MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DATC mua thêm cả nợ doanh nghiệp tư nhân

17-06-2012 - 08:41 AM | Doanh nghiệp

Một trong những nhiệm vụ chính của DATC là mua lại nợ xấu các doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại tài chính.

Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc bộ Tài chính, một công ty chuyên xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước đã tham gia mua nợ Bình An, đây cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên mà DATC bỏ vốn vào.

Công ty cổ phần thuỷ sản Bình An (Bianfishco) đang trong quá trình đàm phán nợ nần với các chủ nợ. Hai chủ nợ là ngân hàng BIDV và ngân hàng Phát triển Việt Nam dự kiến xử lý món nợ ở Bình An thành cổ phần để trở thành cổ đông công ty. Còn DATC đứng ra mua lại nợ mà Bianfishco thiếu ngân hàng ACB và ngân hàng Việt Thái.

Ông Phạm Thanh Quang, tổng giám đốc DATC cho biết chưa định giá mua khoản nợ của hai ngân hàng vì DATC đang thẩm định tài sản đảm bảo của doanh nghiệp. “Có hai lý do chính DATC mua nợ của Bianfishco. Thứ nhất, với thương hiệu Bianfishco đã gây dựng được, thì khả năng phục hồi hoạt động và làm ăn có lãi của công ty là lớn. Thứ hai, liên quan đến con cá tra và nông dân nuôi cá, việc tham gia sẽ mang lại niềm an tâm cho nông dân” ông nói. Tại Bianfishco, DATC dự kiến sẽ đưa người vào hội đồng quản trị và ban kiểm soát, đánh giá lại ban điều hành cũ.

Một trong những nhiệm vụ chính của DATC là mua lại nợ xấu các doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại tài chính. Khi bắt tay vào mua nợ, DATC đánh giá khả năng tồn tại của doanh nghiệp, tài sản đảm bảo, khả năng phục hồi của doanh nghiệp... Tuỳ thuộc đánh giá thẩm định mà giá mua nợ của DATC chiết khấu từ 40 – 60%, nhiều trường hợp lên 80%. Nếu DATC là chủ nợ lớn, thì doanh nghiệp phải theo phương án tái cơ cấu DATC đề ra. Với vai trò vừa là chủ sở hữu (vì đầu tư vốn) vừa là chủ nợ – cổ đông lớn DATC sẽ tham gia vào hội đồng quản trị, quyết định nhân sự điều hành và quản trị lại doanh nghiệp. “Chúng tôi tham gia đến khi nào doanh nghiệp hoạt động ổn định, có lãi, khả năng trả nợ tốt lên, DATC thu hồi nợ. Sau đó 1 – 3 năm tính đến việc thoái vốn”, ông Quang nói. Từ 2007 đến 2011, DATC đã mua nợ để tái cơ cấu cho 72 doanh nghiệp, với giá trị các khoản nợ theo sổ sách là 6.256,1 tỉ đồng, giá vốn mua nợ là 1.640,3 tỉ đồng (tỷ lệ mua nợ bình quân là 26,2%), đã thu hồi được 1.486,4 tỉ đồng, tỷ lệ thu hồi đạt 90,6%.

Đến nay, theo ông Quang, việc mua bán nợ các doanh nghiệp nhà nước ở các địa phương gần như đã xong, hiện nay DATC đang tập trung mua bán nợ và xử lý tài sản các doanh nghiệp thuộc tập đoàn và tổng công ty, như tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, tổng công ty COMA, công ty càphê Buôn Ma Thuột, các doanh nghiệp thuộc Vinashin…

Theo ông, sắp tới, sau khi đã “thanh toán” hết doanh nghiệp nhà nước, DATC sẽ mua bán nợ doanh nghiệp tư nhân là chính. Theo đó, các doanh nghiệp thuỷ sản hiện đang khó khăn ngừng hoạt động nằm trong “mắt xanh” của DATC. Các doanh nghiệp khó khăn nằm trong lĩnh vực càphê, nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng cũng nằm trong tầm ngắm. Trong việc tái cơ cấu nợ doanh nghiệp, DATC dự định sẽ mời các tập đoàn, tổng công ty tham gia, lĩnh vực nào mời tập đoàn đấy.

Theo Hồng Sương

SGTT

thanhhuong

Trở lên trên