MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp thủy sản: Lợi nhuận tăng vọt bất chấp khó khăn bủa vây

26-08-2016 - 14:53 PM | Doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù ngành thủy sản liên tục đối mặt với khó khăn trong cả nuôi trồng và khai thác thủy sản do hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố môi trường,... nhưng doanh thu bình quân của ngành vẫn tăng trưởng với mức khá ấn tượng.

Thống kê số liệu báo cáo tài chính quý II/2016 của 17 doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán cho thấy tại ngày 30/6/2016, tổng tài sản của nhóm doanh nghiệp này đạt mức 44.146 tỷ đồng, tăng 20,51% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu tăng 21,6%, đạt mức 15.745 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù ngành thủy sản liên tục đối mặt với khó khăn trong cả nuôi trồng và khai thác thủy sản do hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường xảy ra ở một số tỉnh, đặc biệt 4 tỉnh ven biển miền Trung nhưng nhìn chung, doanh thu thuần bình quân của ngành vẫn tăng trưởng với mức khá ấn tượng.

Theo thống kê của chúng tôi, doanh thu thuần của 17 doanh nghiệp trong kỳ qua tăng tới 40,4%, đạt 14.338 tỷ đồng, lãi gộp đạt 1.570 tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp lại chỉ đạt 10,95%, giảm so với mức 11,81% so với cùng kỳ năm trước.

Một tín hiệu đáng mừng khác là hàng tồn kho của các doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm nhẹ. Tính chung 17 doanh nghiệp có số dư hàng tồn kho tại ngày 30/6/2016 ở mức 12.702 tỷ đồng, giảm bình quân 3,6% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, kết thúc quý II/2016, lợi nhuận trước thuế của nhóm doanh nghiệp này đã tăng bình quân tới 78,5% so với cùng kỳ.

Ngoại trừ ANV, ICFVNH bị lỗ, trong số 14 doanh nghiệp còn lại có 7 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng từ 32% đến 341,4%. Trong đó, HVG vẫn khẳng định “ngôi vương” với mức lợi nhuận 270 tỷ đồng, tăng trưởng tới gần 270% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong 3 mảng chính đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận của HVG là thủy sản, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thì thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến có sự tăng trưởng mạnh hơn cả, đồng thời có biên lợi nhuận tăng vọt, trong khi mảng thủy sản thì ngược lại. HVG cho biết, nguyên nhân lợi nhuận lỳ này tăng đột biến là do trong quý, công ty nhập khẩu về 127.000 tấn bã đậu nành và tiêu thụ ngay với giá tốt.

Vĩnh Hoàn (VHC) tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành cá tra với việc đóng góp 16% với giá trị xuất khẩu cả nước (đạt gần 140 triệu USD). Kết thúc quý II, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 2.066 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 206,5 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ 2015. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận Vĩnh Hoàn tăng 61% so với cùng kỳ lên 307 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, ở thái cực khác, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá bi đát trong kỳ. CTCP Nam Việt (mã ANV) là một ví dụ điển hình.

Kết thúc quý II/2016, doanh nghiệp này bất ngờ báo lỗ hơn 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, ANV vẫn lãi gần 6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty ghi nhận hơn 53 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi và khoản lỗ 114,5 tỷ đồng từ hoạt động liên doanh liên kết - đây chính là khoản lỗ do công ty DAP2 – Vinachem gây nên. Lũy kế 6 tháng, công ty đạt doanh thu gần 1.341 tỷ đồng, lỗ sau thuế 112 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty báo lãi 20,3 tỷ đồng.

Không đến nỗi “thê thảm” như ANV, nhưng Đầu Tư Thương Mại Thủy Sản (mã ICF) và Thủy sản Việt Nhật (mã VNH) cũng vừa có một kỳ kinh doanh không mấy khả quan khi đồng loạt báo lỗ lần lượt 5 tỷ và 5,5 tỷ đồng, tăng lỗ so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 của cả nước tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015 dù thời tiết không thuận lợi kéo dài và sự cố môi trường. Trong khi đó, các thị trường có tiềm năng tiêu thụ đều có giá trị xuất khẩu tăng mạnh như Mỹ (+10,9%), Trung Quốc (+49,06%), Thái Lan (+9,92%) và Anh (+8,83%).

Trong một báo cáo mới ra, SSI Retail Research cho rằng, VHC - nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất, sẽ được hưởng lợi lớn trong năm 2016 nhờ không bị áp thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ và mảng collagen và gelatin sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận từ năm 2016. Trong khi đó, với FMC - nhà xuất khẩu tôm hàng đầu, việc mở rộng thêm 50ha vùng nuôi sẽ giúp tăng sản lượng tôm nguyên liệu thêm 30%, đồng thời, đây cũng là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định FTA ViệtNam–EU vào năm 2017.

Theo Trần Thúy

BizLIVE

Trở lên trên