Doanh nghiệp thua lỗ ngàn tỉ hồi sinh
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cơ quan được Chính phủ giao quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước - cho hay đến nay nhiều dự án thua lỗ ngàn tỉ trong ngành công thương đã hồi sinh.
- 05-12-2022Duolingo: Từ một startup thua lỗ, CEO không màng doanh thu đến đế chế thay đổi ‘cuộc chơi’ học ngoại ngữ trực tuyến
- 19-11-2022Doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương: Nơi thua lỗ, nơi lãi nghìn tỉ lại 'sống nhờ' Honda, Toyota
- 08-10-2022EVN cần chi tiết các khoản thua lỗ
- 29-09-202210 doanh nghiệp niêm yết thua lỗ nhiều nhất
Năm 2022, trong số 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất ổn định, đáng lưu ý có doanh nghiệp đã lãi ngàn tỉ đồng.
Đây là tín hiệu tích cực sau nhiều năm Chính phủ nỗ lực xử lý các dự án, doanh nghiệp nhà nước yếu kém. Nhờ đâu có sự hồi sinh này?
Điểm sáng xơ sợi Đình Vũ
Từng nằm trong danh sách 12 dự án này nhưng đến tháng 11-2021, VNPoly Nhà máy xơ sợi Đình Vũ thuộc Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi Việt Nam (VNPoly), trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ra khỏi danh sách trên.
Cụ thể, ông Trần Huy Thư - tổng giám đốc VNPoly - cho biết từ tháng 4-2018 đến tháng 11-2021, đơn vị đã vận hành toàn bộ 27 dây chuyền sản xuất sợi polyester (DTY), các sản phẩm này đáp ứng tiêu chuẩn OEKO-TEX của Đức và yêu cầu khắt khe của chứng chỉ tái sinh toàn cầu GRS.
Sợi DTY hiện được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Đặc biệt, từ tháng 2-2020, VNPoly đã đưa sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa tái chế vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các hãng thời trang hàng đầu thế giới như Adidas, Nike, Target... về tiêu chuẩn sản xuất xanh, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và môi trường.
Để đạt được thành quả trên, ông Thư cho hay công ty không chỉ vận dụng triệt để các giải pháp nhằm bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh sản phẩm cốt lõi mà còn thông qua hoạt động kinh doanh khác như cung cấp quần áo bảo hộ lao động, đồng phục thể thao, cho thuê cơ sở hạ tầng và văn phòng khi chưa sử dụng đến.
Qua đó, bảo đảm đời sống và công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm người lao động với mức lương bình quân 10 triệu đồng/tháng, không bị gián đoạn kể cả trong thời gian dịch COVID-19.
Theo ông Thư, để ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ thì bắt buộc phải xử lý hết những vướng mắc liên quan vấn đề pháp lý, có phương án sản xuất, kinh doanh dài hạn cũng như phương án tái cấu trúc và xử lý các khoản nợ, xin giãn nợ bảo đảm hoạt động kinh doanh phải có lãi.
Các cổ đông và VNPoly đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cùng phương án tái cấu trúc và đã được phê duyệt, đồng thời xử lý các khoản nợ ngắn, trung hạn tại các ngân hàng theo kế hoạch. Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân viên sẵn sàng đối diện khó khăn, vượt qua "dông bão".
Số liệu thống kê của VNPoly cho thấy từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã sản xuất gần 17.000 tấn sợi với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường và lợi nhuận thu về hàng chục tỉ đồng.
Công ty đã hoàn thiện phương án vận hành sản xuất xơ polyester (PSF) và bảo dưỡng một số máy móc thiết bị, ký kết các hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ với các khách hàng trong và ngoài nước.
Thời gian qua, PVN cũng đã chỉ đạo đơn vị trong ngành dầu khí xúc tiến đàm phán với đối tác nước ngoài nhằm đầu tư máy móc thiết bị tại Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ để sản xuất nguyên liệu sợi tái sinh từ nguồn phế thải nhựa trong nước. Qua đó, làm tăng lợi nhuận và góp phần bảo vệ môi trường.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới VNPoly sẽ vận hành lại dây chuyền sản xuất xơ PSF. Đơn vị đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và một số doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và bạn hàng truyền thống thuộc thị trường Ấn Độ, Pakistan...
Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đang dần đi vào sản xuất ổn định - Ảnh: NAM TRÂN
8-10 năm nữa tất cả 12 dự án sẽ hết lỗ
Với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), trong năm 2022 ba dự án nhà máy sản xuất phân bón thuộc Vinachem như Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai đã duy trì được sản xuất kinh doanh, từng bước nâng công suất chạy máy.
Tính tới hết năm 2022, dù ba nhà máy sản xuất phân bón này vẫn lỗ lũy kế khoảng 13.195 tỉ đồng (khoản lỗ các năm trước cộng dồn lại), nhưng tính riêng năm 2022 do thị trường phân bón thuận lợi, giá phân bón cao nhất trong 10 năm gần đây nên kết quả sản xuất, kinh doanh của ba nhà máy đã lãi khoảng 2.632 tỉ đồng. Trong khi năm 2021, cả ba nhà máy sản xuất phân đạm này vẫn lỗ khoảng 183 tỉ đồng.
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong số 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ trong ngành công thương những năm qua, đến nay có năm dự án đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xử lý, bảy dự án còn lại đến nay đã có ba dự án cơ bản hoàn thiện phương án xử lý, chỉ còn bốn dự án chưa có phương án xử lý cuối cùng là dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy thép Việt Trung, Nhà máy đóng tàu Dung Quất và Nhà máy bột giấy Phương Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Tuấn Anh - vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - nói để hồi sinh các dự án thua lỗ ngàn tỉ thời gian qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, các doanh nghiệp, dự án đã đẩy mạnh cắt giảm chi phí, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất. Bản thân các doanh nghiệp luôn nỗ lực tìm kiếm các đối tác bên ngoài.
Đối với ba dự án đạm chuyển từ trạng thái thua lỗ ngàn tỉ năm 2021 sang lãi ngàn tỉ trong năm 2022, theo ông Anh, có một phần nguyên nhân từ sự tăng giá liên tục của phân bón từ năm 2021 đến nay khi giá phân bón thế giới đã tăng 3-4 lần.
Có dự án như Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc hàng làm ra không đủ để bán. Các doanh nghiệp đã làm hết cách, tiết giảm chi phí, hợp lý hóa sản xuất và rất đáng mừng là nhiều doanh nghiệp đã làm chủ được công nghệ sản xuất, không phải đi thuê chuyên gia nước ngoài vận hành nhà máy như trước đây.
Ông Anh cũng cho hay theo kế hoạch, nếu các dự án tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh có lãi thì trong 8-10 năm tới tất cả 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ sẽ hết lỗ.
Và với tín hiệu hồi sinh hiện nay có dự án như Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc chỉ 1-2 năm tới sẽ hết lỗ lũy kế, trở lại hoạt động sản xuất bình thường.
Những dự án sản xuất phân đạm còn lại như Ninh Bình, Lào Cai sẽ mất khoảng 7-8 năm nữa để cắt lỗ. Trên thực tế, các nhà máy sản xuất phân đạm đáp ứng nhu cầu thị trường rất tốt vì chúng ta đang phải nhập khẩu phân bón.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho hay với vai trò của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương, trong thời gian tới ủy ban sẽ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty triển khai ý kiến của Bộ Chính trị; đẩy mạnh giải quyết các khó khăn vướng mắc còn tồn đọng.
Toàn cảnh dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên - Ảnh: NAM TRẦN
Có sự hậu thuẫn của các ngân hàng
Một nhân tố khác khiến các dự án thua lỗ ngàn tỉ hết lỗ là sự hậu thuẫn của các ngân hàng, đặc biệt Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp hết mức. Các ngân hàng tiếp tục cho dự án vay trong bối cảnh thua lỗ những năm qua nên doanh nghiệp có vốn để duy trì sản xuất. Khi vay được vốn cho sản xuất thì giá phân bón thế giới lại tăng nên tất cả các nhà máy phân đạm đều có lãi trong năm 2022, ông Anh chia sẻ.
8 dự án tái cơ cấu, dần đi vào sản xuất ổn định
Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc
Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng
Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai
Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình
Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ
Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất
Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước
Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ.
Phân bón DAP 1 Hải Phòng trở mình thế nào?
Với dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng (Nhà máy DAP Đình Vũ), ông Vũ Văn Bằng - tổng giám đốc Công ty CP DAP 1 Hải Phòng - cho biết trong bối cảnh các biến động thị trường trong nước ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh, điểm thuận lợi là trong năm vừa qua, các đơn vị trong tập đoàn đã đoàn kết, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nội bộ.
Trong đó, công ty tập trung tối đa cho nhu cầu sử dụng trong nước và chỉ xuất khẩu khi trong nước không tiêu thụ hết. Việc này dù mang lại hiệu quả thấp hơn nhưng đã góp phần bình ổn giá trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
"Công ty đã nghiêm túc thực hiện quy định tiêu thụ nội địa tập đoàn, cung cấp DAP cho các đơn vị sản xuất NPK ở cả đơn vị trong Nam và miền Bắc. Trong năm, công ty đã cơ bản thực hiện tốt chuỗi cung ứng trong nước, từ quặng đến DAP và sản xuất sản phẩm cuối cùng là NPK" - ông Bằng chia sẻ.
Trước đó, từ cuối tháng 8-2021, nguồn cung cấp quặng không ổn định và lượng quặng thấp so với nhu cầu sản xuất buộc công ty phải mua thêm quặng nghiền. Dù sản lượng không nhiều nhưng công ty cũng đã thực hiện tốt so với chỉ tiêu Vinachem giao.
Nhà máy thực hiện đúng các quy trình kiểm soát chất lượng, đặc biệt là các đảm bảo về dinh dưỡng, độ tan vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng.
Để ứng phó với diễn biến chất lượng quặng ngày càng suy giảm, công ty tiếp tục cập nhật một số giải pháp kỹ thuật để ổn định chất lượng sản phẩm mỗi khi có sự suy giảm về chất lượng quặng apatit đầu vào.
Công ty đã có biện pháp tăng cường khâu kiểm soát sản phẩm trước khi giao hàng, hạn chế tối đa các phát sinh liên quan đến chất lượng.
"Uy tín thương hiệu sản phẩm ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong việc duy trì chỗ đứng và mở rộng thị phần của phân bón DAP Đình Vũ - ông Bằng cho biết thêm.
Nhà máy DAP Đình Vũ, TP Hải Phòng tiếp tục có sự tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2022 - Ảnh: QUANG DŨNG
4 dự án thua lỗ ngàn tỉ còn lại sẽ có phương án tái cơ cấu trong quý 1-2023
Ông Phạm Tuấn Anh cho hay theo kế hoạch của Chính phủ, phương án tái cơ cấu bốn dự án thua lỗ ngàn tỉ còn lại của ngành công thương sẽ được Chính phủ trình Bộ Chính trị trong quý 1-2023.
Bốn dự án này gồm: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Dự án Nhà máy thép Việt Trung; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.
Vướng mắc lớn nhất với bốn dự án chưa có phương án tái cơ cấu là vướng các quy định của hợp đồng PPP có yếu tố nước ngoài. Hơn nữa, bốn dự án này dở dang, chưa đi vào sản xuất, chưa có dòng tiền để bù lỗ.
Chẳng hạn dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dù giá thép có lên cũng "chịu chết" vì chưa sản xuất được thì không thể đòi hưởng lợi, trong khi phân bón sản xuất được rồi nên khi giá thị trường lên là dự án hưởng lợi.
Vì thế, khi dự án chưa đi vào sản xuất thì doanh nghiệp vẫn phải ôm một "núi" chi phí cố định như bảo toàn, bảo dưỡng máy móc, thuê bảo vệ.
Dự án không làm ra tiền nhưng vẫn phải bỏ tiền vào nên số lỗ dự án ngày càng tăng lên. Dự án đi vào hoạt động thì có dòng tiền để bù đắp, có cơ hội để cắt lỗ.
Tuổi trẻ