Doanh nghiệp sợi Fortex (FTM) lỗ kỷ lục gần 92 tỷ đồng trong quý 4, đánh dấu quý thứ 12 liên tiếp chìm trong thua lỗ
HoSE mới đây đã có thông báo lưu ý về việc cổ phiếu FTM có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu lợi nhuận sau thuế năm 2021 tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty là số âm.
CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, mã chứng khoán: FTM) đã công bố BCTC quý 4/2021 và luỹ kế cả năm 2021.
Cụ thể, riêng quý 4 doanh thu thuần đạt hơn 77 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt gần 6 tỷ đồng, tích cực rõ rệt so với số lãi gộp chỉ hơn 1 triệu đồng trong quý 4/2020.
Trong kỳ, FTM có 741 triệu đồng doanh thu tài chính, tuy nhiên chi phí lãi vay lên tới hơn 23 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí QLDN cũng lần lượt đạt 2 tỷ đồng và 5 tỷ đồng; đặc biệt chi phí khác lên tới hơn 67 tỷ đồng nên kết quả sau khi trừ các khoản chi phí, FTM lỗ sau thuế trong quý 4 gần 92 tỷ đồng - đây cũng là mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp ngành sợi này đồng thời đánh dấu quý thứ 12 liên tiếp kết quả kinh doanh chìm trong thua lỗ.
Lũy kế năm 2021, doanh thu của FTM đạt gần 232 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với thực hiện trong năm 2020. Tuy nhiên gánh nặng chi phí khác như chi phí khấu hao, chi phí nhân công, chi phí điện do chưa đạt sản lượng sản xuất tối ưu và các chi phí khác khiến năm 2021 FTM lỗ sau thuế hơn 223 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2021 là xấp xỉ 420 tỷ đồng.
Căn cứ trên kết quả này, cộng thêm việc báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và 2020, FTM đã báo lỗ sau thuế lần lượt là 93,75 tỷ đồng và hơn 200 tỷ đồng, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã có thông báo lưu ý về việc cổ phiếu FTM có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu lợi nhuận sau thuế năm 2021 tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của Công ty là số âm.
Trước đó, tại báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của FTM, kiểm toán đã từng đưa ra kết luận ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gần 464 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỷ đồng. Kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của Công ty.
Vì vậy, các điều kiện này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Tính đến 31/12/2021, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn vẫn có giá trị tổng cộng hơn 842 tỷ đồng, chiếm đến 61% tổng tài sản. FTM có hơn 790 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn, chiếm hơn 61% tổng nợ phải trả; trong đó, phần lớn là vay ngân hàng.
Nguồn: BCTC quý 4/2021 của FTM
Trong quá khứ, FTM cũng là cái tên từng gây "bão" trên thị trường với chuỗi giảm sàn 30 phiên liên tục kể từ ngày 15/8 đến 26/9/2019. Khi đó, giá cổ phiếu FTM đã gần như đổ đèo thẳng đứng xuống còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu rồi tiếp tục đi ngang và điều chỉnh về vùng giá "1k" như đầu năm 2021. Từ vùng giá "bèo bọt" này, thị giá FTM trong năm 2021 lại bất ngờ tăng mạnh, gấp hơn 6 lần lên mức đỉnh 9.100 đồng/cp (phiên 10/1/2022), kèm theo đó là thanh khoản lên cả triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên; trước khi lại quay đầu giảm theo xu hướng chung của nhóm đầu cơ trong những phiên gần đây
Hiện tại, chốt phiên 25/1, giá cổ phiếu FTM giảm 4,8% về mức 5.900 đồng/cp.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị