MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiếu xạ An Phú hợp nhất Thái Sơn: Một Vicostone khác?

27-11-2014 - 15:16 PM | Doanh nghiệp

Giống như Vicostone, chiếu xạ An Phú đã bị đối thủ chính nắm quyền kiểm soát.

Sáng 26/11, ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Chiếu xạ An Phú (mã: APC) đã đồng ý ủy quyền cho HĐQT tiến hành nghiên cứu, đàm phán, xây dựng đề án hợp nhất An Phú và đối thủ là Công ty TNHH Thái Sơn.

Thái Sơn đã nắm giữ 50% vốn cổ phần tại APC

Giữa tháng 9, ba cổ đông lớn nhất nắm giữ gần 40% vốn cổ phần của APC là CTCP Transimex Sài Gòn (mã: TMS), SSIAM và Công ty Cao su Bà Rịa Vũng Tàu đã bán hết số cổ phiếu APC mà các công ty này đang nắm giữ.

Theo chia sẻ của Tổng giám đốc Nguyễn Thành Lập trong một bài viết của Nhịp cầu đầu tư thì số cổ phần mà SSIAM bán ra đã được 2 cổ đông cá nhân là ông Đào Ngọc Quốc và bà Tống Thị Xuân Thi mua vào.

Và tại ĐHCĐ bất thường ngày 26/11, Chủ tịch HĐQT Võ Hữu Hiệp cho biết số cổ phiếu mà các cổ đông lớn bán ra đã được Công ty TNHH Thái Sơn gom hết. Tỷ lệ nắm giữ của công ty này và các bên liên quan tại An Phú là 50%.

Theo những công bố chính thức mới nhất, trong cơ cấu cổ đông của APC tính đến cuối tháng 8/2014, công ty Thái Sơn đang nắm 18,6% vốn cổ phần.

Thái Sơn – một đối thủ yếu hơn của An Phú trên thị trường chiếu xạ thực phẩm?

Việt Nam có 5 đơn vị hoạt động chiếu xạ với 2 đơn vị nhà nước là Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ. Thị trường còn lại được chia sẻ bởi 3 doanh nghiệp An Phú, Thái Sơn và Sơn Sơn, trong đó An Phú có công suất và thị phần lớn nhất (hơn 60%).

Cho đến năm 2012, thủy sản vẫn là sản phẩm chiếu xạ chủ yếu của An Phú, chiếm tới 80% doanh thu từ dịch vụ chiếu xạ. Tuy nhiên sau đó, để giảm thiểu rủi ro, công ty đã đa dạng hóa các mặt hàng chiếu xạ thêm bột gia vị, đồ khô, trái cây tươi, trái cây đông lạnh và vì vậy, thủy sản chỉ còn chiếm 34,5% doanh thu chiếu xạ năm 2013 của APC.

Theo báo cáo phân tích mới nhất của CTCK Rồng Việt về An Phú, trong mảng chiếu xạ thủy sản, An Phú chiếm 70% thị phần, Thái Sơn chiếm 20%, còn lại thuộc về Trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ Vinagamma. Trong mảng chiếu xạ trái cây tươi, An Phú chiếm 54%, phần còn lại của Sơn Sơn.

Mặc dù chiếm thị phần rất lớn so với các đối thủ và thị trường chiếu xạ nội địa được đánh giá là mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu nhưng An Phú cũng vẫn phải cạnh tranh về giá khá gay gắt với các đối thủ khác, trong đó có Thái Sơn là doanh nghiệp cùng sử dụng nguồn xạ Cobalt 60 với chu kỳ bán rã 5 năm như An Phú (công ty Sơn Sơn chiếu xạ bằng tia X).

Trước đây, Thái Sơn có lợi thế nổi trội khi nhà máy tại Cần Thơ thuận tiện hơn cho các công ty thủy sản ở miền Tây Nam Bộ. Sau đó, ngoài nhà máy An Phú tại Bình Dương, APC đã xây nhà máy An Phú Bình Minh tại Vĩnh Long, giúp công ty nâng cao đáng kể khả năng cạnh tranh về vị trí địa lý, đồng thời nâng tổng công suất của APC lên 250 tấn/ ngày so với công suất 150 tấn/ngày của Thái Sơn.

Vì vậy, so với đối thủ Thái Sơn, An Phú có vẻ mạnh hơn nhiều.

Hợp nhất với đối thủ, thay máu và cổ phiếu tăng giá

An Phú lên phương án hợp nhất với Thái Sơn – một đối thủ có quy mô, thị phần thấp hơn mình với lý do là tập trung thị phần vào một mối để có sức nặng trong việc quyết định giá, và gần như bộ máy lãnh đạo cũng được thay thế hết bởi người của Thái Sơn.

ĐHCĐ bất thường vừa rồi đã thông qua việc từ nhiệm của hàng loạt nhân sự cấp cao. 4/5 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Phan Dũng, ông Tôn Thất Hưng, ông Lê Văn Mưng và ông Huỳnh Hồng Vĩnh cùng với 2/3 thành viên BKS là ông Nguyễn Đức Hiếu và ông Nguyễn Thuận Hóa đã xin từ nhiệm.

Thay vào đó là 3 cá nhân đến từ Thái Sơn gồm bà Huỳnh Thị Bích Loan, ông Huỳnh Ngọc Hậu, bà Phạm Thị Lượng và bà Võ Thùy Dương. Ban kiểm soát bổ sung bà Tống Thị Xuân Thi (từ CTCP Chứng khoán Cao Su) và bà Nguyễn Thị Yên (từ Thái Sơn).

Vốn là một cổ phiếu “lẹt đẹt” có thanh khoản thấp, từ cuối tháng 8, với việc thoái tới gần 40% vốn nhưng rất nhanh gọn của cổ đông lớn, APC đã tăng từ giá 13.000 đồng lên gần 20.000 đồng và giao dịch sôi động hơn rất nhiều. Có những phiên, khối lượng giao dịch đạt gần 2 triệu đơn vị.

Biến động giá APC trong 3 tháng

Việc này khiến người ta nhớ đến tháng 8 của Vicostone (mã: VCS) khi chỉ trong vòng 1 tháng, giá của VCS đã tăng từ 15.000 đồng lên 37.300 đồng sau những lần trao tay của các cổ đông lớn và chốt lại bằng việc sáp nhập vào đối thủ.

Tháng 6/2014, một nhóm cổ đông cá nhân đã mua lại 37% cổ phần của VCS từ Red River Holding và DWS Vietnam Fund. Đến cuối tháng 7, cổ đông lớn cuối cùng là Wonderful Kitchen cũng bán đi toàn bộ 12,7% cổ phần. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, gần 40% cổ phần của Vicostone đã được sang tay.

Đến ngày 5/8, ĐHCĐ bất thường của công ty đã chấp thuận việc Vicostone trở thành công ty con của CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa), theo đó chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần VCS đang sở hữu tại CTCP Style Stone cho Phenikaa. Chấp nhận trở thành công ty con của đối thủ, được giải thích là do Vicostone đang bị đe dọa về thị phần, hiệu quả hoạt động và tăng trưởng do nguy cơ về cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế.

>> Lo ngại mất thị phần, Vicostone chấp nhận để đối thủ thâu tóm

Bảo Ngọc

trangminh

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên