MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp tư nhân đã bớt lẻ loi, cô đơn!

“Doanh nghiệp không còn cô đơn, đang cảm thấy ấm lòng trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, sự chuyển động tích cực của các bộ, ngành, địa phương...” - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Mới đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố sách trắng và kết quả diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF). Đối với khu vực kinh tế tư nhân, đây là một sự kiện quan trọng.

Doanh nghiệp không cần Nhà nước cho tiền

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận định trong hai năm vừa qua, hàng loạt kiến nghị của doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN, VCCI đã đến được các cuộc họp Chính phủ, đã được xử lý trong các nghị quyết của Chính phủ, các văn bản, cơ chế, chính sách mới.

Ngay trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ và DN năm 2017, khi VCCI kiến nghị Chính phủ giảm chi phí cho DN, Thủ tướng đã quyết định ngay năm 2017 là năm giảm chi phí cho DN. Rất nhiều hành động, quyết sách đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra, lan tỏa tới các bộ, ngành, chính quyền địa phương...

Có thể nói năm 2017 là năm đầu tiên mà các bộ, ngành chủ động đề xuất các phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, sau rất nhiều năm chỉ có tiếng nói của DN, các cơ quan nghiên cứu...

“DN không còn cô đơn, đang cảm thấy ấm lòng trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, sự chuyển động tích cực của các bộ, ngành, địa phương” - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Nhưng tất nhiên, theo ông Lộc đây mới chỉ là những bước đầu. Để khu vực kinh tế thực sự năng động, thực sự trở thành động lực của nền kinh tế, DN cần nhìn thấy Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và từng công chức hành động nhiều hơn, rõ nét hơn theo đúng cam kết hành động vì sự phát triển thuận lợi của người dân, DN.

Doanh nghiệp tư nhân đã bớt lẻ loi, cô đơn! - Ảnh 1.

Ông Vũ Tiến Lộc: Năm 2017 là năm đầu tiên mà các bộ, ngành chủ động đề xuất các phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, là trưởng chủ tịch nhóm công tác về nông nghiệp của VPSF. Ông Báo kể: Lúc đầu được mời tham gia VPSF, ông rất thiếu tin tưởng vào diễn đàn này. Tuy vậy, hai năm qua, ông đã thấy có nhiều chuyển biến trong hoạt động cũng như những đề xuất của diễn đàn với Chính phủ.

“Cần phải thay đổi cơ chế để DN phát triển chứ DN không cần Nhà nước cho tiền. Năm 1986, đất nước đổi mới là đổi mới về cơ chế khi chia đất cho nông dân chứ khi đó làm gì có tiền. Kết quả là đổi mới đã mang đến những thay đổi căn bản về kinh tế” - ông Báo nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, điểm lại thành công của năm 2017 khi 13 chỉ tiêu Quốc hội giao Chính phủ đều đạt và vượt, GDP tăng tới 6,81%, ông Long khẳng định những thành tích này đều có sự đóng góp tích cực của DN, đặc biệt là DN tư nhân.

“Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 39% GDP nhưng ngay cả Thủ tướng cũng mong muốn khu vực này đóng góp cao hơn, khoảng 60%-65% GDP. Như vậy, cần phải có một cơ chế đồng bộ và DN cần phải có nhiều kiến nghị hơn nữa để xóa bỏ rào cản, khó khăn cho kinh doanh” - ông Long nói.

Doanh nghiệp tư nhân đã bớt lẻ loi, cô đơn! - Ảnh 2.

Ông Trần Mạnh Báo: "Cần phải thay đổi cơ chế để DN phát triển chứ DN không cần Nhà nước cho tiền".

Tư nhân đang vươn lên

Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký VPFS, khi nói về sách trắng VPFS đã thông tin năm 2017, khu vực kinh tế tư nhân có thể đóng góp được hơn 42% GDP. “Như thế tức là kinh tế tư nhân đang vươn lên” - ông Giám nói.

Để kinh tế tư nhân vươn lên hơn nữa thì việc DN chủ động kiến nghị chính sách là điều rất cần thiết. Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Việt Nam, cho hay ở bất cứ cuộc đối thoại nào với Chính phủ, bộ, ngành thì DN cũng có kiến nghị. Tuy vậy, kiến nghị cần có thời gian để được giải quyết.

Còn thực tế, những kiến nghị của DN cũng đã được xem xét và giải quyết một cách nhanh chóng hơn. Ông Giám cho hay sách trắng ghi nhận nhiều phản hồi tích cực từ các bộ, ngành.

Chẳng hạn trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ KH&ĐT đã nhanh chóng dự thảo và lấy ý kiến DN về dự thảo sửa đổi Nghị định 210/2013 về khuyến khích đầu tư trong nông nghiệp theo hướng tích cực và thuận lợi hơn. Bộ NN&PTNT đã lập cơ quan xúc tiến thương mại chuyên trách và Quốc hội đã sửa luật về cơ quan đại diện ở nước ngoài theo hướng thông thoáng hơn với đại diện các bộ kinh tế ở nước ngoài.

Hoặc trong lĩnh vực du lịch, Bộ Công an đã mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử lên 46 nước/lãnh thổ thay cho 40 trước đây với mức phí hợp lý hơn.

“Đây thực sự là những động thái tích cực, tạo nên một xung lực mạnh mẽ về niềm tin, nỗ lực, hợp tác và cùng chung tay thúc đẩy của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng DN” - ông Giám nói.

Khẳng định rằng VPSF đang tạo được tâm thế cho kinh tế tư nhân, ông Vương nói cơ chế đối thoại sẽ được mở rộng hơn để DN không chỉ đối thoại với Chính phủ, bộ, ngành, mà còn đối thoại với các địa phương để ngày càng hoàn thiện cơ chế, chính sách để tư nhân xứng đáng với vị trí đã được xác định.

Ráo riết cắt giảm giấy phép con

Trong báo cáo mới đây tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Bộ Tư pháp cho hay nhiều bộ, ngành đã chủ động rà soát, lên kế hoạch cải cách điều kiện đầu tư, kinh doanh, theo hướng tạo thuận lợi cho DN.

Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh. Hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương đã được trình Chính phủ.

Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ bốn ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; rà soát, dự kiến đề xuất bãi bỏ khoảng 41,3%; đơn giản hóa 43,7%; giữ nguyên 15% tổng số điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Bộ NN&PTNT đề xuất bãi bỏ, sửa đổi theo hướng rút gọn 118 điều kiện (32,4%) trong tổng số khoảng 345 điều kiện, thuộc 33 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN, trong đó, tiếp tục đề xuất bãi bỏ 20 ngành, nghề không cần thiết và đang xây dựng nghị định về kiểm soát và nâng cao chất lượng điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong quá trình thẩm định các VBQPPL về điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ Tư pháp luôn đặt vấn đề về sự cần thiết của các quy định của điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Điều 7 Luật Đầu tư.

Ngoài ra, trên cơ sở kết quả rà soát, có 33 luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của 11 bộ, cơ quan ngang bộ cần sửa đổi, bổ sung. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 31/33 luật đã được lập đề nghị sửa đổi và được Chính phủ thông qua tại phiên họp tháng 11 và phiên họp tháng 12-2017.

Theo Chân Luận

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên