đội có thể làm kinh tế theo một số hình thức như hoàn toàn một lĩnh vực chỉ có quân đội được làm. Ví dụ như sản xuất vũ khí, khí tài quân sự... Nhưng hiệu quả hơn cả là hình thức lưỡng dụng, sử dụng thành tựu công nghệ của quân đội mang tới áp dụng cho lĩnh vực quân sự, ngược lại, chọn lọc ưu điểm công nghệ dân sự để ứng dụng vào công nghệ quân sự. Làm được như vậy thì sức mạnh tăng lên rất nhiều.

Thực tế, hình thức lưỡng dụng này được áp dụng khá phổ biến trên thế giới. Quân đội cũng có thể liên doanh, liên kết với dân dụng, sử dụng nguồn nhân lực, tài lực của lĩnh vực quốc phòng vào sản xuất, nhưng khi đã ra khỏi phạm vi quốc phòng thì phải tuân theo quy luật của thị trường dân sự. Thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội quốc phòng ở khu vực vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, quân đội nên cân nhắc đấu thầu, đặt hàng chứ không dứt khoát phải sản xuất, ví dụ như quân lương, quân nhu...

“Việc cần làm trước mắt cần phải để dư luận hiểu rõ, hiểu chính xác chủ trương DN quân đội thôi làm kinh tế thì chí ít cần một văn bản như Nghị quyết của Bộ Chính trị được công khai để tạo sự đồng thuận. Thứ hai, Bộ Quốc phòng cần công bố tổng kết sau thời gian đổi mới thì DN quân đội đã làm được gì, cái gì hay cái gì dở, và cái gì cần thay đổi.

Thứ ba, khi Nhà nước thông qua chủ trương này thì cần phải xây dựng một bộ thể chế riêng cho công nghiệp quốc phòng vì tính đặc thù cần sự linh hoạt trong hoạt động. Cuối cùng nên tuyên truyền mở rộng, để chấn chỉnh lại những hiểu biết hoặc suy luận không chính xác hiện nay”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.

Các minh chứng hiệu quả của sự kết hợp kinh tế - quốc phòng

Đại tá Tạ Vĩnh Cát - Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế quốc phòng 799 (Quân khu 1) đóng quân tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng khẳng định: “Đoàn Kinh tế quốc phòng 799 đặc biệt coi trọng công tác dân vận, cùng phối hợp xây dựng cơ sở chính trị tại địa bàn. Ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh tế, Đoàn góp phần tích cực đảm bảo trật tự xã hội, củng cố thế trận an ninh quốc phòng và sẵn sàng chiến dấu bảo vệ tổ quốc khi có tình huống khẩn cấp xảy ra”.

Đại tá Cát tự hào: “Sự có mặt của những người lính làm kinh tế đã làm thay da đổi thịt nhiều vùng đất biên giới ở Bảo Lạc. Tại đây, Đoàn đã đầu tư xây dựng được 9 công trìn thủy lợi với tổng chiều dài hơn 15km kênh mương, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hàng trăm hécta ruộng lúa của đồng bào.

Ngoài việc định hướng sản xuất, Đoàn còn giúp bà con về cây, con giống; hỗ trợ đồng bào khai hoang và đã cải tạo được 580 hécta đất canh tác giúp bà con nâng cao sản lượng, chất lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài ra, Đoàn đã xây dựng được 8 bản biên giới, giúp người dân di dân ra sát biên giới và ổn định sinh sống cho hơn 900 hộ gia đình...”.

Không thể kể hết những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ kinh tế của Đoàn, Đại tá Cát chỉ điểm qua vài việc như xây dựng các điểm trường nội trú thay thế lớp học tạm bợ bằng tranh tre, để làm được điều đó, chiến sĩ của Đoàn đã phải nghiền đá núi thành vụn nhỏ, sau đó tiếp tục đóng thành gạch ba-banh; rồi để có nước cho bà con, dù khoảng cách từ nguồn nước tới nơi sinh sống chỉ cách nhau có 15km, nhưng mỗi ngày cũng chỉ có thể chuyển được 2 chuyến, chuyến đi là tờ mờ sáng và chuyến về đã mịt mù tối... đủ để thấy được nhiệm vụ chính trị nặng nề của chiến sĩ kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên, trong báo cáo mới nhất đánh giá về hiệu quả làm kinh tế của các DN quân đội của Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng đã tổng kết: Chỉ tính riêng năm 2016, tổng doanh thu của các DN Quân đội đạt gần 350 nghìn tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 43 nghìn tỉ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 40 nghìn tỉ đồng. Các DN Quân đội đã và đang khẳng định rõ vị thế trong nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Nhóm PV

Lao động

Trở lên trên