Doanh nghiệp thuỷ sản, du lịch kêu cứu vì giá xăng dầu: Có doanh nghiệp mỗi tháng chi phí cho dịch vụ logictics lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá xăng dầu tăng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp thủy sản, đã có tình trạng tàu dừng không đi biển vì cước phí tăng mạnh.
Tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 diễn ra ngày 27/6/2022, đại diện đến từ Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Hàng không Việt Nam,… đã nêu lên khó khăn còn gặp phải trong sản xuất như chi phí nhân công, xăng dầu tăng cao khiến việc hoạt động còn gặp trở ngại; các vướng mắc về quy định pháp luật, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh,… đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp hiện nay là giá dầu tăng cao.
Theo nguồn tin từ Báo Kinh tế và dự báo, tại hội nghị, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá xăng dầu tăng tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp thủy sản, đã có tình trạng tàu dừng không đi biển vì cước phí tăng mạnh.
"Hiện chi phí cảng biển tăng, cước phí tàu tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới doanh nghiệp. Đơn cử như chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ mất khoảng 400 - 440 triệu đồng. Một doanh nghiệp mỗi tháng chi phí cho dịch vụ logictics lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng. Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng cần có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logisics trong thời gian tới", ông Nam kiến nghị.
Trong khi đó, giá xăng dầu tăng cao cũng ảnh hưởng đến ngành du lịch. Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chi phí về vận tải lại tăng mạnh đặc biệt là giá vé máy bay tăng rất cao, ảnh hưởng tới việc giá tour.
"Để bán được tour tốt, doanh nghiệp phải cân đối rất nhiều, nhưng nếu du lịch và hàng không ngồi lại được với nhau để cùng tính toán mức giá vé phù hợp thì sẽ hỗ trợ cùng nhau trong việc khôi phục lại thị trường du lịch", ông Bình chia sẻ.
Chia sẻ tại hội nghị, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) Nguyễn Duy Minh cho rằng, toàn bộ hàng hóa nội địa bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá vận tải tăng lên và tác động tới toàn bộ giá hàng hóa cung cấp ra thị trường.
"Hiện nay, giá cả đang tăng lên cả trong nước và quốc tế. Do vậy, việc làm việc với các hãng tàu về vấn đề giá là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải tính đến phát triển dịch vụ hậu cần, kho bãi tại cảng, trung tâm của các thị trường lớn chủ lực cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam", ông Minh nêu quan điểm.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam, giải pháp dài hạn chính là quy hoạch ngành hàng, chuỗi giá trị và quy hoạch vùng. Cùng với đó, hỗ trợ chuyển đổi số mạnh cho ngành dịch vụ logistics cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí.
Logistics quốc tế liên quan chặt chẽ đến lợi thế cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư FDI, ông Minh đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để có kế hoạch làm việc với các hãng tàu để bình ổn giá cước và phụ phí vận tải quốc tế.
Trả lời về vấn đề giá logistics tăng cao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Quan tâm và cải thiện để kéo giảm chi phí này xuống, nếu không kéo giảm được thì chúng ta không cạnh tranh được với các nước. Do vậy, cần các giải pháp đồng bộ, có những việc làm được ngay là chuyển đổi số và các doanh nghiệp có thể hỗ trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng hỗ trợ cho được. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẵn sàng hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp".
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng.
Dự kiến trong tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành cho 6 tháng cuối năm 2022; xem xét lại kế hoạch phát triển cho năm 2022 và cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm tận dụng các cơ hội và thách thức mới đặt ra cho Việt Nam.