MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo cáo kiểm toán 2013 lỗ "khủng": STL đã cho cổ đông "ăn bánh vẽ"?

09-07-2014 - 11:15 AM | Doanh nghiệp

Nếu so sánh kết quả thực hiện năm 2013 với những kế hoạch mà STL vạch ra trước đó (tháng 7/2013, tức là chỉ 5 tháng trước khi kết thúc năm tài chính), cổ đông STL không khỏi thất vọng.

Sau hơn nửa năm 2014 trôi qua, Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long (STL) mới chính thức công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2013 với tình hình tương đối u ám.

Còn nhớ cách đây 1 năm, cổ phiếu STL bỗng nhiên gây tiếng vang trên sàn chứng khoán với thông tin bị hủy niêm yết bắt buộc. Đáng chú ý, thông tin đó được đưa ra sau vài tiếng STL lên tiếng sẽ khắc phục tình hình kinh doanh yếu kém, lợi nhuận 2013 đạt ít nhất 130 tỷ đồng chủ yếu từ các dự án. [STL dự kiến ghi nhận 100 tỷ đồng lợi nhuận từ cụm CT1 dự án Usilk City năm 2013]

Tháng 7/2014 trở nên đáng nhớ hơn với STL khi kết quả kinh doanh năm 2013 của công ty lại tiếp tục thua lỗ, còn trầm trọng hơn kết quả năm 2012 (đã khiến công ty phải bỏ cuộc chơi từ HNX xuống UpCOM).

So với tình hình kinh doanh 2012, hoạt động kinh doanh của STL năm 2013 có một số điểm đáng chú ý sau đây:

- Doanh thu thuần sụt giảm đáng kể, từ 590 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn 132 tỷ đồng.

- Công ty xuất hiện lỗ gộp 214 tỷ đồng, trong khi năm 2012 vẫn lãi gộp 21 tỷ đồng.

- Lỗ sâu 343 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ), trong khi năm 2012 công ty "chỉ" lỗ 181 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, tính ra, mỗi cổ phiếu của STL đang phải gánh một khoản lỗ 22.844 đồng trong riêng năm 2013.

- Với việc lỗ sâu năm 2013, STL đã chính thức "thủng" vốn chủ sở hữu. Tại thời điểm cuối năm 2013 vốn chủ sở hữu của STL âm 337,6 tỷ đồng.

Kiểm toán từ chối đưa ý kiến

Thua lỗ, hụt doanh thu không phải là tất cả vấn đề của STL. Báo cáo tài chính của công ty này còn bị "đóng dấu" bởi việc kiểm toán từ chối đưa ý kiến về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Mặc dù Ban Tổng giám đốc STL đã xây dựng phương án kinh doanh để đảm bảo khả năng thanh toán của công ty trong thời gian ít nhất 1 năm tới, kiểm toán BCTC không thu thập được các bằng chứng kiểm toán hữu hiệu để đánh giá sự phù hợp của các giả định hoạt động liên tục của công ty.

Tại thời điểm cuối năm 2013, nợ ngắn hạn của STL vượt tài sản ngắn hạn 1.477 tỷ đồng, lỗ lũy kế 516 tỷ đồng và vốn chủ âm 227,6 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán cũng cho biết các công ty con của STL bao gồm CTCP 353, CTCP Thăng Long Sài Gòn và Công ty TNHH Tư vấn Franken Nguyễn đã có dấu hiệu dừng hoạt động từ giữa năm 2012.

Tổng chi phí lãi vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2013 đang được STL vốn hóa vào dự án Usilk City là 54 tỷ đồng. Do đó, chi phí tài chính của năm 2013 của công ty đã ghi nhận thiếu với số tiền tương ứng, chỉ còn 27,1 tỷ đồng, trong đó gần 9 tỷ đồng là chi phí lãi vay.

STL cho cổ đông "ăn bánh vẽ"

Còn nhớ, sau kết quả kinh doanh bê bết năm 2012, Sông Đà Thăng Long đã có văn bản giải trình nguyên nhân thua lỗ và đề ra phương án khắc phục trong năm 2013. Trong đó, công ty cho biết đang tập trung mọi nguồn lực vào thực hiện đầu tư dự án khu đô thị Usilk City cho công tác hoàn thiện và bàn giao. Dự kiến hơn 600 căn hộ của cụm CT1 thuộc dự án sẽ được bàn giao cho khách hàng trước ngày 31/12/2013 tạo doanh thu trên 540 tỷ đồng. Giá trị lợi nhuận dự kiến đạt 100 tỷ đồng sẽ được ghi nhận vào năm tài chính 2013. Bên cạnh đó là các nguồn thu từ hoạt động xây dựng và hoạt động khác khoảng 30 tỷ đồng nữa.

Tất nhiên, trong việc lập kế hoạch kinh doanh, đòi hỏi việc chính xác 100% là quá khắt khe. Thế nhưng nếu so sánh kết quả thực hiện năm 2013 với những kế hoạch mà STL vạch ra trước đó (tháng 7/2013, tức là chỉ 5 tháng trước khi kết thúc năm tài chính), cổ đông STL không khỏi thất vọng. Không những không cải thiện, tình hình kinh doanh của STL còn đi xuống tệ hại.

Tại thời điểm kết thúc năm 2013, doanh thu ghi nhận trước của STL cho dự án Văn Khê đạt gần 72 tỷ đồng, dự án Usilk City gần 10 tỷ đồng... Nên nhớ, đó là doanh thu ghi nhận trước, chưa chính thức được hiện thực hóa. Doanh thu đủ điều kiện ghi nhận của STL năm 2013, như đã nói ở trên, đã sụt giảm sâu so với năm 2012. Như vậy, có thể thấy tình hình thực hiện các dự án của STL là tương đối u ám.

Tại thời điểm cuối năm 2013, hàng tồn kho của STL tăng 360 tỷ so với đầu năm, đạt 1.460 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Chi phí xây dựng cơ bản dở giang của STL cuối năm cũng tăng trên 200 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 1.714 tỷ đồng.

Được biết, kết quả kinh doanh quý 1 năm 2014 của STL vẫn không lấy gì làm sáng sủa với doanh thu sụt giảm sâu so với cùng kỳ và lỗ ròng 13,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng trên 5 tỷ đồng.

>> STL: Bất ngờ bị hủy niêm yết từ 26/7 sau tin tốt

Hồng Minh

thunm

HNX

Trở lên trên