MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp sở hữu đội tàu container hàng đầu Việt Nam: Chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container toàn quốc

Doanh nghiệp sở hữu đội tàu container hàng đầu Việt Nam: Chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container toàn quốc

Bên cạnh hoạt động tự khai thác tàu, công ty còn tiến hành thực hiện cho thuê tàu nhằm tận dụng giá cho thuê tăng mạnh và tối thiểu những tác động từ việc chi phí nhiên liệu neo cao trong giai đoạn 2021 - 2022.

CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An - HAH là doanh nghiệp sở hữu đội tàu container hàng đầu Việt Nam. HAH tiền thân là Công ty TNHH Vận tải và Xếp dỡ Hải An được thành lập vào năm 2009 bởi 5 đơn vị là CTCP Hàng hải Hà Nội, CTCP Cung ứng và Dịch vụ kỹ thuật Hàng hải, CTCP Hải Minh, CTCP Đóng tàu Hải An và CTCP Đầu tư và Vận tải Hải Hà.

HAH hiện đang hoạt động với 3 công ty con tại những lĩnh vực chính liên quan tới khai thác container bao gồm: Khai thác cảng, vận tải hàng hóa đường thủy và kho bãi container.

Từ năm 2014, HAH đã mua tàu container đầu tiên, bắt đầu quá trình phát triển đội tàu chuyên chở container. Đến thời điểm hiện tại, cơ cấu doanh thu HAH có đóng góp lớn nhất từ hoạt động khai thác tàu đạt mức 85,5%, tỷ trọng doanh thu hoạt động khai thác cảng đang có xu hướng giảm dần còn 6,7% và doanh thu hoạt động khác là 7,9%.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2018- 2022, HAH đã nhanh chóng mở rộng quy mô đội tàu với tổng cộng 8 tàu và từ đó vươn lên trở thành doanh nghiệp có quy mô đội tàu container lớn nhất tại Việt Nam.

Tính tới cuối năm 2022, tổng cộng đội tàu container của công ty là 11 tàu với độ tuổi trung bình là 16,3 năm, tổng sức chở đạt gần 16.000 TEU – chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container tại Việt Nam.

Doanh nghiệp sở hữu đội tàu container hàng đầu Việt Nam: Chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container toàn quốc - Ảnh 1.

Sở hữu đội tàu trẻ và quá trình vươn ra quốc tế của Hải An

Việc sở hữu quy mô đội tàu hàng đầu và có độ tuổi trẻ sẽ giúp HAH đảm bảo duy trì cung cấp lịch tàu ổn định hàng tuần, đa dạng các điểm đón và trả hàng với các khách hàng lớn. Hiện nay, HAH đang làm đại lý tại Việt Nam cho hãng tàu SM Line của Hàn Quốc. Ngoài ra, công ty còn duy trì vận chuyển hàng hóa và dịch vụ bốc xếp với các hãng tàu đáng chú ý như Ocean Network Express, Pendulum Express Lines, Cosco Shipping Lines hay công ty TNHH Hapag-Loyd Việt Nam.

Ngoài ra, công ty còn có khả năng cân đối nguồn hàng, giảm thiểu chi phí và tránh được bối cảnh dư cung tàu khi HAH có thể linh hoạt đội tàu giữa hai hình thức cho thuê định hạn và tự khai thác. Cụ thể, khi triển vọng sản lượng hàng hóa thấp, công ty có thể thực hiện cho thuê đội tàu hoạt động tại các khu vực khác. Từ đó, doanh nghiệp có thể xem xét tình hình hoạt động của đội tàu đó trước khi đưa ra quyết định mở rộng các tuyến vận tải mới và tự đưa vào vận hành.

Đội tàu trẻ sẽ giúp HAH còn nhiều dư địa và tiềm năng tăng trưởng khi thị trường XNK hồi phục trở lại. Cùng với đó, việc liên tục đầu tư thêm tàu mới sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu của vận tải Hải An tại thị trường Việt Nam.

Doanh nghiệp sở hữu đội tàu container hàng đầu Việt Nam: Chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container toàn quốc - Ảnh 2.

Hiện nay đội tàu HAH hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải chính trên thị trường nội địa Việt Nam chủ yếu hoạt động trên tuyến Hải Phòng – Đà Nẵng – Hồ Chí Minh với tần suất 2-3 chuyến/tuần mỗi tàu tại các cảng như: Cảng Hải An tại Hải Phòng, cảng Tiên Sa tại Đà Nẵng, cảng Chân Mây tại Thừa Thiên – Huế, cảng Container quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

Thời gian gần đây, công ty bắt đầu vươn ra thị trường nội Á. Giai đoạn nửa đầu năm 2022, HAH đã khai trương 2 tuyến vận tải container nội Á: Hải Phòng – HongKong – Nansha – Hải Phòng và Hải Phòng – Khâm Châu. Hiện nay, Hải An đang chạy 3 - 4 chuyến quốc tế/tuần trên tuyến nội Á khai thác trực tiếp tới Trung Quốc. Thêm vào đó, Hải An còn tham gia dự án liên doanh Zim – Hải An hợp tác với hãng tàu Zim và đã thực hiện khai trương tuyến vận tải container Việt Nam – Malaysia vào đầu tháng 3/2023.

Vào đầu tháng 3/2023, liên doanh chính thức khai trương tuyến Hải Phòng – Hồ Chí Minh – Port Kelang – Hồ Chí Minh – Hải Phòng bằng tàu vận tải container chạy thẳng đầu tiên – HaiAn Link có sức chở 1.100 TEU.

Việc mở thêm các tuyến vận tải mới sẽ góp phần từng bước nâng cao thị phần và năng lực vận tải container trong khu vực đồng thời đưa danh tiếng của HAH phổ biến hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động trên thị trường nội Á cũng như chưa có tệp khách hàng nhất định, HAH đang hoạt động vận tải quốc tế với mức giá cước thấp hơn trên thị trường nhằm thu hút khách hàng.

Doanh nghiệp sở hữu đội tàu container hàng đầu Việt Nam: Chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container toàn quốc - Ảnh 3.

Bên cạnh hoạt động tự khai thác tàu, HAH còn tiến hành thực hiện cho thuê tàu nhằm tận dụng giá cho thuê tăng mạnh và tối thiểu những tác động từ việc chi phí nhiên liệu neo cao trong giai đoạn 2021 - 2022. Giá cho thuê đạt đỉnh dành cho tàu có công suất 1.700 TEU trong giai đoạn này lên tới 30.000 USD/ngày. Do các hợp đồng của HAH thường được ký trong 6 - 12 tháng, việc có những hợp đồng dài hạn từ cuối năm 2022 sẽ giúp Hải An đảm bảo được doanh thu cho nửa đầu năm 2023 bất chấp các biến động về giá cước.

Mức giá cho thuê tàu trung bình toàn ngành hiện cho tàu cỡ 1.100 TEU là 10.000 USD/ngày và tàu 1.700 TEU là 13.000 USD/ngày. Mức giá trên thấp hơn một nửa so với 2 hợp đồng cho thuê Anbien Bay và HaiAn East kết thúc vào cuối năm 2023 là 30.000 USD/ngày.

Tính đến tháng 8/2023, HAH đang duy trì tự vận hành 7 tàu hoat động chủ yếu trên các tuyến nội địa và các tuyến nội Á. Còn lại 4 tàu cho thuê định hạn bao gồm HaiAn Mind, Anbien Bay, HaiAn East và HaiAn West.

Với ước tính trên khoản đầu tư 1 tàu 1.700 TEU với tỷ lệ chi phí vốn tự có 40% và vốn vay 60%. Với mức giá cước cho thuê trong năm 2023 dao động trung bình tại 13.500 USD/ngày và lãi suất là 8,5%/năm ở thời điểm hiện tại, ROE của riêng hoạt động cho thuê trong giai đoạn này đạt 23,9%. Với giả định lãi suất tiếp tục giảm và giá cước cho thuê được cải thiện vào giai đoạn cuối năm 2023, ROE của hoạt động cho thuê định hạn có thể đạt 31,0% trong 2023 - 2024.

Kế hoạch mở rộng quy mô đội tàu

HAH cũng có kế hoạch liên tục mở rộng quy mô với dự kiến tiếp nhận 4 tàu container mới cỡ 1.800 TEU giai đoan 2023 - 2024, nâng tổng sức chở đội tàu lên hơn 23.000 TEU vào cuối năm 2024.

Việc hoàn thành kế hoạch nâng cấp đội tàu dự kiến sẽ giúp quy mô đội tàu doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 27% trong giai đoạn 2015 - 2024, qua đó củng cố vị thế đội tàu trên thị trường vận tải container nội địa. Việc đầu tư mua mới là cần thiết do đội tàu đã có 3 tàu trên 20 năm bao gồm HaiAn Park, HaiAn Time và HaiAn Bell đều thuộc loại tàu cỡ nhỏ. Do đó, công ty cần có những tàu mới và lớn hơn để duy trì năng lực vận tải cũng như mở rộng thị trường.

Doanh nghiệp sở hữu đội tàu container hàng đầu Việt Nam: Chiếm gần 40% sức chở trong ngành vận tải container toàn quốc - Ảnh 4.

Theo Clarksons Research, giá đóng tàu mới đã tăng 2% từ đầu năm nay sau khi đã tăng lần lượt 22%/5% vào năm 2021 - 2022. Trong vài năm qua, số lượng đơn đặt tàu mới tại các bến cảng châu Á tăng kỷ lục đối với tàu chở container.

Giai đoạn 2021 - 2022 đã đánh dấu giai đoạn hoạt động tích cực nhất của ngành đóng tàu toàn cầu kể từ thời kỳ bùng nổ 2006 - 2008 và 2013 - 2015. Theo dự báo, "sự bận rộn" đó sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2025 - 2026.

"Do vậy chúng tôi cho rằng giá tàu sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Với kế hoạch đóng mới tổng cộng 4 tàu trong năm 2023-24, HAH dự kiến chi phí bỏ ra để mua tàu là tổng cộng 2.000 tỷ đồng", báo cáo của Công ty chứng khoán VnDirect nhận định.

Với việc liên tục gia tăng đội tàu trong các năm vừa qua, tỷ lệ tổng nợ vay trên vốn chủ sở hữu của HAH đã tăng từ 20% năm 2018 lên 46% vào cuối năm 2022 với tổng nợ vay đạt mức 1.322 tỷ. Chúng tôi dự phóng tỷ lệ này trong năm 2023 - 2024 sẽ ở mức 61%/65% khi doanh nghiệp sẽ tiếp tục huy động các nguồn vay để thực hiện mở rộng đội tàu.

Theo kế hoạch, HAH dự kiến phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi có thời hạn 4 - 5 năm với lãi suất danh nghĩa cố định tối đa là 6%/năm. Đồng thời, hình thức phát hành trái phiếu có đi kèm quyền lợi chuyển đổi sang cổ phiếu nhằm bù đắp cho trái chủ với điều kiện lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. 

Nếu như phát hành thành công, tổng nợ vay của doanh nghiệp sẽ đạt mức 1.822 tỷ đồng. Trong năm 2023 - 2024, ước tính khoản chi phí lãi vay HAH lần lượt là 81/119 tỷ đồng, chiếm lần lượt 12%/14% EBIT của doanh nghiệp.

Theo Pha Lê

Phụ Nữ Thủ Đô

Từ Khóa:
Trở lên trên