MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng phi mã

08-06-2021 - 16:09 PM | Bất động sản

Doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng phi mã

Giá thép trong nước liên tục tăng mạnh đến 45-50% trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của ngành xây dựng, khiến không ít doanh nghiệp phải lên tiếng "kêu cứu".

Tăng "phi mã" tới 45-50%

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, từ đầu năm đến nay, giá thép tại khu vực phía Nam đã điều chỉnh tăng khoảng 12 lần, tính từ thời điểm cuối năm 2020.

Doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng phi mã - Ảnh 1.

Giá thép tăng phi mã khiến các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn khi triển khai các dự án.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trí Quang cho biết, từ đầu năm đến nay, giá các loại thép trên thị trường đã tăng từ 45 - 50% so với cuối năm 2020. Chẳng hạn với thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý... thời điểm cuối năm 2020 có giá chỉ khoảng 12.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên hơn 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT). Không riêng giá thép, theo ông Quang, giá các loại vật liệu khác như xi măng, gạch, cát… cũng tăng từ 10-30% do cước vận tải tăng.

"Chi phí cho thép chiếm khoảng 20-25% chi phí xây dựng căn hộ chung cư và khoảng 30% chi phí xây dựng căn nhà liền kề, như vậy, giá thép tăng cao cùng với các chi phí khác sẽ đội giá công trình lên khoảng 15%, buộc chúng tôi phải xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng với chủ đầu tư để điều chỉnh lại", ông Nguyễn Hữu Quang cho biết.

"Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng chấp nhận điều chỉnh lại hợp đồng. Do vậy, công ty cùng một số chủ thầu khác tại TP Hồ Chí Minh đã chịu lỗ khoảng 8% cho mỗi công trình. Để giảm mức độ thiệt hại, công ty chấp nhận mất toàn bộ lãi thi công các công trình, đồng thời tạm hoãn 2 công trình đang thi công dang dở và không nhận thêm công trình mới", ông Quang than thở.

Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành cho biết, so với cuối năm 2020, giá thép tăng mạnh đã gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng các công trình, khiến doanh nghiệp xây dựng không có lãi thậm chí phải chịu lỗ.

Theo tính toán của các chủ đầu tư xây dựng, với một hợp đồng xây dựng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và vật liệu xây dựng chiếm 60 - 70% (thép, sắt, cát, xi măng, đá…), khi giá thép tăng như hiện nay, có thể khiến công trình bị đội lên trên 10%. Cụ thể, một căn hộ dự toán trên giấy tờ (lý thuyết) bán ra 30 triệu đồng/m2, khi thép tăng giá, có thể đẩy căn hộ chào bán ra thị trường đội lên 35 triệu đồng/m2. Tùy chủ đầu tư, nếu họ chia sẻ với khách hàng, giá nhà chào bán ra sẽ tăng ở biên độ vừa phải dưới 10%. Ngược lại nếu chủ đầu tư không thể chia sẻ, giá nhà có thể đội lên trên 10% và khi đó khách hàng là người gánh chịu.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, hiện nay giá căn hộ đang ở mức tương đối cao nhưng nguồn cung khá hạn hẹp bởi vướng nhiều thủ tục khi mở dự án mới. Đơn vị hiện có 2 dự án ở khu vực TP Hồ Chí Minh đã xin giấy phép xây dựng gần 2 năm nhưng chưa xong. Với tình hình hiện tại, dự kiến dịp cuối năm thị trường nhà ở sẽ thiết lập mặt bằng giá mới.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho biết, giá thép tăng quá nóng cùng nhiều loại vật liệu khác đã làm tăng giá thành xây dựng, ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng. Dự báo đến quý 3 và quý 4/2021, việc tăng giá trên sẽ tác động vào giá bán các sản phẩm bất động sản.

Tìm nguyên liệu thay thế trong nước

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thép trong nước dự kiến tăng đến hết quý III/2021. Nguyên nhân do thị trường trong nước đang khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc và Ấn Độ… Trước tình hình này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu thép, có biện pháp kiểm soát để giảm tác động tăng giá thép tới sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã rà soát và xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Chia sẻ giải pháp về "giảm nhiệt" giá thép, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, việc giá thép tăng đang khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu, người tiêu dùng chịu thiệt. Để "giảm nhiệt" giá thép cần sự can thiệp, điều tiết quản lý giá của Nhà nước bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu tạo ra nguồn nguyên liệu khác thay thế các vật liệu nguyên liệu nhập khẩu. Khi xây nhà, các nhà thầu nên chọn các nguyên vật liệu theo hướng vật liệu xanh, vật liệu trong nước để giảm chi phí và giảm phụ thuộc vào các vật liệu nhập khẩu…

Doanh nghiệp xây dựng lao đao vì giá thép tăng phi mã - Ảnh 2.
Các nhà thầu xây dựng mong muốn chủ đầu tư chia sẻ khó khăn với mình khi giá thép tăng. 

Trong khi chờ các cơ quan nhà nước tìm ra những giải pháp cụ thể để hạ nhiệt giá thép, nhiều nhà thầu xây dựng và người dân tại TP Hồ Chí Minh cũng đã chọn giải pháp dừng dự án mới.

Theo đại diện Phú Đông Group (doanh nghiệp vừa phát triển dự án, vừa là đơn vị thi công), nguyên tắc khi ký hợp đồng xây dựng, các nhà thầu thường đưa ra điều kiện trong trường hợp giá nguyên vật liệu biến đổi không quá 3% thì nhà thầu và chủ đầu tư sẽ không có trách nhiệm điều chỉnh chi phí xây dựng. Trong trường hợp mức giá biến đổi quá 3%, hai bên sẽ chia sẻ đều 50 - 50, hoặc tự thỏa thuận phần giá vượt mức đã thống nhất.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa cho biết, nếu giá thép tăng trong giai đoạn ngắn thì nhà thầu sẽ là người chịu hậu quả bởi họ đã kí xong hết các hợp đồng cọc từ trước đó. Tuy nhiên, giá thép tăng mạnh và tăng trong thời gian dài thì chủ đầu tư cần chia sẻ rủi ro với nhà thầu. Nếu chủ đầu chia sẻ với nhà thầu thì chủ đầu tư sẽ phải tính toán lại giá bán căn hộ. Tuy nhiên, việc tăng giá đối với các căn hộ đã xây dựng từ đầu năm tới nay là hoàn toàn không khả thi bởi chủ đầu tư đã chào bán căn hộ từ trước. Vì vậy, chủ đầu tư sẽ chọn điều chỉnh mặt bằng giá bán các căn hộ mới và khi đó người tiêu dùng phải chịu thiệt.

Không chỉ giá thép tăng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà nhiều người dân đang chuẩn bị xây nhà tại TP Hồ Chí Minh cũng chọn tạm dừng không xây nhà trong năm nay.

Chị Hồ Thúy Hải, ngụ ở phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức cho biết, đầu năm 2021 chị tính xây lại căn nhà cấp bốn với nguồn kinh phí dự toán ban đầu khoảng 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chị Hải đã phải tạm hoãn kế hoạch xây nhà từ tháng 4 vì giá thép tăng quá cao đã đẩy chi phí xây nhà chị Hải đội lên thêm khoảng 500 triệu đồng.

"Tôi dự kiến xây nhà mới khoảng 2,5 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 1 tỷ đồng, vốn gia đình đang có 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi nghe chủ đầu tư báo giá thép tăng nên giá nhà sau khi hoàn thiện sẽ tăng 500 triệu đồng. Số tiền này quá lớn đối với mức chuẩn bị của gia đình nên tôi quyết định dừng việc xây nhà và chờ giá thép ổn định mới tiếp tục làm", chị Hồ Thúy Hải nói.

Theo Hoàng Tuyết

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên