MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cắt người muốn cắt" có làm mất đi người muốn giữ?

26-06-2014 - 11:16 AM | Doanh nghiệp

Khi cắt giảm nhân sự, các doanh nghiệp này phải đối diện với một loạt chi phí trực tiếp lẫn chi phí cơ hội còn đắt hơn nhiều so với việc tiết kiệm tiền lương mang lại.

Trong buổi tọa đàm về Quản trị nhân sự 2014 với chủ đề "Sàng lọc nhân sự thời khủng hoảng" do TalentPool và CFVG phối hợp tổ chức, bà Vũ My Lan, Giám đốc thương mại Marsh Việt Nam đã chia sẻ về việc cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn.

Trong giai đoạn khủng hoảng chung của nền kinh tế cũng như của mỗi doanh nghiệp, việc sàng lọc nhân sự khiến nhiều người nghĩ đến việc cắt giảm nhân sự nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh. Thế nhưng, theo bà Vũ My Lan, việc cắt giảm nhân sự tỏ ra không hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng, đẩy doanh nghiệp đến những thiệt hại vô hình và hữu hình khó lường.

Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Colorado, Mỹ sau khi khảo sát một loạt doanh nghiệp có chính sách cắt giảm nhân sự, hiệu quả thực tế của việc cắt giảm "không đáng là bao". Thậm chí, các doanh nghiệp này phải đối diện với một loạt chi phí trực tiếp lẫn chi phí cơ hội còn đắt hơn nhiều so với việc tiết kiệm tiền lương mang lại.

Cụ thể, chi phí trực tiếp của việc cắt giảm là bồi thường thôi việc. Thương lượng bồi thường nhiều khi không hề đơn giản, khi nhân sự có quyền "đòi" những quyền lợi mà họ cho rằng họ đáng được hưởng. Hơn nữa, một doanh nghiệp không thể cứ thắt chặt nhân sự mãi, vẫn phải vượt qua khủng hoảng và mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi đó, chi phí tuyển dụng nhân sự, đào tạo mới là không hề nhỏ.

Cắt giảm nhân sự cũng tạo ra một hiệu ứng tiêu cực. Đối với một số doanh nghiệp niêm yết, thông tin cắt giảm nhân sự có thể được coi là một tín hiệu "xấu" khiến giá cổ phiếu sụt giảm ngay sau đó.

Ngoài ra, chi phí vô hình của việc cắt giảm nhân sự cũng cần được cân nhắc. Đó là môi trường làm việc trở nên căng thẳng, sự kết nối giữa các cá nhân không còn khăng khít, giảm năng suất lao động. Nghiêm trọng hơn, khi ta "cắt người muốn cắt", nhưng thực tế lại đang làm mất đi người muốn giữ. Môi trường căng thẳng và tăng stress dẫn đến việc thôi việc tự nguyện của các nhân viên xuất sắc hơn. Đó là tổn thất mà doanh nghiệp khó có thể bù đắp nổi.

Vậy, trong thời kỳ khủng hoảng, chúng ta phải xử lý như thế nào để tiết giảm chi phí?


Điều quan trọng là việc cắt giảm nhân sự, nếu chỉ với mục đích tiết giảm chi phí, thì tốt nhất là đừng làm. Điều cần thiết là việc sắp xếp, cải tổ hệ thống nhân sự. Trong thời kỳ khủng hoảng, thường các doanh nghiệp lớn sẽ tìm cách siết chặt nhân sự, tức là cân nhắc kỹ càng hơn việc tuyển dụng thêm nhân sự, thay vì giảm bớt nhân sự. Theo đó, để một bộ phận muốn tuyển thêm nhân sự, họ cần sự phê chuẩn từ rất nhiều cấp trên, đồng thời phải trình bày lý do, hiệu quả thực sự của việc tuyển dụng thêm. Điều này khiến các bộ phận cân nhắc kỹ càng hơn trong việc tuyển dụng, hiệu quả tuyển dụng (nếu có) vì vậy cũng được nâng cao.

Ngọc Lan

thunm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên