MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên

Những năm gần đây, kinh tế tư nhân được nhắc đến như một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. "Sự nhìn nhận này đến khá muộn màng, mất gần 30 năm", TS. Trần Đình Thiên nhận định, nhưng ông cũng nói rằng “dù sao cũng mở ra cơ hội để khối tư nhân bứt phá”.

Chúng tôi có cuộc gặp với TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một chiều cận Tết. Từ văn phòng của ông nhìn xuống là những dòng phương tiện hối hả tấp nập. "Kinh tế 2 năm nay đã tốt lên", ông Thiên bắt đầu câu chuyện và trong mạch nói, rất nhiều lần ông nhắc đến vai trò định hình của khu vực kinh tế tư nhân.

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên - Ảnh 1.

Với năm vừa qua, đâu là những chỉ số kinh tế khiến ông ấn tượng nhất?

Số liệu năm nay cho thấy nhiều điều ấn tượng, ví dụ như xuất siêu, đầu tư nước ngoài hay lượng kiều hồi về nhiều. Nhưng nếu phải chọn chỉ số phản ánh căn bản cho nền kinh tế thì phải nói đến cả cặp GDP và CPI. Kết thúc năm 2018, GDP đạt con số ấn tượng là 7,08% còn CPI trong tầm kiểm soát, đạt 3,54%.

Mặc dù 2 chỉ số này chưa chắc đã nổi bật bằng con số FDI hay xuất khẩu nhưng nó chứng minh được rằng Việt Nam đã bắt đầu thay đổi cách tư duy về tăng trưởng và phát triển.

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên - Ảnh 2.

Trước đây, Việt Nam nỗ lực, cốt bằng mọi cách để tăng trưởng cao và thường không chú ý đúng mức đến việc giữ ổn định vĩ mô khiến cho kết quả đạt được là mong manh. 2 năm trở lại đây, cách tiếp cận đã khác đi nhiều khi chúng ta dựa trên nền tảng ổn định vĩ mô để đạt được tốc độ cao.

Nó không có nghĩa là chúng ta hi sinh tốc độ tăng trưởng, tôi nhấn mạnh không có sự hi sinh gì ở đây cả. Chỉ là đất nước thực hiện chuyển đổi tư duy về mô hình tăng trưởng. Điều này cực kỳ có ý nghĩa.

Mặt khác, GDP tăng cao cũng cho thấy Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng trong điều kiện thế giới bất ổn và trong chiều hướng suy giảm chung về tăng trưởng, thương mại.

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên - Ảnh 3.

Chúng ta ở cạnh Trung Quốc, có quan hệ phụ thuộc khá nặng với thị trường này về nhập khẩu. Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ. Thực tế, đây là hai đối tác thương mại rất lớn của chúng ta. Trong tình trạng hai nước đang chiến tranh thương mại, việc đất nước vẫn giữ được thế cân bằng thương mại là điểm rất ấn tượng.

Cho nên không phải tình cờ mà trong báo cáo của World Bank năm nay, họ dùng nhiều lời khen đối với Việt Nam. Tôi cho rằng đây là chuyện đáng khích lệ.

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên - Ảnh 4.

Như ông nói World Bank đánh giá cao Việt Nam nhưng đơn vị này cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác đã dự báo tăng trưởng Việt Nam sẽ suy giảm trong năm 2019. Điều này ngược với quan điểm của các nhà nghiên cứu trong nước khi GDP vẫn có thể đạt 7%. Tại sao có sự chênh lệch này?

Những năm gần đây các tổ chức thế giới đưa ra dự báo khá thận trọng, thường thấp hơn dự báo trong nước và kết quả chúng ta thực đạt. Điều này nói lên nỗ lực của Việt Nam đã vượt qua cái mà thế giới tính đến. Chúng ta cố gắng rất mạnh, đặc biệt là nỗ lực cho khu vực tư nhân. Chính phủ đang tháo gỡ để khu vực này xứng đáng là một động lực quan trọng. Niềm tin đang lan tỏa mạnh mẽ trong nền kinh tế.

Mặt khác, tôi cho rằng lập luận của các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng rất logic. Trong bối cảnh chung thế giới đang tăng trưởng chậm lại và đối diện nhiều bất ổn thì Việt Nam một mình khó thể đi nhanh được. Nó giống như việc bạn đang trong một dòng người đông đúc đi chầm chậm thì khó mà len lỏi tăng tốc, trong khi sức lực chưa hẳn đã dồi dào.

Nghĩa là họ không phủ nhận chúng ta tốt, nhưng nhịp theo sẽ là chậm, chứ khó bứt phá được. Dự báo của họ vẫn nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam tích cực và đầy triển vọng.

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên - Ảnh 5.

Nhưng với độ mở cao của nền kinh tế, không thể nói rằng Việt Nam miễn nhiễm với những bất ổn của thế giới?

Như tôi đã nói, hai chủ thể của chiến tranh thương mại thế giới đều là đối tác lớn của Việt Nam dẫn đến cả lợi và hại, song song với nhau. Vấn đề lợi – hại nhiều phân tích đã đề cập rồi, tôi chỉ muốn lưu ý về một cơ hội lịch sử khi hai nền kinh tế va đập với nhau, nhất là nguồn gốc xung đột đến từ công nghệ, sự dịch chuyển toàn cầu.

Nếu chúng ta biết tóm bắt những điều này, chuẩn bị năng lực thật tốt để tận dụng, nó sẽ là cơ hội vô cùng quý giá để bứt phá gắn. Bởi thời điểm này thường gắn với những đợt dịch chuyển lớn như thế này. Việt Nam đang ở đúng vào tâm điểm của sự dịch chuyển.

Thường thì chúng ta hay đối diện với thời cơ nhưng năng lực chuẩn bị chưa được chu đáo mà các hiệp định hội nhập là ví dụ điển hình. Cơ hội cứ thế tràn vào còn năng lực thì thiếu sót. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài rất ý thức được nên họ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đây là bài học để chúng ta biết thay đổi.

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên - Ảnh 6.

Sự chuẩn bị có được hiểu là cởi bỏ các rào cản thể chế và nâng cao sức mạnh nội tại cho doanh nghiệp?

Nếu hiểu như vậy sẽ bị giới hạn trong hai vế này. Gỡ trói thể chế sẽ mang lại môi trường kinh doanh cạnh tranh mà ở đó, doanh nghiệp tư nhân được bình đẳng với các khu vực doanh nghiệp khác. Điều này không chỉ tốt cho doanh nghiệp nội mà còn tạo ra sự kết nối với khu vực đầu tư nước ngoài.

Lâu nay phải thẳng thắn rằng sự kết nối giữa khối FDI và khu vực trong nước không tốt, chưa phát huy đúng và đủ năng lực. Nếu chúng ta biết cách tiếp cận tốt hơn, kết nối được FDI và khu vực nội địa, doanh nghiệp trong nước sẽ được nâng lên và hội nhập toàn cầu. Như vậy, rất nhiều mặt sẽ được cải thiện.

Cách chúng ta làm từ trước đến nay có thể nói đã hình thành cấu trúc kinh tế kiểu hai trong một, rất rời rạc khiến mất đi cơ hội dùng ngoại lực hỗ trợ cho nội lực vươn lên. Đó là bài học cực lớn khi chúng ta bỏ đi cách tính toán kiểu khu vực nhà nước tốt, khu vực tư nhân tốt, hay nước ngoài tốt. Chúng phải cộng hưởng được với nhau.

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên - Ảnh 7.

Trong vài năm gần đây ở một số ngành công nghiệp quan trọng đều nổi lên tập đoàn lớn thuần Việt như VinGroup của Phạm Nhật Vượng, Thaco của Trần Bá Dương, Masan của Nguyễn Đăng Quang…, ông nghĩ gì về vai trò của những doanh nghiệp này trong việc thúc đẩy tăng trưởng cũng như đổi mới của nền kinh tế Việt Nam?

Sự nổi lên của một số tập đoàn tư nhân có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi nó không chỉ cho thấy thực lực của nền kinh tế Việt tăng lên mà còn gợi cho chúng ta một cách tư duy mới về sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam.

Ta kỳ thị tư nhân nhiều rồi, lúc nào cũng chỉ là DNNN. Sau khủng hoảng dù cho kinh tế tư nhân là động lực hồi sinh nền kinh tế, chúng ta vẫn mặc kệ công lao của khối này. Đến mãi gần đây, kinh tế tư nhân với được nhìn nhận, nghĩa là cũng phải gần 30 năm. Hai năm nay, nhờ vào chính sự thay đổi này, kinh tế đã tốt lên.

Dù vậy, kinh tế tư nhân vẫn còn đối diện với môi trường thiếu bình đẳng. Bởi thế, hiệu quả và khả năng bứt phá của doanh nghiệp không cao, thường xuyên bị lép vế.

Lượng doanh nghiệp có nhiều đấy nhưng số trưởng thành lên lại rất ít. Bằng chứng là doanh nghiệp tư nhân đóng góp chưa đến 10% GDP, rất khiêm tốn nếu so sánh với mức 30 – 32% do kinh tế hộ gia đình góp vào.

Sự nổi lên của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như kể trên cho thấy không chỉ cần hỗ trợ cho các DNNVV mà còn phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn, tạo nên cấu trúc khối. Ở đó, doanh nghiệp lớn là nền tảng, trụ cột cho hàng loạt doanh nghiệp nhỏ bám vào, tạo thành một lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam.

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên - Ảnh 8.

Nguyên lý rất quan trọng ở đây là phải ủng hộ, hỗ trợ người thắng thay vì lựa chọn người thắng như trước. Như vậy, trước khi tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực, doanh nghiệp một mặt chứng minh được năng lực, một mặt đưa ra cam kết rất mạnh. Chúng ta phải đảm bảo được nguyên tắc của thị trường, chuyển từ lựa chọn người thắng sang hỗ trợ người thắng.

Trước khi tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực thì phải có cam kết rất mạnh, như thế những doanh nghiệp có năng lực thì họ có điều kiện tiếp cận nguồn lực, vươn lên thành thế lực cạnh tranh quốc gia. Bảo đảm được nguyên tắc thị trường, chuyển từ lựa chọn người thắng sang hỗ trợ người thắng.

Hiện nay xu hướng nhân tài người Việt trở về làm cho các tập đoàn trong nước ngày một nhiều, theo ông, họ quay về vì lý do gì?

Đây là câu chuyện rộng hơn cá nhân lựa chọn của những người tài. Chúng ta thấy rằng Việt Nam đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt, người tài cũng trở về nhiều hơn, điều này hàm nghĩa rằng cơ chế, thể chế của đất nước ngày càng hiện đại, thị trường minh bạch giúp doanh nghiệp có điều kiện hoạt động và các cá nhân có cơ hội trổ tài nhiều hơn. Đây là những thứ không ai nghi ngờ được.

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên - Ảnh 9.

Nhắc nhiều đến khối tư nhân, vậy DNNN thì thế nào? Nếu 30 năm trước kinh tế tư nhân bị "ghét bỏ" thì nay DNNN đang bị đổi vai vì sức cạnh tranh yếu, tính hiệu quả không cao?

Nếu để cho DNNN được cạnh tranh bình thường thì rõ ràng nó sẽ làm tốt. Lâu nay, các doanh nghiệp này được phân vai vế cao hơn trong tiếp cận nguồn lực nhưng nó lại không rõ ràng về chức năng.

Lẽ ra những gì liên quan đến hàng hóa công, nhiệm vụ chính trị và câu chuyện thị trường cần tách biệt ra nhưng chúng ta lại không như vậy, cứ trộn lẫn chúng lại với nhau, không minh bạch về cách chơi.

DNNN tôi cho rằng họ cũng rất khổ chứ chả sung sướng gì. Trong tình thế mù mờ về cơ chế, nhập nhèm về luật chơi dễ sinh ra tiêu cực. Và họ sẽ phải tự trả giá nếu vướng phải. Nguyên nhân từ cơ chế là chính nên nếu quy về vấn đề đạo đức là không hoàn toàn công bằng. Cần phải sòng phẳng để sai đâu sửa đấy.

Doanh nghiệp tư nhân: Từ kẻ bị kỳ thị đến những tỷ phú mang trọng trách gánh vác cả nền kinh tế dưới góc nhìn của TS. Trần Đình Thiên - Ảnh 10.

Nhưng cũng có những DNNN làm tốt, theo ông nguyên nhân do đâu?

Nếu họ dựa trên nguyên lý cạnh tranh thị trường thì sẽ phát triển tốt thôi. Đơn vị nào dựa nhiều vào ưu đãi thì mới sinh chuyện, cái đó phải thấy rất rõ. Tôi đã nói ở trên, ưu đãi giúp họ hưởng lợi nhưng cũng rất khổ khi đối diện với nhiều nguy cơ, rủi ro. Kết quả tệ nhất là vào tù, còn nhà nước mất mát tài sản.

Tôi cho rằng cổ phần hóa là cách chúng ta sửa sai. Phần nào nhà nước giữ lại thì giữ cho rõ ràng, phần nào cổ phần hóa biến họ thành doanh nghiệp đa sở hữu thì phải đảm bảo hoạt động đúng theo thị trường.

Tuy nhiên quá trình này thực sự là khó khăn, vật lộn do lợi ích đan xen nhau rất chặt. Cải cách không dễ chút nào. Tôi nghĩ trong giai đoạn tới đây, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa nhanh và thực chất hơn nữa.

Tài sản mà DNNN nắm là rất lớn, nếu giải phóng được chúng tthì sức đẩy cho tăng trưởng sẽ cao lớn hơn nhiều. Tôi cho rằng nó không ở mức 7 – 8% mà thậm chí còn cao hơn nữa. Chúng ta có quyền nhìn mục tiêu cao hơn. Nếu đạt mục tiêu cao thì logic sẽ là tạo áp lực lên các bộ máy phải hành động. Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mục tiêu cao hơn, thách thức hơn!

Cảm ơn ông!

Phương Ánh
Nguyễn Đông
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên