Doanh nghiệp tăng tốc đẩy mạnh xuất khẩu
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, năm 2023, nhiều đơn hàng mới được ký kết nên các doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất để kịp hoàn thành tiến độ. Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là vốn và lao động do trong năm qua, nhiều lao động bị cắt giảm vì thiếu đơn hàng và nguồn vốn để duy trì hoạt động, sản xuất kinh doanh.
- 15-02-202310 tỉnh, thành có dân số lớn nhất Việt Nam
- 15-02-2023Địa phương duy nhất có kim ngạch xuất khẩu vượt 3 tỷ USD ngay trong tháng đầu năm
Doanh nghiệp Việt đang tăng tốc sản xuất để cung cấp đơn hàng xuất khẩu mới cho các nước.
Tất bật chuẩn bị đơn hàng mới
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh, KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh cho biết, hiện nay các công nhân đang phải tăng tốc làm việc để hoàn tất nhiều đơn hàng rất lớn xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và một số nước trong khu vực.
Cũng theo ông Nguyễn Đặng Hiến, trong năm qua, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều diễn biến phức tạp nhưng doanh thu của công ty đạt được rất đáng khích lệ, vượt kế hoạch đề ra đến 60%. Những mặt hàng sản xuất của công ty được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng như nước yến nha đam, nước chanh muối… Vì vậy, năm 2023 công ty cũng cố gắng tìm kiếm đối tác mới, thị trường mới để có nhiều đơn hàng xuất khẩu từ đó tạo công việc đều đặn cho người lao động.
Tương tự, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết, công ty đang chạy 100% dây chuyền sản xuất nông sản để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Những sản phẩm đang được công ty tập trung sản xuất chủ yếu là sản phẩm giúp hỗ trợ sức khỏe cho người tiêu dùng như: mật ong nhân sâm, hà thủ ô, tinh bột nghệ, tinh bột tam thất và sản phẩm từ nông nghiệp như dầu dừa, nghệ viên đen - vàng, bột nghệ các loại.
Công nhân ngành may mặc mong có nhiều việc để tăng thu nhập.
Theo ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, những sản phẩm hàng Việt được xuất khẩu đang có lợi thế cạnh tranh về chất lượng, giá thành là do công ty chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Hiện nay, công ty đang liên kết, hỗ trợ vốn cho 236 trang trại tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để nuôi ong lấy mật, trồng nghệ, trồng gừng, trồng hà thủ ô, trồng đậu… Hoạt động này đã gián tiếp tạo việc làm cho gần 2.000 nông dân tại các vùng nông thôn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lợi thế xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và mở rộng sang thị trường châu Âu và châu Mỹ. Khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới đây cũng cho hay, hiện có đến 41% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu được hỏi cho biết đang chuyển hoạt động từ nước ngoài tới Việt Nam; khoảng 35% số người được hỏi cho rằng Việt Nam thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu...
Theo các doanh nghiệp châu Âu, lý do tăng tốc đầu tư vào Việt Nam là vì các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam có điều kiện cắt giảm thuế quan, tiết kiệm chi phí nguyên liệu, miễn thuế nhập khẩu và tăng nội lực cho chuỗi cung ứng. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam còn có cơ hội nhận được nhiều đơn hàng do khách hàng được hưởng lợi từ việc giảm thuế nên có xu hướng đặt hàng tại Việt Nam sản xuất gia tăng.
Gỡ khó vế vốn
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết, hoạt động của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã thuận lợi hơn, cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của họ.
Doanh nghiệp có đơn hàng mới thì người lao động cũng có nhiều việc để ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, cùng với những điểm sáng tích cực về kinh tế, nhiều doanh nghiệp FDI cũng chỉ rõ rào cản về pháp lý cần các cấp bộ, ngành nhanh chóng tháo gỡ là vốn và chính sách... Cụ thể, các cơ quan chức năng còn thiếu các quy tắc và quy định về hàng hóa, khó khăn về thủ tục hành chính, thị thực và giấy phép lao động... Đối với các doanh nghiệp nội địa, khó khăn nhiều nhất là nguồn vốn để mở rộng đầu tư sản xuất cũng như tăng nguồn nguyên liệu.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ tập trung cho các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô nhà xưởng, dây chuyền sản xuất; còn với những doanh nghiệp cần vốn lưu động để sản xuất thì phải vay với mức lãi suất khoảng 12%, rất khó để doanh nghiệp có lãi và tích lũy sản xuất, nguồn vốn.
"Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chúng ta cần phải linh hoạt và đa dạng nguồn vốn vay để tạo thêm nội lực vốn cho doanh nghiệp nội tăng tốc sản xuất. Về phía Hiệp hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối thị trường để tăng đơn hàng cung ứng cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến Chính phủ cần đề ra các giải pháp điều hành lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn và tăng niềm tin vào các chính sách cụ thể của Nhà nước. Bởi trong thời gian qua, lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng đến việc trả nợ cũng như tiếp cận vốn để duy trì sản xuất, mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Điều này làm giảm đi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp nước ngoài.
Báo Tin tức