MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp thuỷ sản “bế tắc”, xuất khẩu tháng 9 tiếp tục "lao dốc"

05-09-2021 - 20:49 PM | Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thuỷ sản “bế tắc”, xuất khẩu tháng 9 tiếp tục "lao dốc"

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động, những nhà máy còn lại thì công suất chỉ đạt khoảng 30-40%.

Trải qua hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động “3 tại chỗ”, kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết sản phẩm chủ lực.

Doanh nghiệp thuỷ sản “bế tắc”, xuất khẩu tháng 9 tiếp tục lao dốc - Ảnh 1.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động.

Bốn áp lực đè nặng

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta - cho biết, hãng chế biến tôm của ông thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" trong hai tuần. Mất trước đó một tuần chuẩn bị.

"Chúng tôi tận dụng mọi chỗ trống, chỗ đẹp ưu tiên phụ nữ, nam chia nhau nền sàn, chia sẻ ngọt bùi, 2 tuần cũng trôi qua. Lao động tham gia gần 40%, kể cả khối gián tiếp. Sản phẩm chỉ đạt 25-30% so bình thường, một phần do đội ngũ là sự gom chung nhân lực nhiều xưởng về chế biến một xưởng, một số kỹ năng chưa thành thục, năng suất không cao được", ông Hồ Quốc Lực cho biết.

Cho biết rõ hơn về tình hình của các doanh nghiệp, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT cho biết xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 giảm mạnh ở các mặt hàng hải sản như cá ngừ, riêng cá tra và tôm giảm đến 29,7% so với tháng trước.

Theo đó, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động, những nhà máy còn lại thì công suất chỉ đạt khoảng 30-40%. Chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.

Nuôi trồng thủy sản cũng đang rất nan giải, do dịch bệnh nên khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... khiến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh.

Việc cung ứng vật tư đầu vào con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test covid.

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm ở hầu hết sản phẩm chủ lực so với tháng 8/2020.

Trong tháng 8/2021, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp thuỷ sản “bế tắc”, xuất khẩu tháng 9 tiếp tục lao dốc - Ảnh 2.

Xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 giảm mạnh ở các mặt hàng hải sản như cá ngừ, riêng cá tra và tôm giảm đến 29,7% so với tháng trước.

Theo VASEP, trong hơn 1 tháng vừa qua, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ" và cũng chỉ huy động được 40-50% người lao động tham gia sản xuất, do đó công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.

Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, hiện nay ngành thủy sản đang phải đối mặt với bốn áp lực. Một là, ở các tỉnh phía Nam 70% các nhà máy phải dừng sản xuất do các vấn đề liên quan đến dịch bệnh và số nhà máy còn lại, lượng công nhân đi làm cũng chỉ còn khoảng 20-40%.

Điều này khiến công suất chế biến bị giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp vừa không có hàng trả đơn, vừa không thu mua được nguyên liệu cho ngư dân và nông dân.

Hai là, việc kéo dài thời gian cách ly liên tục khiến nhiều bạn hàng mất kiên nhẫn. Ba là, các nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đầu vào của ngành thủy sản bị khan hiếm, khó tiếp cận do mỗi địa phương lại có chính sách chống dịch khác nhau, gây khó khăn cho công tác vận chuyển.

Bốn là, áp lực về kinh phí. Các doanh nghiệp vẫn phải chi trả cho lượng nhân công nghỉ dịch, còn với những lao động làm việc theo "3 tại chỗ" thì chi phí tăng 1,5 lần so với bình thường. Như vậy, hàng loạt khó khăn chồng chất bủa vây đang và sẽ là gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản.

Doanh nghiệp thuỷ sản “bế tắc”, xuất khẩu tháng 9 tiếp tục lao dốc - Ảnh 3.

Dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20% đạt khoảng 660 triệu USD. "Với kịch bản từ sau tháng 9.

Khó khăn tiếp tục trong tháng 9

Đáng chú ý, tình hình sản xuất và xuất khẩu tháng 9 vẫn được dự báo không mấy lạc quan. Cụ thể, VASEP cho rằng, diễn biến COVID-19 vẫn còn đang căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở TPHCM và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương), trong khi việc triển khai tiêm vaccine cho lực lượng công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Với thực trạng đó, bức tranh sản xuất và xuất khẩu thủy sản tháng 9 vẫn ảm đạm.

Do vậy, dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20% đạt khoảng 660 triệu USD. "Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vaccine, các công ty không phải sản xuất 3 tại chỗ, xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được xuất khẩu khoảng 8,5-8,6 tỉ USD", VASEP nhận định.

Vì vậy, VASEP kiến nghị với Bộ NN&PTNT tác động đến các địa phương khu vực phía Nam để ưu tiên tiêm vaccine mũi 1 cho người làm việc trong ngành thủy sản. Mặc dù một số đã ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân chế biến thủy sản, nhưng Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… nhưng nhiều tỉnh khác chưa tiêm vaccine cho ngành này.

Đồng thời, làm việc với các địa phương khi doanh nghiệp trình kế hoạch sản xuất khi việc giãn cách được nới lỏng, như vậy sẽ giúp kế hoạch sản xuất được phê duyệt nhanh hơn.

VASEP cũng kiến nghị địa phương mở lại các chợ đầu mối ở các thành phố lớn để thúc đẩy tiêu thụ, tạo điều kiện cho ngư dân, nông dân có động lực trở lại sản xuất.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên