MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu mất giá 30%, sao JVC vẫn bình thản?

18-06-2015 - 08:42 AM | Doanh nghiệp

Câu hỏi lớn nhất của nhà đầu tư bây giờ là điều gì nằm ở đằng sau sự im lặng bất thường của JVC? Giá cổ phiếu xuống như vậy sẽ có lợi cho ai?

Hiếm có doanh nghiệp nào đối mặt với tin đồn bất lợi một cách bình thản như CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã: JVC).

Cổ phiếu mất 30% giá trị, doanh nghiệp vẫn ngồi yên

Từ tuần trước, nhà đầu tư đã truyền tai nhau những thông tin tiêu cực về một dự án cung cấp thiết bị y tế mà JVC tham gia. Từ một thông tin tiêu cực không có nguồn để kiểm chứng, thị trường dễ dàng nảy sinh ra những thông tin tiêu cực khác nữa, liên quan từ ban lãnh đạo cho đến hoạt động kinh doanh thiết bị y tế của công ty.

Mặc dù vậy, trong 3 ngày liền, JVC đã không có một công bố thông tin nào khiến cho giá cổ phiếu này giảm sàn liên tục 3 phiên với dư mua bằng 0 và dư bán hàng triệu đơn vị. Như nắng hạn chờ mưa, gánh nặng tâm lý của cổ đông JVC được tháo gỡ phần nào với văn bản công bố trong ngày cuối tuần có dấu và chữ ký của Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng, đính chính về tin đồn. Nhờ đó, vào phiên đầu tuần ngày 15/06, giá cổ phiếu JVC đã hồi phục trở lại, không còn đóng cửa tại giá sàn và khớp lệnh hơn 12 triệu đơn vị.

Nhưng không ngờ, đó lại là phiên “thoát hàng” đầy may mắn của những người bán và là phiên “bắt đáy” khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ đang khóc ròng.

Bởi vì sau văn bản có phần sơ sài trên, JVC vẫn không có thêm động tĩnh gì đối với nhà đầu tư của mình. Sự nghi ngờ chưa được giải tỏa hết mà sự mập mờ, mơ hồ lại là môi trường quá tốt cho những thông tin tiêu cực khác phát sinh thêm và đẩy cổ phiếu lao dốc. Các công ty chứng khoán vẫn cắt margin và tiến hành giải chấp do giá JVC đã giảm tới 30% khi tiếp tục giảm sàn trong ngày 16/06 và 17/06.

Biểu đồ giá 1 năm của JVC

Biểu đồ giá 1 năm của JVC

Bên cạnh đó, khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu này.

Phản ứng “bình thường” của Hoàng Anh Gia Lai, Đất Xanh Group và Sacomreal

Trong quá khứ, không ít doanh nghiệp gặp phải tin đồn tiêu cực mà gần đây nhất là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG). Đối mặt với những đồn thổi về nguy cơ vỡ nợ do áp lực đáo hạn của các khoản vay nợ bằng trái phiếu, công ty đã ngay lập tức có công văn giải trình về số dư vay nợ, đồng thời cho biết đang đàm phán để kéo dài thời gian chuyển đổi trái phiếu sao cho cả HAG và trái chủ đều có lợi.

Bầu Đức cũng là người nổi tiếng phản ứng nhanh với các thông tin bất lợi về công ty mình, ví dụ như vụ tổ chức Nhân chứng toàn cầu (Global Witness) cáo buộc Hoàng Anh Gia Lai vì phá rừng ở Lào và Campuchia.

Hay như CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (mã: DXG), ngay sau khi thông tin CTCP Đất Xanh Đông Á vướng kiện tụng khiến cho nhà đầu tư lo sợ, bán mạnh DXG khiến giá cổ phiếu lao dốc thì công ty đã có văn bản công bố phản ứng mạnh mẽ với thông tin này: “chúng tôi khẳng định rằng những thông tin nói trên là hoàn toàn không chính xác và mang tính bịa đặt, gây hoang mang dư luận nhằm mục đích trục lợi làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, thương hiệu và tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty”.

Đất Xanh Group sau đó đã thoái hết vốn khỏi Đất Xanh Đông Á.

Hồi đầu năm, cổ phiếu SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn thương tín cũng bị bán tháo do thông tin không chính thống và mang tính tiêu cực về lãnh đạo của công ty. Ngay ngày hôm sau, Chủ tịch HĐQT là ông Đặng Hồng Anh đã bác bỏ thông tin trước báo chí và thực hiện mua vào 7,5 triệu cổ phiếu SCR.

Hành động mới tạo nên niềm tin

Nói chung, theo tư duy thông thường, khi doanh nghiệp của mình gặp thông tin bất lợi, phản ứng đầu tiên của những người điều hành là đính chính thông tin và xuất hiện trước công chúng hay có hành động khá quyết liệt để bác bỏ những thông tin sai lệch.

Chính vì thế, phản ứng của JVC không thể không khiến những người đang theo dõi cảm thấy nghi ngờ. Vì sao không có lãnh đạo nào của doanh nghiệp lên tiếng, đặc biệt là người đứng đầu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Văn Hướng? Phải chăng vì doanh nghiệp này do cổ đông lớn nắm là chủ yếu và không quan tâm đến diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường trong … ngắn hạn? Phải chăng doanh nghiệp cho rằng cứ lẳng lặng mà làm ăn cho tốt, về lâu về dài tin đồn sẽ nhạt đi và nhà đầu tư sẽ quay trở lại?

Câu hỏi lớn nhất của nhà đầu tư bây giờ là điều gì nằm ở đằng sau sự im lặng này? Giá cổ phiếu xuống như vậy sẽ có lợi cho ai?

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào yếu tố cơ bản của JVC. Và đây có lẽ là yếu tố trấn an lớn nhất trong vào giai đoạn này để họ nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn (giống như các cổ đông lớn của công ty).

Tuy nhiên, rõ ràng tại thời điểm này, một hành động minh bạch và mạnh mẽ hơn trong việc công bố thông tin từ phía JVC là điều mà những nhà đầu tư mong muốn, cũng như để cứu vãn niềm tin của họ đối với doanh nghiệp.

 

Hoàng Hải

Tài chính Plus

Trở lên trên