MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Trung Quốc thao túng thị trường du lịch trong nước: Doanh thu nghìn tỉ đồng/năm, ai quản lý?

Các Cty lữ hành Việt Nam giành giật nhau đại hạ giá tour để nhận khách, dưới sức ép của các đối tác Trung Quốc, để đến hiện nay, giá giảm tới không đồng hoặc âm/khách/tour 3 đêm, 4 ngày.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức giá tối thiểu cho một tour trên ít nhất là 700 NDT (khoảng 2,4 triệu VND). Như vậy, để đảm bảo ít nhất là không lỗ, các đối tác hai bên phải tìm cách thu về mức giá trên. Điều đó có nghĩa rằng, chỉ riêng tại Quảng Ninh, giao dịch tối thiểu để đón khoảng 360.000 lượt khách đường bộ Trung Quốc ghé thăm/năm lên tới trên 252 triệu NDT, tương đương hơn 856 tỉ đồng/năm. Vấn đề đặt ra: Ai quản lý được doanh số khổng lồ trên để thu thuế?

Thu 1 tỉ/ngày, nộp thuế bao nhiêu?

Không phải tất cả 360.000 du khách Trung Quốc đến Quảng Ninh đều bị lọt vào ma trận do các đối tác Trung Quốc giăng bẫy dưới sự trợ giúp của các đối tác Việt Nam, nhưng theo giới trong nghề, tỷ lệ phải chiếm từ 90-95%. Con số doanh thu 856 tỉ đồng/năm cũng chỉ tính ở mức giá hòa vốn, còn trong thực tế, doanh số siêu khủng, bởi không ai dại gì kinh doanh hòa vốn.

Để thu hòa vốn và lãi siêu khủng, các Cty lữ hành trong nước, dưới sự chỉ đạo của các đối tác Trung Quốc, phải thuyết phục, dọa dẫm… du khách sử dụng tour trọn gói, nhưng trên sổ sách, lại chỉ khai cung cấp một hoặc vài phần của tour, như dịch vụ làm visa, khách sạn, xe đưa đón…. Những dịch vụ khác nằm ngoài sổ sách, như: vui chơi, giải trí, thăm quan, mua sắm… đem lại lợi nhuận khổng lồ thì thường các DN “khai báo bao nhiêu, biết bấy nhiêu”.

Như chúng tôi đã phản ánh, những dịch vụ kiếm siêu lợi nhuận là các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc và các điểm tham quan.

Hiện, trên cả tỉnh Quảng Ninh có 28 điểm bán hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Theo các hướng dẫn viên du lịch (HDV), không ít cửa hàng đạt doanh thu từ 500 triệu – 1 tỉ đồng/ngày. Ông Nguyễn Hữu Ban – Chi cục trưởng Chi cục Thuế Hạ Long – cho biết, các điểm bán hàng trên đều khai báo, nộp thuế đầy đủ, nhưng từ chối cung cấp mức thuế nộp, bởi đây là bí mật kinh doanh của các DN.

Tuy nhiên, các DN trong nghề cho biết, số thuế nộp chẳng đáng là bao so với doanh số, lợi nhuận của mỗi điểm bán hàng; chưa kể, phần lớn số lợi nhuận đó đều “chảy” về Trung Quốc, với đường đi cực kỳ tinh vi và dích dắc.

Nghìn tỉ đi về đâu?

Giới kinh doanh du lịch tính toán, doanh thu đón khách đường bộ Trung Quốc tại Quảng Ninh do các đối tác Trung Quốc điều hành mỗi năm không dưới 1.000 tỉ đồng, bởi chỉ tính mức hòa vốn đã lên tới ít nhất 856 tỉ đồng.

Nếu tính cả nước, doanh số sẽ ở mức không tưởng, bởi mỗi năm, Việt Nam đón 1,6 triệu lượng khách Trung Quốc, trong đó phần lớn đi theo các tour du lịch khép kín như tại Quảng Ninh.

Vấn đề là, số tiền đó đi đâu thì chỉ có người trong cuộc mới rõ, nhưng chắc chắn chỉ đi lòng vòng trong ma trận do các đối tác Trung Quốc vạch sẵn, bởi rất ít trong số tiền đó lọt ra dịch vụ bên ngoài.

“Có lẽ, đã đến lúc cần tính toán lại xem 360.000 lượt khách đến/năm, với giá tối thiểu cho một tour là 700 NDT thì các Cty lữ hành đón số khách trên nộp thuế bao nhiêu?” – một giám đốc DN xin giấu tên kiến nghị – “Trong khi chính quyền và các cơ quan chức năng đang tìm mọi cách siết chặt công tác quản lý để thu đúng, thu đủ từng đồng thuế thì dường như lại đang bỏ ngỏ một nguồn thu khổng lồ này”.

Theo một số lãnh đạo, chuyên gia ngành du lịch, để hạn chế thực trạng trên, cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Du lịch 2005, trong đó xem xét áp dụng tour trọn gói cho dòng khách Trung Quốc. Theo luật hiện hành, du khách có thể mua tour trọn gói hoặc từng phần, vì thế, các Cty lữ hành dù cung cấp tour trọn gói, nhưng chỉ khai báo cung cấp từng phần để trốn thuế. Những vấn đề này đã được Quảng Ninh và các địa phương đón lượng khách Trung Quốc lớn đề xuất, kiến nghị với Bộ VHTTDL từ hơn 10 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Tuy nhiên, với tình hình quản lý như hiện nay, kể cả các Cty lữ hành có cung cấp tour trọn gói thì họ vẫn trốn thuế được bình thường, bởi việc hợp thức hóa đơn, chứng từ quá dễ, giúp họ gần như cân bằng được mức thu – chi, nên đóng thuế chẳng đáng là bao.

Theo Nguyễn Hùng

Lao động

Trở lên trên