MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp thờ ơ với CPTPP, Bộ Công Thương gửi Thủ tướng loạt kiến nghị

Trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Australia cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 93% số dòng thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, hơn 9 tháng trôi qua kể từ khi CPTPP có hiệu lực, các doanh nghiệp vẫn không mấy mặn mà tận dụng CPTPP để xuất hàng vào thị trường tiềm năng này.

Chỉ 1% C/O mẫu CPTPP cấp cho Australia

Bộ Công Thương vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình triển khai Hiệp định CPTPP và kiến nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang Australia thời gian tới.

Theo đó, bên cạnh CPTPP, Việt Nam và Australia cùng là thành viên của Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA).

Tính đến hết tháng 7/2019, 7 tháng sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực ,Việt Nam đã cấp tổng cộng 12.514 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo mẫu CPTPP, với tổng giá trị kim ngạch đạt 246,13 triệu USD.

Cùng thời gian trên, đã có 34.933 bộ C/O được cấp theo mẫu AANZFTA, với giá trị đạt 868,43 triệu USD. Do AANZFTA đã chính thức được thực thi 9 năm từ năm 2010 nên nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang sử dụng lựa chọn C/O mẫu AANZFTA thay vì CPTPP.

Đánh giá khá kỹ về riêng thị trường Australia, Bộ Công Thương nêu rõ: Trong tổng số 12.541 bộ C/O mẫu CPTPP được cấp, chỉ có 137 bộ dành cho thị trường Australia, với tổng giá trị 451,9 nghìn USD (chiếm 1% về số lượng và 1,8% về giá trị).

Mặt hàng chính được doanh nghiệp xin cấp C/O mẫu CPTPP vào Austalia là sản phẩm thuộc nhóm máy móc thiết bị và phụ tùng khác. Ngoài ra, có một số ít mặt hàng khác thuộc nhóm gỗ và các sản phẩm từ gỗ, thiết bị nhà bếp và túi xách. Số liệu này cho thấy, doanh nghiệp vẫn quen sử dụng C/O AANZFTA.

Theo Bộ Công Thương: Trong CPTPP, Australia cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 93% số dòng thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. CPTPP tạo các cơ hội thị trường cho một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may và da giày.

Australia đang là nhà cung cấp nguyên liệu dệt may quan trọng cho ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam. Về cơ bản, Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi nhập nhẩu nguyên liệu với giá thành hợp lý hơn khi CPTPP chính thức có hiệu lực…

Tuy nhiên, Bộ này cũng khẳng định quan hệ thương mại Việt Nam-Australia sẽ không có bước phát triển đột biến sau khi CPTPP có hiệu lực. Đó là bởi, Hiệp định AANZFTA đã có 9 năm thực hiện. Cam kết xóa bỏ thuế quan của Australia trong AANZFTA cao hơn trong CPTPP. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhiều khả năng vẫn tiếp tục chọn AANZFTA do thói quen sử dụng chứng nhận xuất xứ theo mẫu AANZFTA và để không mất thêm nguồn lực khi chuyển sang sử dụng chứng nhận xuất xứ theo mẫu CPTPP.

Đáng chú ý, về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, mặc dù được tạo nhiều điều kiện thuận lợi nhưng doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại do ngại chứng từ (nếu không chuẩn) sẽ không được Hải quan các nước nhập khẩu chấp nhận và không được hưởng ưu đãi.

Kiến nghị loạt giải pháp

Trao đổi thương mại Việt Nam-Australia đang phát triển khá ổn định từ năm 2015 đến nay. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước tăng trung bình 8,8%/năm trong giai đoạn 2010-2018.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam: Năm 2018, Australi là đối tác xuất khẩu lớn thứ 13 và là nhà nhập khẩu lớn thứ 12 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 bên đạt 7,7 tỷ USD, tăng hơn 19% so với năm 2017. 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 bên đạt hơn 4,5 tỷ USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam-Australia và triển khai hiệu quả Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp chặt với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong lựa chọn mặt hàng, thúc đẩy đàm phán với Australia về việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm trái cây và thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Australia và Ngân hàng Thế giới sớm hoàn thành và đưa cổng thông tin điện tử về các FTA (FTA Portal) mà Việt Nam là thành viên chính thức hoạt động, làm địa chỉ tin cậy cho doanh nghiệp tìm hiểu các thông tin về các ưu đãi và quy định của hiệp định; thường xuyên cập nhật về rào cản kỹ thuật, quy định mới của Australia áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu để thông báo cho doanh nghiệp, hiệp hội…

Với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc cung cấp và khai thác cơ sở dữ liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Australi nói riêng và với các nước thành viên CPTPP nói chung để phục vụ công tác tham mưu cho Chính phủ trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với Australia…

Theo Thanh Nguyễn

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên