MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội, thách thức đang chờ các doanh nghiệp

05-08-2015 - 08:33 AM | Doanh nghiệp

Với việc sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với hơn 99% số dòng thuế, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải nỗ lực hết mình để vượt qua những thách thức về cạnh tranh không nhỏ trong thời gian tới. Bên cạnh đó cơ hội cho xuất khẩu vào EU cũng rất lớn.

Trả lời báo chí tại buổi họp báo tuyên bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) ngày 4/8, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, với việc sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với hơn 99% số dòng thuế, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải nỗ lực hết mình để vượt qua những thách thức về cạnh tranh không nhỏ trong thời gian tới. Bên cạnh đó cơ hội cho xuất khẩu vào EU cũng rất lớn.

Cơ hội cho xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, sau phiên đàm phán lần thứ 14 diễn ra trong các ngày 13-17/7, chiều 4/8, ông đã có buổi điện đàm với Cao ủy thương mại EU Cecilia Malmstrom và thống nhất kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Như vậy sau gần 3 năm, với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ ở các cấp Bộ trưởng, Trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật, Việt Nam và EU đã chính thức kết thúc toàn bộ các nội dung cơ bản của Hiệp định.

Với cam kết đã đạt được, EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Các nội dung chính của hiệp định gồm: Thương mại hàng hóa (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (lời văn về quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ…

Theo các chuyên gia từ Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA được dự đoán sẽ mang lại tác động rất tích cực cho cả Việt Nam và EU, trong đó nổi bật là lợi ích kinh tế. Các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng, giúp mở rộng hơn nữa cánh cửa cơ hội với các mặt hàng hai bên có thế mạnh như: Dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam, máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.

Với hiệp định này, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay. “Các cam kết nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, nước ta có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.

Theo đánh giá, các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ... cũng đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan. Nhìn chung, việc ký kết FTA với một đối tác phát triển cao như EU mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, nâng cao tay nghề, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp ổn định an sinh-xã hội.

Thách thức không nhỏ

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải nỗ lực hết sức mình để vượt qua những thách thức về cạnh tranh không nhỏ trong thời gian tới.

Theo ông Hoàng, thách thức đến từ hai phía nên doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng hàng hóa, giảm giá thành và đầu tư mở rộng xuất khẩu ra ngoài một cách chiến lược. “Hiệp định sẽ mang lại lợi thế cho các mặt hàng mà ngành nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh như rau quả, thủy sản và gạo do được hưởng ưu đãi thuế suất. Tuy nhiên, đây là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe nên chúng ta phải nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như bảo vệ thương hiệu của hàng Việt Nam. Ngược lại, một số sản phẩm EU có thế mạnh như lúa mỳ hoặc các sản phẩm hoa quả ôn đới, sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao mà chúng ta đang thiếu cũng sẽ được ta mở cửa”, ông Hoàng nói thêm.

Ông Franz Jessen, Đại sứ EU tại Việt Nam cho biết, EU cũng mong chờ việc ký kết EVFTA sẽ đến sớm hơn vào mùa thu này. Hiệp định sẽ giúp một tỷ trọng lớn hàng hóa của Việt Nam (khoảng 65%) sẽ được xuất khẩu vào EU với mức thuế suất 0%.

Hiệp định sẽ tác động thế nào đến việc EU công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong 5 tiêu chí của EU đưa ra để công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường, đến nay, EU đã công nhận Việt Nam đạt được 3 tiêu chí. 2 tiêu chí còn lại chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi với EU.

Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

Trở lên trên