MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ hy vọng ở quý 2

10-01-2013 - 09:12 AM | Doanh nghiệp

“Quý 1 năm nay phải chấp nhận làm ra để tồn kho, với đà này, sản lượng xuất khẩu cá tra giảm ít nhất 15 – 20% so với năm ngoái”

Ngay từ những ngày đầu năm 2013, tình hình xuất khẩu nhiều ngành hàng lại tiếp tục rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng vì không có đơn hàng. Có trường hợp doanh nghiệp chấp nhận làm lỗ để duy trì hoạt động nhà máy. Dự báo phải hết quý 1 năm nay tình hình mới khá hơn...

Thuỷ sản: chưa xuất đã lo tồn kho

Thuỷ sản là một trong số mặt hàng thể hiện rõ nhất sự trầm lắng ngay từ những ngày đầu năm 2013. Chỉ một vài doanh nghiệp lớn, có khách hàng lâu năm đã ký được hợp đồng xuất khẩu, đa số đều trong trạng thái hoạt động cầm chừng để duy trì công nhân. Giám đốc một doanh nghiệp chế biến cá tra ở Đồng Tháp cho biết, khách hàng châu Âu, Mỹ không dám mua cá sớm do trong năm 2012 doanh nghiệp Việt Nam liên tục hạ giá bán khiến người mua trước gặp rất nhiều bất lợi. Vị giám đốc này nói: “Quý 4/2012 giá cá tra xuất đi châu Âu giảm 4 – 5 lần, khách hàng mua lô trước vận chuyển chưa về tới cảng thì đã bị lỗ so với lô sau”.

Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) thừa nhận do áp lực tài chính nên doanh nghiệp phải bán cá bằng mọi giá. Hiện vẫn có đơn hàng chào giá 2,4 – 2,45 USD/kg, thấp hơn mặt bằng chung là 2,7 – 2,8 USD/kg.

Theo thông tin từ Vasep, hiện chỉ có 20% trong hơn 70 doanh nghiệp ngành cá tra hoạt động tốt. “Quý 1 năm nay phải chấp nhận làm ra để tồn kho, với đà này, sản lượng xuất khẩu cá tra giảm ít nhất 15 – 20% so với năm ngoái”, ông Minh đánh giá.

Khảo sát tình hình nuôi cá ở nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Vasep cho rằng, năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra trầm trọng. Do vậy, ông Dương Ngọc Minh cho rằng giá cá xuất khẩu sẽ tăng.

Ở thị trường gạo, ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết mới chỉ có một ít đơn hàng thương mại xuất sang Trung Quốc, nên có thể tháng 2, tháng 3 tới đây vụ lúa đông xuân thu hoạch sẽ gặp khó trong vấn đề tiêu thụ. Các nhà nhập khẩu từ Philippines, Malaysia, Indonesia vẫn chưa có động thái mua gạo. Ông Bảy cho biết: “Tôi nghĩ sẽ phải mua tạm trữ do cạnh tranh với gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Myanmar, Pakistan”. Có lẽ vì mức độ cạnh tranh như vậy mà năm nay, VFA để doanh nghiệp tự quyết định giá bán chứ không kiểm soát như các năm trước. VFA quy định giá tối thiểu loại gạo 35% tấm xuất khẩu là 370 USD/tấn.

Dệt may: giữ đơn hàng

Tính đến hết tuần đầu tháng 1 này, hầu hết các doanh nghiệp ngành dệt may đã kín đơn hàng xuất khẩu cho quý 1, khoảng 50% có đơn hàng cho quý 2 và khoảng 20% đã có đơn hàng cho cả năm. “Năm 2013 ngành dệt may sẽ tốt hơn năm ngoái, hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi và tăng trưởng hơn năm 2012”, ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nói.

Ông Hồng cho biết thêm: “Đơn hàng tăng là do thị trường tiêu thụ Âu Mỹ đã có dấu hiệu tăng trở lại, cộng thêm nỗ lực của doanh nghiệp thông qua cam kết giao hàng đúng hạn, không tăng giá”. Trong bối cảnh chi phí đầu vào như lương công nhân, giá điện, doanh nghiệp chấp nhận không tăng giá đồng nghĩa với việc giảm lợi nhuận. Ông Lê Quang Hùng, tổng giám đốc công ty may Garmex cho biết, kế hoạch tăng trưởng 10%, tức doanh thu khoảng 1.100 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận nếu bằng được năm ngoái là giỏi.

Các doanh nghiệp ngành dệt may hy vọng đơn hàng sẽ tăng dồn vào các quý cuối năm 2013 khi thị trường tiêu thụ toàn cầu khởi sắc. Cụ thể, theo ông Hồng, hết quý 1, tức sau tết Nguyên đán, tình hình nhân công lao động của các công ty dệt may mới có thể ổn định trở lại, từ đó doanh nghiệp mới có thể tính toán kế hoạch cho đơn hàng chi tiết hơn.

Vitas dự kiến năm 2013 ngành dệt may xuất khẩu 18,5 – 19 tỉ USD. Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may vẫn là Mỹ, Nhật Bản và EU. Cụ thể, tăng trưởng xuất khẩu vào châu Âu từ 5 – 6%, thị trường Mỹ từ 12 – 14%, thị trường Hàn Quốc có thể không duy trì tăng trưởng 25%, nhưng có thể tăng thêm kim ngạch từ 50 – 200 triệu USD. Bên cạnh đó, tăng thị phần ở các thị trường mới như Nga (do thuận lợi hơn ở khâu thanh toán), Canada, Trung Đông…

Theo Bích Nga - Hoàng Bảy
SGTT

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên