MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần chia nhỏ “ông lớn” để có cạnh tranh

25-07-2015 - 17:07 PM | Doanh nghiệp

Theo cách làm của nhiều nước, để tạo thị trường cạnh tranh thì phải hạn chế khả năng độc quyền, có khi phải chia nhỏ những “ông lớn” để có cạnh tranh.

Người dân mong muốn được bảo vệ hơn trước sự độc quyền, đồng thời cần cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước - ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), phân tích thêm về báo cáo “Cảm nhận của người dân về Nhà nước và thị trường VN 2014 (CAMS 2014)” vừa công bố. Ông Tuấn nói:

Báo cáo CAMS 2014 do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện hoàn toàn khách quan. Chúng tôi mong muốn đem đến một chuỗi thông tin về cảm nhận, qua đó thể hiện mong muốn của người dân sau ba năm, tính từ năm 2011.

* Có một điểm mâu thuẫn trong CAMS 2014 là dù ủng hộ kinh tế thị trường (89%) nhưng người dân vẫn mong Nhà nước can thiệp giá (75%). Điều này được giải thích như thế nào, thưa ông?

- Một số ý kiến ngạc nhiên khi vẫn có 75% người trả lời mong muốn có sự can thiệp của Nhà nước vào giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Trong khi phần lớn người dân trả lời điều tra khẳng định ủng hộ kinh tế thị trường, họ đánh giá dịch vụ tư nhân cung cấp cao hơn Nhà nước cung cấp rất nhiều. Họ cũng muốn minh bạch hơn.

Điều này có thể do nhiều người dân VN vẫn quen với bao cấp, “muốn được Nhà nước ôm ấp”, nhưng cũng có thể có nguyên nhân các thiết chế thị trường của VN chưa thật sự mạnh, đang hoàn thiện, người dân chưa yên tâm và vẫn lo doanh nghiệp vì lợi nhuận sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến họ.

Chẳng hạn trong lĩnh vực điện, hiện nay thả cho thị trường hoàn toàn sao được khi nhiều nhà máy điện nhưng chỉ một người mua là Tập đoàn Điện lực VN (EVN).

Rồi 90 triệu dân VN chỉ được mua từ một nhà cung cấp duy nhất là EVN. Hay các mặt hàng khác như thuốc men, xăng dầu, sữa... thị trường cũng có sự hạn chế nhất định.

* Như vậy, theo ông, Nhà nước có nên tiếp tục can thiệp không?

- Tôi cho rằng nếu Nhà nước có hai hành động là “làm cho thị trường vận hành hiệu quả” hay “để cho thị trường vận hành hiệu quả” thì bối cảnh hiện nay có lẽ VN nên tập trung vào việc “để cho thị trường vận hành hiệu quả” trước.

Thực tế ở một số lĩnh vực Nhà nước đang tranh đoạt chức năng của thị trường, làm cho nó méo mó đi.

Bản thân Nhà nước có sức mạnh hữu hạn khó có thể bình ổn thị trường hoàn toàn theo ý mình, nên như giá xăng dầu, sau một thời gian kìm bằng biện pháp hành chính, sau đó thường phải tăng mạnh để bù, tạo hiện tượng giật cục. Giá điện cũng vậy.

Theo tôi, Nhà nước nếu can thiệp vào thị trường thì nên chú trọng tạo luật chơi, tạo sự cạnh tranh bình đẳng và để cho thị trường vận hành cùng với sức mạnh của nó.

Theo cách làm của nhiều nước, để tạo thị trường cạnh tranh thì phải hạn chế khả năng độc quyền, có khi phải chia nhỏ những “ông lớn” để có cạnh tranh. Nếu chỉ thay đổi giá theo thị trường, khi vẫn có những "ông" có vị thế thống lĩnh, chi phối thì thị trường chỉ được “một nửa”.

Dù người dân đánh giá cao các biện pháp bình ổn giá, nhưng qua khảo sát, chỉ 10-20% người dân nói họ được lợi, còn lại cho rằng họ gần như không nhận biết được gì từ biện pháp can thiệp, bình ổn giá.

* Có những chỉ số trong CAMS 2014 bị đánh giá thấp hơn 2011. Chênh lệch giàu nghèo hay sự minh bạch khiến ông lo ngại?

- Trong CAMS 2014, chúng tôi chỉ đưa ra một câu hỏi về lo ngại chênh lệch giàu nghèo và 47% người trả lời lo ngại với tình trạng khoảng cách phân hóa giàu nghèo trong 10 năm vừa qua.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực chúng tôi không hỏi sâu và chắc cần có những khảo sát khác để có thể trả lời đầy đủ hơn. Về vấn đề minh bạch, chúng tôi cho rằng đáng lưu ý, vì VN đã đưa ra nhiều chính sách nhưng người dân đánh giá sự minh bạch trong năm 2014 vẫn thấp hơn 2011 (khoảng 2%).

Tỉ lệ đánh giá quá trình hoạch định và thi hành chính sách ở VN “minh bạch cao” chỉ 15%. Điều đáng lưu ý là có sự khác biệt lớn trong nhận định, người trả lời ở các cơ quan chính quyền thì cho rằng minh bạch đã cao, trong khi một số đối tượng khác thì lại cho rằng rất thấp.

Rõ ràng, đây là cơ hội để cơ quan nhà nước nhìn lại dưới góc nhìn người dân, doanh nghiệp. Nhiều cơ quan vẫn nói chính sách pháp luật có sẵn, đã minh bạch rồi. Nhưng rõ ràng theo đa số người tham gia khảo sát là chưa đủ.

* Nhóm người trả lời đến từ các cơ quan Đảng, Chính phủ ủng hộ tư nhân hóa rất cao, khoảng 68-73%. Ông có bất ngờ không?

- Tôi không bất ngờ. Vai trò khu vực tư nhân gần đây đã được đề cao. Sau thất bại của một số tập đoàn nhà nước lớn, các chính sách thu hút, đề cao tư nhân đã được chú trọng.

Tư nhân đã được tham gia, kêu gọi đầu tư vào hạ tầng và nhiều lĩnh vực khác như nghị định về đối tác công tư Chính phủ vừa ban hành vừa rồi.

Tuy nhiên, có sự đối xử không công bằng giữa tư nhân có quan hệ tốt với tư nhân không có quan hệ; hay phân biệt giữa các doanh nghiệp có vốn nước ngoài lớn với khu vực tư nhân nhỏ và vừa ở khâu tiếp cận đất đai, vốn...

Tôi cho rằng cần tạo sự công bằng hơn, chú trọng hơn đến khu vực tư nhân nhỏ và vừa khi chúng ta đều cho rằng khu vực này ưu việt. Không nước nào phát triển tốt chỉ nhờ khu vực FDI trong khi doanh nghiệp tư nhân trong nước quá nhỏ bé, manh mún...

* Chỉ 19% người dân hài lòng về tình hình kinh tế hiện tại. Theo ông, đây có phải là mức thấp?

- Cần nhìn tổng thể vì 19% hài lòng chỉ là một sự đánh giá. Điều này cũng bị chi phối nhiều bởi tình hình kinh tế khó khăn của thế giới và VN những năm vừa qua.

Bên cạnh đó, CAMS 2014 cho thấy có 41% trả lời cho rằng tình hình kinh tế VN hiện nay tốt hơn so với năm năm trước, chỉ 23% không đồng ý nhận định này.

Và mặc dù chưa thực đánh giá cao tình hình kinh tế hiện nay nhưng vẫn có trung bình 63% số người trả lời lạc quan, tin tưởng vào tương lai khi đồng tình với câu hỏi “trẻ em hiện nay rồi sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn thế hệ chúng tôi”.

* Có ý kiến nêu khảo sát chỉ thu được trên 1.400 phiếu trả lời, có đủ để đưa ra nhận định chính xác không?

- Khảo sát CAMS chúng tôi không chọn mẫu cho toàn thể người VN, chúng tôi chủ định tập trung vào những nhóm đối tượng mà chúng tôi quan tâm, tập trung vào vấn đề liên quan đến chức năng của VCCI.

Đây là điều tra cảm nhận, để xem người dân thuộc các nhóm khác nhau nghĩ như thế nào. Chúng tôi khảo sát những đối tượng một cách có chủ đích, gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (51%), các nhóm đối chứng như cơ quan nhà nước ở trung ương (cán bộ làm việc trong cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội), cơ quan nhà nước địa phương từ UBND và sở ngành cấp tỉnh (37%), báo chí (4%) và đa dạng bằng cách hỏi cả sinh viên, người thất nghiệp, đã về hưu (3%)...

Khảo sát liên quan cảm nhận về Nhà nước và thị trường, không đơn giản, nên chúng tôi tập trung vào nhóm có trình độ cao, 93% người trả lời cuộc điều tra này đã tốt nghiệp đại học, 26% trình độ sau đại học...

CAMS 2014 có thể đem lại một số nội dung không dễ nghe, nhưng chúng tôi khẳng định hoàn toàn khách quan. Khảo sát này mong đem đến một góc nhìn thú vị và từ kết quả này, chúng tôi hi vọng các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách có thể có cái nhìn toàn diện hơn để định hướng chính sách.

 

 

Theo Cầm Văn Kình

Tuổi trẻ

Trở lên trên