MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bóng” cổ đông nhà nước còn quá lớn

18-04-2008 - 07:24 AM | Doanh nghiệp

Mùa đại hội năm nay, cái bóng của cổ đông nhà nước vẫn trùm lên cả đại hội cổ đông.

ĐHCĐ ở một vài DNNN cổ phần hóa cho thấy, cổ đông nhà nước còn ảnh hưởng quá mức cần thiết đến các quyết định và cung cách làm việc của các công ty trên. Điều này làm cho các cổ đông khác rất ức chế, bởi họ mong muốn công ty thực sự phải là công ty đại chúng cởi mở và cầu thị, ít ra và trước tiên cũng là thể hiện trong ĐHCĐ.
 
Đại diện của hai quỹ đầu tư lớn là Vinacapital và Prudential đã giơ phiếu không đồng ý thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2008 của Tổng công ty cổ phần Bảo Minh tại ĐHCĐ diễn ra vào ngày 11/4 tại TP. HCM. Cùng với hai đại diện này có khoảng 3 cổ đông cá nhân khác.
 
Đại diện Vinacapital nói: “Không giải thích gì hết mà bắt người ta thông qua sao được”. Một cổ đông khác không đồng ý kế hoạch sản xuất - kinh doanh này bày tỏ: “Tôi mong muốn được giải thích cụ thể hơn”.
 
Mặc dù 91,44% số phiếu tham dự Đại hội bỏ phiếu thông qua kế hoạch năm 2008 của Bảo Minh nhưng việc một số NĐT chuyên nghiệp không đồng ý là thể hiện sự không đồng tình với việc lảng tránh các câu trả lời chất vấn của cổ đông từ phía HĐQT.
 
Tại Đại hội, nhiều câu hỏi nêu ra từ phía cổ đông về việc Bảo Minh có kế hoạch gì để ngừng lỗ trong kinh doanh bảo hiểm, cơ cấu lợi nhuận năm 2008 như thế nào giữa hai lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính, tăng trưởng của Công ty thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của ngành, tỷ lệ tái bảo hiểm có quá cao vì càng bảo hiểm càng lỗ nên phải tái bảo hiểm, giải pháp nào để tăng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu gần 2.000 tỷ đồng, tại sao các cán bộ chủ chốt rời khỏi Bảo Minh, không nên để Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc…?
 
Các câu hỏi này được đặt ra rất bức xúc bởi năm 2007, Bảo Minh lỗ 95 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm. Đầu tư tài chính đem lại cho Công ty khoản lợi nhuận sau thuế là 132,7 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận năm 2008 là 136 tỷ đồng, chỉ tăng trưởng 2,7% so với năm 2007.
 
Những vấn đề đó làm cho cổ đông hết sức lo lắng khi Chủ tịch HĐQT không trực tiếp trả lời bất kỳ một câu hỏi nào. Các câu hỏi chi tiết do các thành viên Ban điều hành như phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, đại diện công ty kiểm toán trả lời và trả lời theo kiểu cam kết các số liệu là chính xác. Những vấn đề về chiến lược, giải pháp không được HĐQT đề cập.
 
Vào lúc 11 giờ 30 phút, với lý do thời gian có hạn, Chủ tịch HĐQT đã yêu cầu các cổ đông biểu quyết ba vấn đề lớn là kế hoạch kinh doanh năm 2007, chia cổ tức năm 2007 với tỷ lệ 7% và kế hoạch lợi nhuận năm 2008, nhưng nhiều cổ đông vẫn giơ phiếu muốn tiếp tục đặt câu hỏi.
 
Một đại diện của cổ đông ngành hàng không còn trích dẫn Điều lệ Công ty quy định: “Mọi vấn đề cần thông qua ĐHCĐ phải được thảo luận trước khi thông qua” để phản đối ông chủ tịch HĐQT yêu cầu cổ đông gửi câu hỏi để Công ty trả lời bằng văn bản sau Đại hội.
 
Một cổ đông khác cố gắng đặt câu hỏi mà nhiều người muốn hỏi, như cơ cấu lợi nhuận năm 2008, kết quả kinh doanh quý I/2008, định giá lại danh mục đầu tư là bao nhiêu…
 
Theo ông Phó tổng giám đốc Bảo Minh, cuối năm 2007, vốn đầu tư của Bảo Minh là 900 tỷ đồng, mới đây đã bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng thì trong đó có 37 tỷ đồng đầu tư vào các cổ phiếu tiềm năng như VCB, Sabeco…
 
Vẫn theo ông này, danh mục đầu tư của Bảo Minh không thể tối đa hoá lợi nhuận như các quỹ đầu tư mà phải xoay quanh quy định của Bộ Tài chính; chẳng hạn như, tuân thủ quy định về biên khả năng thanh toán thì 10 -15% giá trị cổ phiếu bị loại ra khỏi khả năng thanh toán và tương tự về giá trị đầu tư bất động sản.
 
Rốt cuộc, không nhận được câu trả lời thoả đáng nên các cổ đông chuyên nghiệp đã không thông qua phương án kinh doanh năm 2008 mà HĐQT đã trình, kèm theo lời bình luận: điều hành vẫn theo kiểu “quan chức nhà nước” lắm.
 
Nhân đây cũng xin nói thêm, tại ĐHCĐ của CTCP Phân đạm và Hoá chất dầu khí (DPM), Công ty mà cổ đông nhà nước còn chiếm cổ phần chi phối , khi cổ đông không đồng ý việc “dừng đặt câu hỏi, còn gì thắc mắc sẽ trả lời bằng văn bản” thì Chủ tọa đã kéo dài thời gian thảo luận đến đầu giờ chiều.
 
Cách ứng xử này tiến bộ hơn Bảo Minh, nhưng khi cổ đông yêu cầu DPM tăng thù lao của HĐQT cho xứng với trách nhiệm thì câu trả lời là: “mức thù lao này Tập đoàn Dầu khí đã kêu là cao hơn hơn mức trung bình của ngành rồi”.
 
Sau khi trừ thuế, Chủ tịch HĐQT DPM bỏ túi khoản thù lao 3.000 USD/tháng, thấp hơn nhiều mức lương 120 triệu đồng/tháng của Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ Điện lạnh REE, trong khi số lượng cổ đông và vốn của DPM lớn hơn nhiều.
 
Những điều trên cho thấy, cổ đông nhà nước vẫn chi phối quá mức đến các công ty đã cổ phần hoá, đã chuyển thành công ty đại chúng ở các cấp độ khác nhau.
 
Mùa ĐHCĐ năm ngoái, dư luận còn nhớ đại diện cổ đông nhà nước ở một vài CTCP đã thông qua những phương án chia cổ phiếu làm thiệt hại quyền lợi cho cổ đông nhỏ… Mùa đại hội năm nay, người viết bài này cảm nhận cái bóng của cổ đông nhà nước vẫn trùm lên cả ĐHCĐ.
 
Theo Thu Hương
ĐTCK

thanhtu

Trở lên trên