MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ tức: Nhiều doanh nghiệp làm đồng nào xào đồng ấy

04-05-2015 - 08:25 AM | Doanh nghiệp

Cách sử dụng tiền của mỗi doanh nghiệp, quả thực, tương đối khó hiểu.

- Đề nghị chi trả cổ tức của SCIC đối với AGF thất bại, do cổ tức vượt quá lợi nhuận của công ty

- Không phải doanh nghiệp nào cũng tuân theo nguyên tắc cổ tức thấp hơn lợi nhuận.


Một nội dung không thể thiếu trong ĐHCĐ thường niên là tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận, trong đó phần được chú ý hơn cả là tỷ lệ chia cổ tức, gắn bó thiết thân với quyền lợi của cổ đông.

Thông thường, lợi nhuận thu được của một doanh nghiệp sẽ được phân phối bằng cách chia cổ tức cho cổ đông và phân bổ vào các quỹ, dành cho hoạt động đầu tư phát triển về lâu dài của doanh nghiệp đó. Mặc dù, đôi khi, quỹ đầu tư phát triển lại được doanh nghiệp dùng để….mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện khác.

Nói đến việc trích lợi nhuận để chia cổ tức, không thể không nhắc đến trường hợp của Cảng Đoạn Xá (DXP) với lo lắng của một cổ đông khi cổ tức của công ty này năm 2012, cho rằng tình hình kinh doanh của công ty sẽ trở nên ảm đạm khi không chú tâm vào đầu tư. 70% là tỷ lệ cổ tức gây sốc lúc bấy giờ.

Tỷ lệ cổ tức đó nhanh chóng bị phá kỷ lục với một loạt thông tin chia cổ tức thời gian gần đây. Cổ tức 50%, 100%, hay thậm chí 200%, đều có! Tuy nhiên, vấn đề không phải là cổ tức cao bao nhiêu, mà là doanh nghiệp đó đã chi cổ tức như thế nào. Một lẽ đương nhiên, cổ tức càng cao, phần lợi nhuận dành cho các hoạt động khác như khen thưởng phúc lợi, đầu tư, nghiên cứu… sẽ buộc phải giảm.

Quan sát tình hình chia cổ tức vừa qua, chúng tôi nhận thấy không ít doanh nghiệp đã dành phần lớn LNST trong năm 2014, thậm chí hơn (lấy thêm từ LNST chưa phân phối) để chi trả cổ tức cho các cổ đông.

Giữa tháng 3 vừa qua, ĐHCĐ thường niên của Agifish – AGF đã diễn biến tương đối thú vị khi “ông lớn” SCIC đề nghị chi trả cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 35% bằng tiền mặt. Trong khi đó, năm 2014 công ty dự kiến chi cổ tức 20%, nhưng cuối cùng đề nghị giảm xuống còn 10% và chi trả bằng cổ phiếu do chưa hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Nắm giữ 8% vốn điều lệ AGF, SCIC mạnh dạn đề nghị tỷ lệ cổ tức 35% bằng tiền mặt, tương đương số tiền dự chi là 89 tỷ đồng, vượt cả LNST năm 2014 của AGF (72 tỷ đồng).

SCIC không may mắn khi đề nghị AGF nâng tỷ lệ cổ tức.

Nếu ở TIC (Điện Tây Nguyên), biết đâu mọi chuyện sẽ khác (?)

Điện Tây Nguyên trong ĐHCĐ thường niên vừa qua đã quyết định thông qua tỷ lệ cổ tức 15% bằng tiền mặt. Tỷ lệ này không quá lớn, không đủ sức gây “tiếng vang” trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng, nếu để ý, có thể thấy số tiền trích chia cổ tức của TIC lên tới 33,4 tỷ đồng, vượt hơn 2 tỷ đồng so với LNST thu được năm 2014. Tất nhiên, nguồn chi cổ tức năm 2014 trích từ LNST tính đến cuối năm 2014.

Không chi mạnh tay và “xông xênh” như TIC, Vinaconex 25 (VCC) cũng quyết định nâng tỷ lệ cổ tức 2014 từ mức tối thiếu 18% lên 24%, bằng tiền mặt. Số tiền chi trả tương đương 15 tỷ đồng – trong khi LNST năm 2014 của công ty này là 18,5 tỷ đồng. Cổ đông VCC hẳn rất vui mừng khi trong vòng 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của VCC tăng trưởng liên tục cho dù phần lớn lợi nhuận đều được dành chi cổ tức hơn là tiết kiệm để đầu tư.

Gilimex lại mạnh tay chi cổ tức cho cổ đông, cả về tỷ lệ lẫn số tiền trích chia cổ tức. Năm 2014, công ty này lãi ròng vỏn vẹn gần 53 tỷ đồng, giảm hơn 14 tỷ đồng so với năm 2013. Thế nhưng, cổ đông GIL lại có thể nhận cổ tức với tỷ lệ lên tới 80%, tương đương mức trích 83,3 tỷ đồng. Công ty này đồng thời lên kế hoạch đầu tư năm 2015 với ngân sách khoảng 430 tỷ đồng, trong đó có tới 400 tỷ đồng là vay ngân hàng.

Cách sử dụng tiền của mỗi doanh nghiệp, quả thực, tương đối khó hiểu.

Đan Nguyên

 

Minh Thư

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên